• Xây dựng Đảng

Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV xin ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân

03/06/2020 09:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 03/06/2020 | 09:30

STO - Báo Sóc Trăng trân trọng đăng toàn văn Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nghiên cứu, đóng góp. Ý kiến đóng góp trực tiếp vào phần "bình luận" hay gởi về địa chỉ: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com. Xin trân trọng!

 

 

TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG, HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH; PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT, SỰ NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO CỦA NHÂN DÂN; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN VÀ ĐỒNG BỘ; GIỮ VỮNG AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI; PHẤN ĐẤU TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ BÌNH QUÂN CỦA TỈNH TRONG NHIỆM KỲ CAO HƠN TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ BÌNH QUÂN CẢ NƯỚC

Năm năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII trong bối cảnh khu vực và thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, có những yếu tố thuận lợi và thách thức đan xen, tác động đến phát triển kinh tế đất nước, như: Kinh tế thế giới phục hồi và phát triển; liên kết và tự do hóa thương mại vẫn là xu thế chủ đạo nhưng có yếu tố bảo hộ; tác động mạnh mẽ của phát triển khoa học và công nghệ đến các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội; cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế đi đôi với căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy; biến động chính trị và xung đột xảy ra nhiều nơi; căng thẳng ở Biển Đông đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong nước, với những thành công và bài học, kinh nghiệm đạt được sau hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách đổi mới, cải cách mạnh mẽ và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đạt được những thành tựu rất quan trọng. Thế và lực của nước ta ngày càng lớn mạnh. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường còn nhiều vấn đề gây bức xúc xã hội; các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại còn một số hạn chế; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn nhiều vấn đề cần quan tâm, như: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tham nhũng, lãng phí,… tác động đến tư tưởng, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG VÀ NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XIII, NHIỆM KỲ 2015-2020

I- NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC

1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được những kết quả tích cực

1.1. Thực hiện 3 đột phá chiến lược

- Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 27/6/2014 về đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, trọng tâm là cải cách, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đến nay, 100% thủ tục hành chính được giải quyết theo cơ chế một cửa, 188/1.819 thủ tục hành chính được giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông; 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 26,28% thủ tục hành chính ở mức độ 3 và 10,39% ở mức độ 4 (năm 2015, có 10 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 54 thủ tục hành chính mức độ 4). Đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công, giải quyết 1.334 loại thủ tục thuộc thẩm quyền của các cơ quan cấp tỉnh, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của tỉnh đạt trên 90% (kết quả khảo sát có 99,6% tổ chức, cá nhân hài lòng với dịch vụ và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại Trung tâm).

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước. Triển khai thực hiện tốt công tác cải cách thể chế; trong đó, tập trung hoàn thiện các quy định về phân cấp trong quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai, ngân sách,..., chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên, phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tiễn của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy gắn với thực hiện tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bước đầu đã thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian; đến ngày 30/6/2019, toàn tỉnh có 329 cơ quan hành chính, giảm 131 đơn vị so đầu nhiệm kỳ; có 637 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 78 đơn vị so năm 2015. Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên; đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện (không gồm viên chức sự nghiệp giáo dục và y tế) đạt chuẩn theo ngạch, chức danh là 99,6%; tỷ lệ cán bộ cấp xã đạt chuẩn là 93,6%; tỷ lệ công chức cấp xã đạt chuẩn là 99,5%.

Qua đó, công tác cải cách hành chính của tỉnh có chuyển biến tích cực; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cán bộ, công chức, viên chức chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân. Hằng năm, chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đều đạt mục tiêu đề ra (trên 80%). Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2018 xếp hạng 24/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 3 bậc so năm 2015; trong đó, chỉ số cải cách thể chế của tỉnh xếp hạng 3 cả nước, tăng 42 bậc so đầu nhiệm kỳ.

- Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh tiếp tục có chuyển biến, tiến bộ. Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 11/7/2012 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020. Triển khai thực hiện tốt các chính sách, đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, như: Đề án ST150, Đề án Phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, Đề án Phát triển nguồn nhân lực y tế, Đề án Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2015-2020; chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nhân lực trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020,...

Số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp tiếp tục được nâng lên; 100% giáo viên các ngành học, bậc học đều đạt chuẩn theo quy định; cơ bản khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên giữa các trường, các cấp học. Nguồn nhân lực ngành y tế tiếp tục phát triển; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Toàn tỉnh hiện có 8 bác sĩ/10.000 dân, tăng 2,5 bác sĩ/10.000 dân so năm 2015; 1,5 dược sĩ/10.000 dân, tăng 0,7 dược sĩ/10.000 dân so năm 2015; 100/109 trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ phục vụ, chiếm tỷ lệ 91,7%, tăng 20% so năm 2015.

Trong nhiệm kỳ, tỉnh đã cử 316 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa I, chuyên khoa II ở trong và ngoài nước. Ước đến năm 2020, toàn tỉnh có 1.522 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học (41 tiến sĩ, 975 thạc sĩ, 70 bác sĩ chuyên khoa II, 436 bác sĩ chuyên khoa I), chiếm tỷ lệ 6,48% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức.

- Huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện tốt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, với tổng vốn đầu tư khoảng 15.789 tỷ đồng. Tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối các vùng, hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh, như: Dự án Đầu tư tuyến đường trục phát triển kinh tế từ thành phố Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm - lúa, Tuyến đê bao ngăn mặn và đường phục vụ an ninh - quốc phòng, ứng cứu tàu thuyền vùng biển huyện Trần Đề,…; hạ tầng kết nối các khu, cụm công nghiệp, các khu, điểm du lịch. Đã đầu tư 470 km đường tỉnh, đường huyện; 1.528 km đường giao thông nông thôn. Đến nay, tỷ lệ đường tỉnh cứng hóa, nhựa hóa đạt 100%, tăng 8,3%; đường huyện đạt 81,5%, tăng 66,4%; đường đô thị là 94,3%, tăng 34,5%; đường xã đạt 72,4%, tăng 37,6% so năm 2015; có 44/80 xã xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí 2 về giao thông, vượt 5% kế hoạch đề ra. Xã hội hóa đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến tránh Quốc lộ 1 thành phố Sóc Trăng, với tổng mức đầu tư trên 1.400 tỷ đồng.

Quan tâm đầu tư hệ thống công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất gắn với phòng, chống thiên tai. Đã đầu tư hoàn thành Dự án Đê biển từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ranh Bạc Liêu (đoạn cầu Mỹ Thanh 2 đến Trà Sết), thị xã Vĩnh Châu; Dự án Tái cơ cấu sản xuất và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai vùng sản xuất hành tím của đồng bào Khmer, thị xã Vĩnh Châu,…, với tổng chiều dài 129 km; Dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản, huyện Cù Lao Dung, Lai Hòa - Vĩnh Tân, Vĩnh Phước - Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu; Dự án Xây dựng đê bao chống ngập úng vùng trũng thị xã Ngã Năm; Dự án Hệ thống Ngăn mặn ổn định sản xuất khu vực bờ tả sông Saintard, với tổng chiều dài 610 km. Thực hiện công tác thủy lợi nội đồng kết hợp với đường giao thông nông thôn được 3.351 công trình, tổng chiều dài 3.962 km.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất ngành giáo dục, y tế phục vụ công tác dạy và học, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 335/478 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm hơn 70% số trường toàn tỉnh, tăng 30% so năm 2015. Đối với lĩnh vực y tế, đã đầu tư, nâng cấp các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện, trạm y tế tuyến xã, như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi, Trung tâm y tế huyện Cù Lao Dung, Châu Thành và Trần Đề, nâng tổng số giường bệnh là 3.560 giường, đạt tỷ lệ 26,56 giường bệnh/10.000 dân (tăng 4,82 giường/10.000 dân so năm 2015).

Trong nhiệm kỳ, đã đầu tư mới 191 km đường dây 110 kV, 1.800 km đường dây trung thế, 2.422 km đường dây hạ thế, với tổng kinh phí 1.600 tỷ đồng; điện hóa cho 85.000 hộ, nâng tổng số hộ có điện sử dụng lên 366.422 hộ, đạt tỷ lệ hộ có điện sử dụng trên 98%, bảo đảm cung cấp điện sinh hoạt và sản xuất.

Hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh tăng về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 19 đô thị, gồm: 1 thành phố (đô thị loại III), 2 thị xã (đô thị loại IV), 16 đô thị loại V (8 thị trấn huyện lỵ, 4 thị trấn và 4 đô thị loại V thuộc huyện). Tỷ lệ đô thị hoá đạt 32,4% (tăng 1,8% so năm 2015); diện tích nhà ở bình quân đầu người khoảng 21 m2/người (tăng 1,8 m2 so năm 2015); tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 88% (tăng 20% so năm 2015); diện tích cây xanh công cộng đô thị trung bình khoảng 2,93 m2/người (tăng 0,33 m2 so năm 2015). Ước đến năm 2020, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường tại khu vực đô thị, công nghiệp, dịch vụ là 90% (tăng 20% so năm 2015), đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết.

1.2. Về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế

Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu sản xuất trong nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, gắn với thị trường.

Ước tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 là 6,15%/năm, đạt 76,88% chỉ tiêu Nghị quyết; trong đó, khu vực I tăng bình quân 2,6%/năm, khu vực II tăng 10,81%/năm, khu vực III tăng 7,71%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; trong đó, khu vực I giảm tỷ trọng từ 44,24% năm 2015 xuống còn 36,84% năm 2020, khu vực II tăng tỷ trọng từ 15,25% năm 2015 lên 19,60% năm 2020, khu vực III tăng từ 40,51% năm 2015 lên 43,56% năm 2020. Ước GRDP bình quân đầu người năm 2020 là 2.110 USD/người/năm, đạt 63,55% chỉ tiêu Nghị quyết (năm 2015 là 1.348 USD/người/năm). Kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực, như sau:

1.2.1. Phát triển kinh tế nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới

Tập trung triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; trọng tâm là xây dựng, triển khai các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết, sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng các quy trình sản xuất sạch, an toàn, gắn với bao tiêu, chế biến, xuất khẩu; tập trung chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang nuôi, trồng các loại cây, con khác có giá trị kinh tế cao; triển khai Đề án của Chính phủ về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2015 đến nay có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, từ 140 triệu đồng/ha năm 2015 tăng lên 185 triệu đồng/ha năm 2020.

Năng suất, sản lượng lúa vượt chỉ tiêu đề ra; trong đó, sản lượng lúa đặc sản chiếm gần 50% tổng sản lượng, tăng 16,3% so năm 2015, vượt 9% chỉ tiêu Nghị quyết. Sản xuất rau màu tương đối thuận lợi, nhiều mô hình sản xuất ứng dụng khoa học - kỹ thuật, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, an toàn được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Xây dựng, triển khai Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản của tỉnh bước đầu mang lại hiệu quả; đến nay, toàn tỉnh có 28.167 ha cây ăn trái, tương đương năm 2015; tuy nhiên, diện tích các loại cây ăn trái có chất lượng và giá trị cao được nâng lên, nhiều mô hình trồng cây ăn trái áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, bao tiêu, xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chăn nuôi phát triển theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung; chuyển dịch cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng đàn bò (từ 35.927 con năm 2015 lên 53.814 con năm 2019; trong đó, đàn bò sữa tăng từ 8.012 con lên 10.013 con), góp phần nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi trong khu vực I từ 11,5% năm 2015 lên 15,9% năm 2019.

Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 11/9/2007 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển, vùng ven biển. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển được quan tâm đầu tư; nhiều dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, năng lượng tái tạo đang được xúc tiến, triển khai,… Nuôi thủy sản phát triển theo hướng công nghiệp, đa dạng đối tượng nuôi, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, áp dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và xuất khẩu. Diện tích nuôi tôm nước lợ tăng từ 46.463 ha năm 2015 lên 50.000 ha năm 2020.

Phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ và đạt kết quả tích cực. Trong nhiệm kỳ, tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới là 7.707 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách 760 tỷ đồng, vốn lồng ghép 2.893 tỷ đồng, vốn tín dụng 1.043 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đầu tư 513 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 602 tỷ đồng. Ước đến cuối nhiệm kỳ, có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 61,25% (chỉ tiêu Nghị quyết trên 50%); các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên; huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Ngã Năm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

1.2.2. Tập trung phát triển công nghiệp, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh

Ước giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 là 40.000 tỷ đồng, đạt 93% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng trên 1,9 lần so năm 2015; tăng trưởng bình quân đạt 13,2%/năm (chỉ tiêu Nghị quyết là 14,84%/năm).

Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp; trong đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh, như: Chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, năng lượng,...; khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối với khu vực kinh tế biển, tập trung kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thu hút đầu tư các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh. Đến nay, Khu Công nghiệp An Nghiệp có 49 doanh nghiệp thuê đất, với 66 dự án, tỷ lệ lấp đầy 96,5%; giải quyết trên 14.000 lao động (tăng trên 8.000 lao động so năm 2015), đóng góp trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Trần Đề, với tổng mức đầu tư khoảng 1.230 tỷ đồng, đang triển khai đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1, công suất 4.500 m3/ngày đêm. Đang giải phóng mặt bằng Khu Công nghiệp Sông Hậu. Đối với quy hoạch cụm công nghiệp; đến nay, Cụm Công nghiệp Ngã Năm đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 46,7%; đã khởi công Cụm công nghiệp Xây Đá B, cấp quyết định chủ trương đầu tư Cụm công nghiệp An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2.

Việc hình thành các khu, cụm công nghiệp cơ bản đáp ứng được nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng trưởng qua từng năm; hình thành một số doanh nghiệp lớn, đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; thị trường xuất khẩu được mở rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 5.087 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động; giải quyết việc làm cho 59.645 lao động (tăng hơn 6.000 lao động so năm 2015).

Để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển năng lượng tái tạo; nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Quy hoạch Phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (với 22 vị trí, tổng công suất 1.470 MW) và Đề án Phát triển điện mặt trời tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030, với tổng công suất 975 MW. Đến nay, đã triển khai 9 dự án điện gió, với tổng quy mô công suất 262,4 MW; ngoài ra, tỉnh đã trình bổ sung quy hoạch điện lực cho 20 dự án, với công suất 1.799,8 MW (trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung vào quy hoạch 1 dự án với công suất 90 MW). Đối với điện mặt trời, tỉnh đã trình Bộ Công Thương bổ sung 7 dự án vào quy hoạch điện lực, với tổng công suất 647 MWp; đã có 380 hộ dân, doanh nghiệp lắp điện mặt trời áp mái (tổng công suất 8.080 kWp). Đối với nhiệt điện, Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 được Trung ương quan tâm tháo gỡ khó khăn, Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 3 đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư; Dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 đang kiến nghị thu hồi chủ trương đầu tư để giao cho nhà đầu tư khác có năng lực thực hiện.

1.2.3. Phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch

- Hoạt động thương mại, dịch vụ có bước chuyển biến tích cực. Hệ thống chợ được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới. Trong nhiệm kỳ, đã kêu gọi, đầu tư và nâng cấp 39 chợ, với tổng kinh phí khoảng 103,4 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách là 15,6 tỷ đồng, vốn xã hội hoá là 87,8 tỷ đồng); đến nay, toàn tỉnh có 137 chợ, tăng 5 chợ so năm 2015. Tập trung kêu gọi đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi tại các trung tâm huyện, thị xã, thành phố; nhiều dự án được đầu tư, đưa vào hoạt động, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đến nay, toàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 13 siêu thị và 62 cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, tỉnh đang tập trung kêu gọi đầu tư Chợ đầu mối nông sản cấp quốc gia trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, với quy mô 254 ha.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2020 ước 90.000 tỷ đồng, đạt 75% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng trưởng bình quân 13,3%/năm; kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 900 triệu USD, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết, tốc độ tăng trưởng bình quân 11,2%/năm.

- Trong nhiệm kỳ, Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 02/8/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; phát triển du lịch gắn với quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Sóc Trăng, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã triển khai 8 dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch, với tổng kinh phí trên 800 tỷ đồng, có 3 dự án đã đầu tư hoàn thành đưa vào hoạt động, đặc biệt từ khi tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo đi vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch. Chất lượng sản phẩm dịch vụ, du lịch từng bước được nâng lên; lượng khách và doanh thu từ du lịch tăng hằng năm. Tổng lượt khách du lịch đến tỉnh năm 2020 ước đạt 2,43 triệu lượt, tăng gấp 1,86 lần so năm 2015, bình quân tăng 18,64%/năm; doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.060 tỷ đồng, tăng gấp 2,67 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân 26,7%/năm.

1.2.4. Nâng cao hiệu quả đầu tư công, chất lượng hoạt động tài chính, tín dụng, quản lý ngân sách

Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, trọng tâm là triển khai thực hiện tốt Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. Thực hiện tốt các khâu trong triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; việc bố trí vốn đầu tư cân đối giữa các nguồn lực, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác quản lý, giám sát hiệu quả đầu tư, thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, bảo đảm hoạt động đầu tư công đúng mục đích, công khai, minh bạch, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Công tác quản lý và điều hành ngân sách đi vào nề nếp; những khoản thu có tỷ trọng cao trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước đều tăng trưởng ổn định. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 ước đạt 15.869 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,35%/năm, tăng gấp 2,22 lần so giai đoạn 2011-2015.

Hoạt động của các tổ chức tín dụng ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh; trong đó, ưu tiên vốn tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa,... Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ước đến năm 2020 là 25.872 tỷ đồng, chiếm 58,3% tổng dư nợ (tăng 9,8% so năm 2015). Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 35 chi nhánh tổ chức tín dụng, với 105 điểm giao dịch ngân hàng (tăng 2 chi nhánh, 22 điểm giao dịch); tổng dư nợ 44.355 tỷ đồng (tăng 20.711 tỷ đồng so năm 2015, tốc độ tăng bình quân hằng năm là 13,5%/năm); trong đó, nợ xấu 887 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng dư nợ (giảm 0,99% so năm 2015).

1.2.5. Cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập

Cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với cải cách hành chính theo lộ trình và bước đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh xã hội hóa, nhất là các lĩnh vực và địa bàn có đủ điều kiện để khu vực ngoài công lập thực hiện dịch vụ công; đồng thời, chăm lo, bảo đảm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

Năm 2015, toàn tỉnh có 714 đơn vị sự nghiệp công lập, theo lộ trình đến năm 2021, khuyến khích thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hoá thêm 10% đơn vị sự nghiệp công lập (tương ứng là 72 đơn vị). Đến nay, toàn tỉnh đã có 41 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 56,95% kế hoạch) tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên trong tổng số 637 đơn vị sự nghiệp toàn tỉnh. Tính đến 30/6/2019, số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập (biên chế sự nghiệp) là 20.072 người, giảm 3.985 người so với biên chế năm 2015; trong đó, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên là 2.338 người.

1.2.6. Tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển

Cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, triển khai các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp, chương trình tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo,… từng bước tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp. Kết quả trong nhiệm kỳ, trên địa bàn tỉnh có 1.900 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 47,2%), tạo việc làm mới cho khoảng 35.000 lao động (tăng 2,4 lần so nhiệm kỳ trước). Đến nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh là 3.300 doanh nghiệp, với tổng vốn điều lệ đăng ký khoảng 33.000 tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, triển khai các chương trình, dự án về hỗ trợ phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới,... Qua đó, số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác thành lập mới ngày càng tăng, chất lượng hoạt động được nâng lên; nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng được mô hình liên kết chuỗi giá trị, sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến, xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho xã viên. Trong nhiệm kỳ, thành lập mới 116 hợp tác xã, giải thể 31 hợp tác xã; đến nay, toàn tỉnh có 209 hợp tác xã, với 29.604 thành viên (tăng 535 thành viên), tổng vốn hoạt động 1.177 tỷ đồng (tăng 122 tỷ đồng so năm 2015).

Thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá 2 doanh nghiệp nhà nước (Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng và Công ty Cổ phần Công trình đô thị Sóc Trăng).

1.2.7. Về điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh

Tập trung điều chỉnh cơ cấu và cơ chế phân bổ vốn theo hướng giảm dần đầu tư công, tăng cường huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2015-2020 là 68.249 tỷ đồng; trong đó, vốn khu vực nhà nước khoảng 21.389 tỷ đồng, chiếm 31,34% (vốn đầu tư công 15.789 tỷ đồng, chiếm 23,13% tổng vốn đầu tư toàn xã hội), vốn khu vực ngoài ngân sách nhà nước khoảng 46.860 tỷ đồng, chiếm 68,66% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Việc phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách được tập trung, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, hướng vào mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội,... Giai đoạn 2016-2020, tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn là 39.901 tỷ đồng (tăng 8.361 tỷ đồng so giai đoạn 2011-2015); trong đó, chi đầu tư phát triển là 9.672 tỷ đồng, chiếm 24,24% tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn (tăng gần 3%); chi đầu tư xây dựng cơ bản là 9.446 tỷ đồng, chiếm 23,6% tổng chi ngân sách (tăng 3,6% so giai đoạn 2011-2015).

Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát động khởi nghiệp; ưu tiên ngân sách đầu tư hạ tầng đến hàng rào dự án, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Tình hình thu hút đầu tư có bước khởi sắc, nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Trong nhiệm kỳ, tỉnh đã tiếp và làm việc với khoảng 900 lượt nhà đầu tư; trong đó, có trên 100 nhà đầu tư nước ngoài. Có 116 dự án được cấp chủ trương đầu tư (tăng 55 dự án), với tổng vốn đăng ký 27.282 tỷ đồng (tăng gấp 5,5 lần so giai đoạn 2011-2015); trong đó, có 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.312 tỷ đồng (đến nay, có 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được triển khai, đi vào hoạt động ổn định). Một số dự án đã và đang triển khai có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong nhiệm kỳ, tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 và Phát động khởi nghiệp, góp phần quan trọng thu hút đầu tư vào tỉnh.

2. Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo, phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên

2.1. Đổi mới và phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; tích cực, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường

Chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Các cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện Kết luận số 03-KL/TU, ngày 17/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ học sinh khá giỏi, thi đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục duy trì ở mức cao; tỷ lệ học sinh yếu, kém, bỏ học ở các cấp giảm dần qua các năm học; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn tăng qua từng năm. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và xóa mù chữ tiếp tục được giữ vững; thực hiện phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đạt kết quả bước đầu. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm đúng mức. Thực hiện tốt công tác sắp xếp mạng lưới trường lớp, rà soát tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Quan tâm chỉ đạo hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo với nhiều chương trình, đề tài, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2015 đến nay, có 57 đề tài, dự án đã và đang được triển khai thực hiện, với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng; trong đó, có 41 đề tài, dự án nghiên cứu cấp tỉnh về các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh, thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường được nghiệm thu, ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Tỉnh đã xây dựng và bảo hộ các nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: Hành tím Vĩnh Châu, Artemia Vĩnh Châu, Gạo Tài nguyên Thạnh Trị, đỉnh cao là năm 2017 gạo ST24 đạt Top 3 gạo ngon thế giới, năm 2019 gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới; chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” dùng cho sản phẩm hành tím,... Hoạt động đổi mới sáng tạo ở tỉnh được triển khai thực hiện khá tốt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động khởi nghiệp.

Công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường được tăng cường; thực hiện chặt chẽ công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư có ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và thực hiện tốt giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

2.2. Chăm lo phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao, thông tin - truyền thông, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Công tác thông tin - truyền thông được quan tâm chỉ đạo, kịp thời thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá dân tộc về vật thể, phi vật thể, tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số được chú trọng; phát huy tốt các lễ hội truyền thống dân tộc, nhất là Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer. Công tác gia đình và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tiếp tục phát triển, phát huy được tinh thần tương thân, tương ái, thực hiện nếp sống văn minh, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Ước năm 2020, có 293.730 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hoá, đạt tỷ lệ 89,8% tổng số hộ trên toàn tỉnh, tăng 11.870 hộ so năm 2015; có 725 ấp, khóm văn hoá, đạt tỷ lệ 93,5%, tăng 93 ấp, khóm so năm 2015. Phong trào thể dục, thể thao có chuyển biến tích cực; thể thao thành tích cao được chú trọng; từ năm 2015 đến nay, các vận động viên của tỉnh đã tham dự 232 giải thi đấu quốc tế, quốc gia và khu vực, đạt 14 huy chương vàng, 228 huy chương bạc và 324 huy chương đồng.

Chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được nâng lên; triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp giảm quá tải bệnh viện tuyến tỉnh và nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ; áp dụng nhiều kỹ thuật mới, hiện đại trong khám, chữa bệnh. Thực hiện tốt việc sắp xếp, tổ chức lại trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; chủ trương tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Y tế mang lại hiệu quả bước đầu. Công tác y tế dự phòng được quan tâm thực hiện, bệnh dịch được kiểm soát, không có dịch lớn xảy ra. Thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết thuộc lĩnh vực y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,79% dân số, vượt 12,35% chỉ tiêu Nghị quyết; trong đó, bảo hiểm y tế bắt buộc đạt 98,99% dân số, đạt 97,72% chỉ tiêu Nghị quyết; bảo hiểm y tế tự nguyện đạt 79,5% dân số, đạt 159% chỉ tiêu Nghị quyết.

2.3. Giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh là 605 tỷ đồng (ngân sách Trung ương là 478 tỷ đồng; ngân sách tỉnh và huy động từ các nguồn khác là 127 tỷ đồng); bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo Khmer trên 4%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết. Ước đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn 9.282 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,87%; trong đó, có 5.600 hộ nghèo Khmer, chiếm tỷ lệ 5,55%. Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) theo hợp đồng từ ngân sách địa phương bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của địa phương.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 69.582 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 50,18% năm 2015 lên trên 60% năm 2020, vượt chỉ tiêu Nghị quyết; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 45,18% năm 2015 lên trên 55% năm 2020, vượt chỉ tiêu Nghị quyết; giải quyết việc làm cho 129.609 lao động; trong đó, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 1.852 người. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số; đến nay, đã hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công trên địa bàn tỉnh.

3. Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, hoạt động đối ngoại được mở rộng

Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án về quốc phòng, an ninh; gắn kết việc phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển của tỉnh. Xây dựng lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên bảo đảm về số lượng và chất lượng; tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hằng năm hoàn thành chỉ tiêu được giao. Công tác diễn tập khu vực phòng thủ các cấp được chuẩn bị chu đáo và tổ chức hoàn thành kế hoạch của nhiệm kỳ; Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được xây dựng, củng cố và phát triển.

Các lực lượng chức năng phối hợp thực hiện tốt công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động đối phó với các tình huống phát sinh, không để bị động, bất ngờ. Triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, triệt xoá tệ nạn xã hội; tạo sự chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội; tội phạm và vi phạm pháp luật được kéo giảm. Từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 6/2019, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 1.524 vụ việc có dấu hiệu phạm pháp hình sự (giảm 14 vụ so cùng kỳ); tai nạn giao thông được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí, xảy ra 358 vụ tai nạn giao thông, làm chết 372 người, bị thương 252 người (giảm 172 vụ, giảm 159 người chết và giảm 185 người bị thương so cùng kỳ); bắt và xử lý 1.765 điểm, 10.360 đối tượng đánh bạc dưới các hình thức,... góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, tạo môi trường ổn định, an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về đường lối, chủ trương và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, số lượng dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Quản lý chặt chẽ các hoạt động của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đến hoạt động trên địa bàn tỉnh theo Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại. Từ năm 2015 đến nay, đã đón tiếp 740 đoàn khách ngoại giao, chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài đến giao lưu, nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại tỉnh.

4. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng thường xuyên, triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả

4.1. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường lãnh đạo và tạo được chuyển biến tích cực

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh uỷ; định kỳ hằng quý, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức hội nghị trực tuyến thông tin thời sự chuyên đề, kịp thời định hướng tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát hiện và có biện pháp đấu tranh chống các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc và âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và các quy định về nêu gương, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền đổi mới phong cách, lề lối làm việc; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tuân thủ kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện theo chuyên đề hằng năm.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, tổ chức bộ máy, cán bộ của hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Trên cơ sở các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, Tỉnh ủy ban hành Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 24/8/2018 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối, kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị. Đến nay, thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đạt tỷ lệ 95,58% kế hoạch, tinh giản biên chế các cơ quan nhà nước đạt tỷ lệ trên 91% so kế hoạch đến năm 2021; ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và danh mục vị trí việc làm các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; hợp nhất Đảng bộ Khối các cơ quan và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp thành Đảng bộ các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.

Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; hằng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 80%; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 80%. Bình quân hằng năm kết nạp được trên 2.000 đảng viên, đạt chỉ tiêu Nghị quyết, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên trên 46.000 đảng viên. Công tác quản lý, phân công công tác đối với đảng viên được thực hiện khá nề nếp.

Thực hiện đổi mới mạnh mẽ, toàn diện từng khâu trong công tác cán bộ. Thường xuyên rà soát đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn và bổ sung những nhân tố mới, những cán bộ trẻ có triển vọng phát triển; cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số được phát hiện và giới thiệu đưa vào quy hoạch ngày càng nhiều hơn so với quy hoạch nhiệm kỳ trước. Công tác luân chuyển cán bộ từng bước đi vào nề nếp, từ năm 2015 đến nay đã thực hiện luân chuyển được 49 lượt cán bộ. Công tác bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử khá chặt chẽ, cán bộ được bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử đã phát huy được trình độ chuyên môn và năng lực công tác. Từ năm 2015 đến nay, có 417 cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử; trong đó, bổ nhiệm 205 đồng chí, bổ nhiệm lại 29 đồng chí; giới thiệu ứng cử 59 đồng chí; chuẩn y bí thư, phó bí thư cấp uỷ cấp huyện 4 đồng chí; bổ sung ban chấp hành, ban thường vụ cấp uỷ 83 đồng chí; chỉ định đảng đoàn, ban cán sự đảng của các đơn vị 37 đồng chí. Triển khai thực hiện kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo cấp uỷ và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội giữa nhiệm kỳ 2015-2020.

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ Đảng được các cấp uỷ quan tâm lãnh đạo, phục vụ kịp thời trong việc đào tạo, tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, phát triển đảng viên, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong nhiệm kỳ, các cấp uỷ, tổ chức đảng tập trung rà soát, sàng lọc, đưa 958 đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; trong đó, xóa tên 599, xin ra khỏi Đảng 269, khai trừ 90.

Công tác dân vận tập trung hướng mạnh về cơ sở, động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Các cấp ủy quan tâm đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận trong tình hình mới, chỉ đạo công tác vận động quần chúng sát với yêu cầu thực tiễn; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh phong trào thi đua dân vận khéo và xây dựng mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Công tác dân vận của chính quyền có tiến bộ, nhất là trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hạn chế tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với tổ chức và công dân. Công tác dân vận của lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; công tác dân vận trong vùng có đông đồng bào tôn giáo, dân tộc được thực hiện có hiệu quả, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quy định, chất lượng được nâng lên. Các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các quyết định, quy định, quy chế, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; rà soát, bổ sung, ban hành mới các quy trình nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát. Kịp thời xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khoá, hằng năm, nội dung có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng những địa bàn, lĩnh vực phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực để kiểm tra, giám sát. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp uỷ kiểm tra 2.691 tổ chức, 1.985 đảng viên; giám sát 1.466 tổ chức, 1.760 đảng viên; đã xử lý kỷ luật 6 tổ chức cơ sở đảng; thi hành kỷ luật 463 đảng viên vi phạm; giải quyết 6 trường hợp khiếu nại kỷ luật đảng. Qua kiểm tra, giám sát giúp cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

4.2. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp tiếp tục được nâng lên

Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, triển khai thực hiện các công trình, dự án mang lại hiệu quả thiết thực; rà soát, cắt, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Hội đồng nhân dân tỉnh đã lựa chọn đúng, trúng những vấn đề quan trọng, bức xúc của tỉnh để bàn, quyết định trong các kỳ họp. Tăng cường chức năng giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực. Qua giám sát, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và những vấn đề được cử tri quan tâm.

4.3. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới, đạt kết quả tích cực

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới theo hướng sát cơ sở; chăm lo thiết thực đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các chi, tổ hội, nhóm tiết kiệm và chú trọng công tác kết nạp đoàn viên, hội viên. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 420.000 đoàn viên, hội viên, chiếm tỷ lệ trên 30% dân số. Tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; thực hiện tốt Quy định số 02-QĐi/TU, ngày 06/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong Đảng bộ tỉnh; công tác xây dựng tổ chức đoàn thể được tăng cuờng; hằng năm, có trên 95% các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh.

Các chính sách về dân tộc, tôn giáo được triển khai thực hiện ngày càng tốt hơn. Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; qua đó, đời sống nhân dân vùng có đông đồng bào dân tộc ngày càng được cải thiện, nâng cao.

4.4. Công tác cải cách tư pháp; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện

Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp tập trung công tác triển khai, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Chú trọng triển khai các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị của Đoàn Công tác số 6 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Tỉnh ủy, các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc theo Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị. Thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Quy chế số 07-QC/TU, ngày 19/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp với nhân dân. Đến nay, bí thư cấp uỷ các cấp trong tỉnh đã tổ chức tiếp 253 lượt công dân.

II- NHỮNG HẠN CHẾ, YẾU KÉM

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII còn một số mặt hạn chế, yếu kém:

1. Kinh tế phát triển chưa thật sự bền vững, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh còn thấp

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhưng chưa đạt yêu cầu; tỷ trọng khu vực I còn chiếm tỷ lệ cao; tỷ trọng khu vực II tăng chậm. Tổng sản phẩm nội tỉnh xếp thứ 8 trong số 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, liên kết sản xuất chưa chặt chẽ, việc sản xuất theo quy trình sản xuất sạch, gắn với việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, liên kết chế biến, xuất khẩu bước đầu mới hình thành, thiếu bền vững; các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn chậm được triển khai, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tiến độ thực hiện một số đề án, dự án chuyển đổi sản xuất chậm.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến; trong đó, ngành chế biến thực phẩm chiếm 80%. Các dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các nhà máy nhiệt điện, điện gió chậm được triển khai. Kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại, nhất là ở khu vực nông thôn còn yếu kém, phần lớn là mạng lưới chợ truyền thống; du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Thành phần kinh tế tư nhân phần lớn là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; số lượng doanh nghiệp đăng ký giải thể, tạm ngưng khá cao (chiếm khoảng 25% số doanh nghiệp thành lập mới). Mô hình kinh tế tập thể chưa phát huy hiệu quả, chất lượng hoạt động nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác còn yếu kém; liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp với các tổ chức kinh tế tập thể hạn chế, thiếu bền vững.

Công tác thu hút đầu tư còn khó khăn do thiếu quỹ đất sạch, nhiều quy định về thủ tục còn bất cập, chồng chéo, kết quả thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng; môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện, nhưng khả năng cạnh tranh còn thấp so với cả nước và khu vực; hoạt động hỗ trợ tuy được tăng cường nhưng còn dàn trải, phân tán, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn lúng túng trong quá trình thực hiện.

Thực hiện 3 đột phá chiến lược có chuyển biến, nhưng công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, một số thủ tục còn rườm rà; hiện đại hoá hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ còn chậm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt thấp so với chỉ tiêu Nghị quyết. Tiến độ triển khai một số công trình chậm; trong đó, có một số công trình trọng điểm.

2. Một số vấn đề văn hoá - xã hội chuyển biến chậm, có mặt còn hạn chế

Chưa quan tâm đúng mức việc khai thác, bảo tồn, phát huy các thiết chế văn hoá, khu di tích; nhiều thiết chế văn hoá cơ sở còn thiếu chuẩn so với quy định; phong trào thể dục thể thao quần chúng ở vùng nông thôn, khu công nghiệp còn hạn chế; thể thao thành tích cao phát triển chậm.

Chất lượng giáo dục và đào tạo vẫn còn thấp so với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước; phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp, điều chuyển giáo viên, xã hội hoá giáo dục và đào tạo còn gặp nhiều khó khăn; còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là thiếu giáo viên mầm non. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến nhà trẻ, trung học phổ thông chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết.

Hệ thống y tế ngoài công lập chậm phát triển; trình độ, năng lực của cán bộ y tế cơ sở ở một số nơi còn hạn chế. Dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết chưa phòng ngừa hiệu quả, số ca mắc bệnh hằng năm có chiều hướng gia tăng. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Một số công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ có hiệu quả ứng dụng chưa cao, thị trường khoa học - công nghệ chưa phát triển; phần lớn các doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận những tiến bộ khoa học và công nghệ, nên hạn chế trong việc liên kết hợp tác giữa nghiên cứu với ứng dụng khoa học và công nghệ.

Công tác phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm so với quy định; tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa được xử lý hiệu quả; còn lúng túng trong thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đời sống một bộ phận người dân khó khăn; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Chất lượng công tác đào tạo nghề còn hạn chế, đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu sử dụng lao động; chất lượng lao động còn thấp, chủ yếu lao động phổ thông, lao động có tay nghề, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao chiếm tỷ trọng thấp; việc giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại các cơ sở sản xuất, nhất là lao động có tay nghề còn gặp nhiều khó khăn.

3. An ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp

Tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm chưa cao, tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma tuý chưa được kiềm chế, tội phạm trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm. Ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước về an ninh, trật tự chưa đạt yêu cầu.

4. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn hạn chế

Công tác nắm tư tưởng, dư luận xã hội từng lúc chưa kịp thời; cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí còn bị động, lúng túng; công tác đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch còn thiếu sắc bén. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị chưa có chuyển biến rõ nét; có nơi việc cụ thể hoá thực hiện chủ đề hằng năm chưa phù hợp với từng loại hình cơ quan, đơn vị.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế; công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên nhiều nơi còn biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm; tính tiền phong, gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên chưa cao. Việc xây dựng các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo cán bộ ở một số nơi có lúc còn chủ quan, thiếu mạnh dạn; đánh giá cán bộ còn coi trọng văn bằng, chứng chỉ, chưa gắn với năng lực thực tiễn và hiệu quả công việc.

Công tác kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra thu, chi ngân sách đảng, giám sát chuyên đề tổ chức đảng còn ít; chất lượng, hiệu quả của một số cuộc kiểm tra, giám sát chưa cao. Vai trò tham mưu của uỷ ban kiểm tra có nơi chưa được phát huy đúng mức; công tác phối hợp giữa uỷ ban kiểm tra với các cơ quan có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng từng lúc chưa được chặt chẽ, kịp thời.

Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng còn hạn chế. Tiến độ thực hiện công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng còn chậm, sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án còn vướng mắc, bất cập; công tác giám định còn kéo dài. Công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, thanh tra chuyên ngành hiệu quả chưa cao.

Công tác dân vận trong hệ thống cơ quan nhà nước chưa được quan tâm thực hiện tốt, thiếu linh hoạt, nhạy bén. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có nơi còn hạn chế; công tác phản biện còn lúng túng; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có nội dung chưa nghiêm túc, nhiều nơi còn hình thức; công tác phối hợp nắm tình hình, quản lý hoạt động tôn giáo, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo có lúc chưa chặt chẽ.

III- ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT, NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Đánh giá tổng quát

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo và quyết tâm cao, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực; có 2 chỉ tiêu cơ bản đạt, 18 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt Nghị quyết. Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, quy mô kinh tế được nâng lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch có bước phát triển, mở ra nhiều triển vọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; tình hình thu hút đầu tư có bước khởi sắc, nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh, nhiều dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, đang triển khai thực hiện. Xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả nổi bật, được nhân dân đồng tình, tin tưởng. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội,... được quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Quốc phòng - an ninh được củng cố; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả; đoàn kết nội bộ được giữ vững; tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên.

Bên cạnh thành tựu đạt được, cũng còn một số mặt hạn chế, yếu kém, khuyết điểm: Còn 4/24 chỉ tiêu Nghị quyết thực hiện khó đạt: Tốc độ tăng trưởng kinh tế; GRDP bình quân đầu người; sản lượng thuỷ, hải sản; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội. Kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược còn nhiều mặt hạn chế, thu hút đầu tư vào tỉnh còn thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, liên kết sản xuất - tiêu thụ thiếu bền vững; chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Công nghiệp tuy có bước phát triển, nhưng chưa trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; hạ tầng khu, cụm công nghiệp chậm được đầu tư. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nhất là du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng giáo dục và đào tạo tuy được nâng lên nhưng chưa đều. Đời sống của nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp. Năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể có mặt còn hạn chế. Chất lượng sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ chậm được nâng lên; tính đảng, tính chiến đấu trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình chưa cao.

2. Nguyên nhân

2.1. Nguyên nhân đạt được thành tựu

- Về khách quan: Tình hình kinh tế đất nước tăng trưởng ổn định; sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô nền kinh tế được nâng cao; tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quan hệ hợp tác đối ngoại của Việt Nam với các nước phát triển tốt, đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế chung của các tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó, có tỉnh Sóc Trăng.

- Về chủ quan: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát; các ngành, các cấp tích cực phối hợp triển khai thực hiện. Ý thức nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn tỉnh trong sản xuất, kinh doanh.

2.2. Nguyên nhân hạn chế, tồn tại

- Về khách quan: Do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, sự gia tăng các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế. Kinh tế của tỉnh chủ yếu là nông nghiệp, chịu ảnh hưởng của thời tiết, biến đổi khí hậu, biến động giá cả, dịch bệnh,..., đặc biệt hạn, xâm nhập mặn năm 2016 và năm 2020, bệnh Dịch tả heo Châu Phi năm 2019 ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh (năm 2016, khu vực I tăng trưởng âm); các dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các dự án nhiệt điện, điện gió chậm triển khai đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng khu vực II, III. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vị trí địa lý của tỉnh xa các trung tâm kinh tế lớn; hạ tầng kỹ thuật còn yếu và thiếu. Ngân sách tỉnh còn khó khăn nên thiếu nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch. Có những cơ chế, chính sách còn chồng chéo, bất cập, thiếu đồng bộ, nhiều quy định chưa phù hợp, thiếu tính khả thi khi triển khai thực hiện (nhất là thiếu nguồn vốn thực hiện).

- Về chủ quan: Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh uỷ. Sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp tuy có tập trung nhưng chưa đúng mức cho nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá. Công tác tham mưu của một số ngành chuyên môn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ chủ chốt chưa đáp ứng yêu cầu; tinh thần trách nhiệm chưa cao. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có việc chưa chặt chẽ, thiếu chủ động.

3. Một số kinh nghiệm

Thứ nhất, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao; hành động quyết liệt, trách nhiệm, vừa xem trọng tính toàn diện, nhưng có tập trung dồn sức cho những lĩnh vực then chốt, nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá, tạo động lực phát triển.

Thứ hai, giải quyết hài hoà lợi ích chính đáng của các tầng lớp trong xã hội với những bước đi phù hợp, khả thi. Xây dựng, phát triển, nhân rộng những điển hình tiên tiến, nhân tố mới tích cực trên các lĩnh vực.

Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và củng cố hệ thống chính trị với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường.

Thứ tư, chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Làm tốt công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có quyết tâm, năng động, sáng tạo, có đủ phẩm chất, năng lực. Đề cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Thứ năm, đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, phong cách quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể theo hướng khoa học, sâu sát cơ sở; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, kịp thời sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Phần thứ hai

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP NHIỆM KỲ 2020-2025

I- DỰ BÁO TÌNH HÌNH

Trong 5 năm tới, Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, theo đó, việc thực thi nhiều cam kết kinh tế quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do mới ký kết, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; các cân đối vĩ mô tiếp tục được kiểm soát; đà tăng trưởng vẫn sẽ được duy trì ổn định; thị trường đầu tư tại Việt Nam dự báo có nhiều khởi sắc. Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, dự báo tình hình thế giới trong những năm tới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước tiếp tục diễn ra ngày càng gay gắt; khu vực Châu Á phát triển nhanh, nhưng tình hình tranh chấp biển, đảo tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định; khu vực Đông Nam Á còn nhiều rủi ro, thách thức; xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng,… Tình hình kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng nhưng sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, lệ thuộc nhiều vào các nền kinh tế lớn trên thế giới; năng suất lao động còn thấp; biến đổi khí hậu tác động ngày càng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống người dân; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn xảy ra; suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ chưa được đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, kết quả tích cực trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ tạo động lực lớn cho nhiệm kỳ 2020-2025; nhiều dự án đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các dự án năng lượng, các trung tâm thương mại, du lịch,... dự kiến được triển khai, sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai có chiều hướng diễn biến nhanh, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống người dân; dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề cao; ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định; tệ nạn xã hội, ma túy diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch, phản động nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động câu móc với các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị trong khu vực và trên địa bàn tỉnh lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

II- MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; củng cố niềm tin của nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường quốc phòng - an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với thực hiện tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh trong nhiệm kỳ cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước.

Thực hiện mục tiêu trên, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh nhất quán phương châm chỉ đạo trong suốt nhiệm kỳ là: "Đoàn kết, Dân chủ, Kỷ cương, Đổi mới".

2. Chỉ tiêu cụ thể

(1). Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 bình quân 5 năm (2021-2025) đạt 8,0%.

(2). GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến cuối nhiệm kỳ đạt 75 triệu đồng/người/năm trở lên.

(3). Cơ cấu GRDP (theo giá hiện hành) đến cuối nhiệm kỳ khu vực I là 33%, khu vực II là 26%, khu vực III từ 37% trở lên, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm từ 4% trở lên.

(4). Sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao đến cuối nhiệm kỳ chiếm trên 80% sản lượng lúa toàn tỉnh.

(5). Sản lượng thủy, hải sản đến cuối nhiệm kỳ đạt 417.000 tấn trở lên.

(6). Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đến cuối nhiệm kỳ đạt trên 250 triệu đồng/ha.

(7). Lũy kế đến cuối nhiệm kỳ có 72 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 6 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

(8). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân mỗi năm từ 21% trở lên.

(9). Giá trị xuất khẩu hàng hóa đến cuối nhiệm kỳ đạt 1,2 tỷ USD.

(10). Thu ngân sách nhà nước trong cân đối đến cuối nhiệm kỳ là 6.500 tỷ đồng.

(11). Đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh trong độ tuổi đến lớp: Nhà trẻ đạt 25%, mẫu giáo đạt 95%; tiểu học đạt 99,5%; trung học cơ sở đạt 98,5%; trung học phổ thông và tương đương đạt 75%.

(12). Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến cuối nhiệm kỳ đạt 75%.

(13). Đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế 100%; đạt 30 giường bệnh/10.000 dân, 10 bác sĩ/10.000 dân.

(14). Đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,5% dân số; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội của lực lượng lao động trong độ tuổi là 45%.

(15). Đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 30%. Tỷ lệ lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi là 85%.

(16). Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%-3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3%-4%/năm.

(17). Hằng năm, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung là 93%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 99%.

(18). Hằng năm, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, dịch vụ được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường là 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn, làng nghề được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường là 65%.

(19). Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2020-2025, tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh là 53.400 đồng chí.

(20). Hằng năm, có trên 80% tổ chức cơ sở đảng được xếp loại chất lượng “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” và có dưới 1,5% tổ chức cơ sở đảng “Không hoàn thành nhiệm vụ”.

(21). Hằng năm, có trên 80% đảng viên được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” và có dưới 1,5% đảng viên “Không hoàn thành nhiệm vụ”.

(22). Hằng năm, phấn đấu có trên 85% các đoàn thể chính trị - xã hội hoàn thành tốt nhiệm vụ.

III- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh

Tập trung phát triển, cơ cấu lại các ngành, các lĩnh vực; đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở tăng năng suất, tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và ứng dụng các thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về phát triển nông nghiệp và nông thôn: Xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng; cơ cấu lại sản xuất theo hướng các ngành hàng chủ lực “thủy sản, cây ăn trái, lúa đặc sản”, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, hướng đến ứng dụng công nghệ cao, theo nhu cầu thị trường, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, liên kết bao tiêu, chế biến, xuất khẩu. Đẩy mạnh chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây, con có giá trị kinh tế cao hơn. Triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Trung ương về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế hợp tác, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển lúa đặc sản, lúa chất lượng cao các loại, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ nâng tỷ lệ sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 80% tổng sản lượng lúa. Triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản của tỉnh, hướng tới thị trường xuất khẩu, với các nhóm cây chủ lực, như: Cây có múi (bưởi, cam, quýt,...), nhãn, vú sữa, xoài, sầu riêng, mãng cầu,... Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung gắn với chuỗi giá trị, chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình số 35-CTr/TU, ngày 04/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển của tỉnh; phát triển nuôi thủy, hải sản theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu; chú trọng khai thác gắn với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, thương mại, dịch vụ và du lịch biển, góp phần chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển của tỉnh.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với các tiêu chí cần ít vốn đầu tư; huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đồng thời, quan tâm duy trì và nâng chất các xã đã đạt 19 tiêu chí, hướng đến đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu (phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 6 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 1 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).

Về phát triển công nghiệp: Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng năng lượng; trong đó, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp lợi thế của tỉnh, như: Công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất điện,…; thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất, chế biến các ngành hàng có sử dụng nguồn nguyên liệu nông, thủy sản địa phương; phát triển tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn, nhằm giải quyết lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Khẩn trương hoàn thành các thủ tục, triển khai đầu tư, kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Trần Đề, Sông Hậu, Đại Ngãi, Mỹ Thanh; các cụm công nghiệp: Ngã Năm, Xây Đá B, An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2, Vĩnh Châu,...; các nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Nhiệt điện Long Phú.

Về phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch: Đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư, khai thác hệ thống chợ, chợ đầu mối, trung tâm thương mại,... tại các đô thị và khu vực nông thôn theo quy hoạch; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển chợ trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh với các hình thức thanh toán linh hoạt; chú trọng phát triển thương mại điện tử. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; kết nối cung cầu, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 02/8/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; trong đó, tập trung khai thác tiềm năng du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội; du lịch chợ nổi kết hợp với phát triển các loại hình văn hóa trên sông; du lịch sinh thái, miệt vườn trên hệ thống cù lao dọc sông Hậu và khu vực ven biển, kết hợp với phát triển điện gió, du lịch biển,… gắn với khai thác tiềm năng du lịch thông qua tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo. Chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; phát triển, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu, điểm du lịch; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển du lịch cộng đồng. Tăng cường công tác quảng bá, phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng tour, tuyến kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Xây dựng Đề án Tổng thể phát triển du lịch Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là tại các khu, điểm du lịch.

Về thu - chi ngân sách: Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tạo nguồn thu mới; tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu; kiểm soát chặt chẽ việc khai thuế, hoàn thuế bảo đảm công bằng mức huy động thuế, phí trong xã hội. Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực ngân sách nhà nước; tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước chủ động, chặt chẽ trong phạm vi dự toán được giao; tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn; ưu tiên ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư đối với các danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách.

Về tín dụng: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; triển khai các giải pháp bảo đảm chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hợp lý; tập trung vốn tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và ưu tiên vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Tranh thủ Trung ương bổ sung quy hoạch, kêu gọi đầu tư cảng biển nước sâu Trần Đề; đầu tư kéo dài tuyến Quốc lộ 60, Quốc lộ 61B; đầu tư cầu Đại Ngãi; nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ qua địa bàn. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ưu tiên đầu tư các công trình, dự án tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó, tập trung đầu tư hệ thống các tuyến đường tỉnh, đường huyện, các tuyến đường kết nối thành phố Sóc Trăng với các vùng kinh tế trọng điểm, các khu, điểm du lịch của tỉnh; đầu tư các tuyến vành đai, trục hướng tâm, trục chính giao thông các đô thị; triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Sóc Trăng.

Quan tâm đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng vùng nuôi thủy sản huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu; hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất ở các huyện: Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành và thị xã Ngã Năm; các dự án nạo vét hệ thống thủy lợi trữ ngọt kết hợp phòng, chống ngập úng, hạn mặn trên địa bàn tỉnh. Tranh thủ Trung ương triển khai Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, để thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế người dân khu vực Cù Lao Dung; Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững; Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Trần Đề; các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn các huyện Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu.

Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển điện lực và các quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm nguồn điện và lưới điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân; trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu, các đường dây và trạm biến áp 110kV, phấn đấu đến năm 2025 mỗi huyện và khu, cụm công nghiệp có trạm biến áp 110kV. Đến năm 2025, hộ có điện trên địa bàn tỉnh đạt trên 99%, không còn hộ sử dụng điện câu đuôi mất an toàn, bảo đảm điện cung cấp cho khu vực nuôi tôm công nghiệp của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, phấn đấu đến năm 2025 các dự án đưa vào vận hành thương mại.

Về phát triển các thành phần kinh tế: Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình số 20-CTr/TU, ngày 31/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung các nguồn lực để triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát động khởi nghiệp. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có 2.500-3.000 doanh nghiệp được thành lập mới.

Tăng cường vai trò lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã; tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; xem việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm là động lực để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho xã viên.

Về thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh: Tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chú trọng cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, gia nhập thị trường,... Hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các công trình, dự án. Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đầu tư, chính sách khuyến khích đầu tư, để nhiều nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn lớn, có tiềm lực kinh tế, quản trị, công nghệ tiên tiến đến đầu tư phát triển trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch,... Tranh thủ Trung ương đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng liên vùng, xã hội hóa đầu tư cảng biển nước sâu Trần Đề; khai thác lợi thế giao thông thủy, bộ dọc theo sông Hậu, kết nối với khu vực kinh tế biển, tập trung kêu gọi đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp,...

Về phát triển đô thị: Nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị; thực hiện tốt chương trình phát triển đô thị. Đầu tư xây dựng phát triển đồng bộ hạ tầng theo định hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở, trung tâm thương mại,... tại các đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa. Phấn đấu hoàn chỉnh các tiêu chí đô thị loại II đối với thành phố Sóc Trăng; từng bước hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV đối với khu vực các phường thuộc thị xã Vĩnh Châu và thị xã Ngã Năm; đầu tư xây dựng thị trấn Trần Đề cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV. Tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng và quản lý thực hiện có hiệu quả quy hoạch xây dựng, chương trình phát triển đô thị, phát triển hạ tầng đô thị (cấp thoát nước, giao thông, chiếu sáng, cây xanh,...).

2. Tiếp tục chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa; nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện có hiệu quả tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân

Lãnh đạo thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và định hướng thông tin báo chí. Xây dựng hệ thống hạ tầng bưu chính, viễn thông công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với xây dựng chính quyền điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư và mỗi gia đình; nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”. Đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao, nhất là thể dục, thể thao quần chúng; quan tâm đầu tư phát triển một số môn thể thao thành tích cao có thế mạnh của tỉnh. Xây dựng hoàn chỉnh các thiết chế thể thao cấp tỉnh, như: Sân vận động, nhà thi đấu tổng hợp,...

Tiếp tục thực hiện các giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Thực hiện tốt công tác rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp, tinh giản biên chế giáo viên; quan tâm đầu tư trường đạt chuẩn quốc gia; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo; xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh.

Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, y đức của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ ngành y tế; thực hiện tốt công tác y tế dự phòng và ngăn ngừa dịch bệnh. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ các cơ sở khám, chữa bệnh công lập theo lộ trình, xã hội hóa đầu tư các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã; khai thác hiệu quả cơ sở vật chất ngành y tế đã được đầu tư (Bệnh viên Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi,...), góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Tăng cường công tác nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu gắn với ứng dụng thực tiễn và phổ biến, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện có hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu công nghiệp, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, xây dựng tiêu chuẩn địa phương cho một số sản phẩm đặc trưng.

Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách ưu đãi đối với người có công, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội; kết hợp đồng bộ các biện pháp hỗ trợ đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm theo địa chỉ; tích cực hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp trong tuyển dụng lao động. Triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động của Trung ương, của tỉnh.

3. Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, chính quyền và người dân về các thách thức đang đặt ra trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên nước, đất đai,...; có biện pháp phòng, tránh thiên tai, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, sạt lở, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển, vùng trũng, cù lao ven sông,...; huy động các nguồn lực tham gia công tác bảo vệ, phục hồi và trồng mới rừng, nhất là hệ thống rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển, ven sông.

Triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm; cải thiện môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Tập trung xử lý, khắc phục triệt để các điểm ô nhiễm nghiêm trọng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện môi trường.

4. Tăng cường quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và hoạt động cải cách tư pháp

4.1. Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh. Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng khu vực phòng thủ tỉnh; tổ chức tốt công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và diễn tập theo quy định. Chủ động nắm tình hình, xử lý tốt các tình huống về quốc phòng - an ninh, không để bị động, bất ngờ.

Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ; củng cố, nâng cao chất lượng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

4.2. Thực hiện tốt các nội dung, hoạt động cải cách tư pháp theo lộ trình. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo đảm về số lượng và chất lượng. Nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân và phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đối với các cơ quan tư pháp.

5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể

Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương; lựa chọn những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước để tập trung giám sát, khảo sát đề xuất, kiến nghị tháo gỡ kịp thời. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị của cử tri; bảo đảm các kiến nghị chính đáng của cử tri phải được các sở, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả.

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành chức năng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ động trong việc tham mưu, triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chế độ công vụ; đề cao trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vụ việc ngay từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng; tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Đồng chí bí thư cấp ủy các cấp thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ hằng tháng theo Quy chế số 11-QC/TU, ngày 29/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quy chế số 07-QC/TU, ngày 19/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác nắm tình hình, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; quan tâm chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích thiết thực, chính đáng của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; tích cực vận động nhân dân tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của nhân dân. Thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; Quy định số 02-QĐi/TU, ngày 06/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng bộ tỉnh.

6. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên

6.1. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa và sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy. Tăng cường công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng môi trường dư luận xã hội lành mạnh, làm thất bại âm mưu hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch. Giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật phát ngôn, nói, viết và làm theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tiếp tục thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng về công tác xây dựng Đảng. Thực hiện có hiệu quả Chương trình số 16-CTr/TU, ngày 21/3/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 24/8/2018 của Tỉnh ủy về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Kiện toàn, sắp xếp tổ chức của các tổ chức cơ sở đảng đồng bộ, thống nhất với các tổ chức của hệ thống chính trị theo quy định của Điều lệ Đảng; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị.

Thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, trung thực, toàn diện và công tâm, lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ, sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chính để đánh giá cán bộ. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, có bản lĩnh, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Chú trọng công tác phát triển đảng viên mới, bảo đảm về chất lượng. Quan tâm chỉ đạo kết nạp đảng viên ở vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, các đơn vị kinh tế tư nhân. Tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp trong xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể nơi có đủ điều kiện. Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ; kịp thời thẩm tra, xác minh, kết luận lịch sử chính trị và chính trị hiện nay, góp phần làm trong sạch nội bộ, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, phương pháp, lề lối làm việc của cấp ủy và tổ chức đảng các cấp theo hướng khoa học, làm việc theo quy chế, chương trình, kế hoạch; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, khắc phục có hiệu quả tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Thực hiện tốt công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

6.2. Tiếp tục cụ thể hóa, triển khai thực hiện các quyết định, quy định, quy chế, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng. Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát theo hướng tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, hướng dẫn của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp dưới. Triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo Điều lệ Đảng quy định; chủ động kiểm tra, giám sát về phẩm chất, đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và giám sát theo phương châm “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra về lĩnh vực đất đai, đầu tư công. Xử lý và tham mưu cấp ủy xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

6.3. Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng; chỉ đạo xử lý nghiêm đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông trong công tác phòng, chống tham nhũng; chú trọng nâng cao hiệu quả phát hiện tham nhũng qua tự kiểm tra nội bộ trong cơ quan, đơn vị và qua giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo.

6.4. Tăng cường công tác dân vận của Đảng, dân vận chính quyền gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo. Quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo; kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, các hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc nhằm phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền xử lý có hiệu quả các vụ việc trong tôn giáo, dân tộc. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở; kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trong hệ thống chính trị.

IV- NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ CÁC ĐỘT PHÁ TRONG NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XIV (2020-2025)

1. Những nhiệm vụ trọng tâm

(1). Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

(2). Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án. Khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển; kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng, cảng biển, phát triển các khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

(3). Củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

(4). Phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

(5). Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

2. Các đột phá

(1). Đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

(2). Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo sự chuyển biến rõ nét trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

(3). Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm, năng lượng, cảng biển, khu, cụm công nghiệp, các đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin, tạo nền tảng phát triền kinh tế số.

 

BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH


 

PHỤ LỤC

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHỈ TIÊU NGHỊ QUYẾT NHIỆM KỲ 2015 - 2020, CHỈ TIÊU NGHỊ QUYẾT NHIỆM KỲ 2020 - 2025

-----

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Nghị quyết nhiệm kỳ

2015-2020

Ước

Thực hiện 2015-2020

Thực hiện/

Nghị quyết

(%)

Nghị quyết nhiệm kỳ

2020-2025

So sánh 2020-2025/ kết quả

2015-2020

Ghi chú

1

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)  theo giá so sánh 2010 bình quân 5 năm (2021-2025)

%/năm

8-9

6,15

76,88

 ≥ 8

130,08

 

2

GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến cuối nhiệm kỳ

USD

3.320

2.110 (tương đương 50,8 triệu đồng)

63,55

≥ 2.930 (≥ 75 triệu đồng)

148,23

 

3

Cơ cấu GRDP (giá hiện hành) đến cuối nhiệm kỳ

 

 

 

 

 

 

 

- Khu vực I

%

31,20

36,84

-

≤ 33

-

 

- Khu vực II

%

20,57

19,60

-

≥ 26

-

 

- Khu vực III

%

48,23

39,85

-

≥ 37

-

 

- Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

%

-

3,71

-

≥ 4

-

Chỉ tiêu mới

4

Sản lượng lúa

Triệu tấn

> 02

> 02

Đạt

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

Trong đó: Sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao đến cuối nhiệm kỳ

%

40

>50

>125

>80

160

 

5

Sản lượng thuỷ, hải sản đến cuối nhiệm kỳ

Tấn

348.500

317.000

90,96

≥ 410.000

131,55

 

Trong đó: Khai thác biển

Tấn

76.000

64.000

84,21

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

6

Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản đến cuối nhiệm kỳ

Triệu đồng

185

185

100,00

>250

135,14

 

7

Xây dựng nông thôn mới đến cuối nhiệm kỳ

 

 

 

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới

%

50

61,25

122,5

90

149,9

 

- Tỷ lệ xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên

%

Tất cả xã còn lại

Tất cả xã còn lại

Đạt

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

- Huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Huyện

2

2

Đạt

6

4

 

8

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010)

Tỷ đồng

43.000

40.000

93,02

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân mỗi năm

%

-

-

-

≥ 21

-

Chỉ tiêu mới

9 

Giá trị xuất khẩu hàng hoá đến cuối nhiệm kỳ

Triệu USD

900

900

Đạt

1.200

133,3

 

Trong đó: Xuất khẩu thuỷ sản

Triệu USD

750

670

89,33

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

(10)

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đến cuối nhiệm kỳ

Tỷ đồng

120.000

90.000

75,00

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

10

Thu ngân sách nhà nước đến cuối nhiệm kỳ

Tỷ đồng

3.000-3.500

3.683

105,24

-

-

Đã được thay thế bằng chỉ tiêu khác

Thu ngân sách nhà nước trong cân đối đến cuối nhiệm kỳ

Tỷ đồng

-

-

-

6.500

-

Chỉ tiêu mới

11

Đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh trong độ tuổi đến lớp

%

 

 

 

 

 

 

- Nhà trẻ

%

15

12

80,00

25

208,3

 

- Mẫu giáo

%

90

90

Đạt

95

105,5

 

  Trong đó: Mẫu giáo 5 tuổi

%

99

99

Đạt

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

- Tiểu học

%

99,5

99,5

Đạt

99,5

Tương đương nhiệm kỳ trước

 

- Trung học cơ sở

%

97

97,5

100,52

98,5

101,03

 

- Trung học phổ thông và tương đương

%

85

67

78,82

75

111,94

 

12

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến cuối nhiệm kỳ

%

70

70,08

100,11

75

107,3

 

(14)

Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn

%

10

10

Đạt

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn

8

5,9

135,59

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

13

Đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã

%

95,4

100

104,82

100

Tương đương nhiệm kỳ trước

 

Số giường bệnh/10.000 dân

-

-

-

-

30

-

Chỉ tiêu mới

Số bác sĩ/10.000 dân

-

-

-

-

10

-

Chỉ tiêu mới

14

Đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế

%

85

98,79

112,35

95,5

96,6

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc

%

100

98,99

97,72

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

 - Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình

%

50

79,5

159

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

- Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế

%

-

-

-

95,5

-

Chỉ tiêu mới

- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội của lực lượng lao động trong độ tuổi

%

-

-

-

45

-

Chỉ tiêu mới

15 

Đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ lao động qua đào tạo 

%

60

60

Đạt

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

Trong đó: Lao động qua đào tạo nghề

%

55

55

Đạt

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ

%

-

-

-

30

-

Chỉ tiêu mới

Tỷ lệ lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi

%

-

-

-

85

-

Chỉ tiêu mới

16

Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân theo tiêu chí 2015

%

2-3

> 3

Vượt

2-3

Tương đương nhiệm kỳ trước

 

Trong đó: Hộ Khmer

%

3-4

> 4

Vượt

3-4

Tương đương nhiệm kỳ trước

 

17

 

Hằng năm, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh

 

 

 

 

 

 

 

- Dân số thành thị

%

100

100

100

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

- Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung

%

-

-

-

93

-

Chỉ tiêu mới

- Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh

%

98

99

101,02

99

Tương đương nhiệm kỳ trước

 

18

 

Các chỉ tiêu về môi trường hằng năm

 

 

 

 

 

 

 

- Tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải

%

100

100

Đạt

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

- Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường

%

100

100

Đạt

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, dịch vụ được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường

%

90

90

Đạt

95

105,5

 

- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở khu dân cư nông thôn, làng nghề được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường

%

50

52,19

Vượt

65

124,5

 

- Tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường

%

100

100

Đạt

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

19

Phát triển đảng viên mới

đảng viên

Trên 10.000

Trên 10.000

Đạt

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

Tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ đến cuối nhiệm kỳ

Đồng chí

-

-

-

53.400

-

Chỉ tiêu mới

20

Tổ chức cơ sở đảng được xếp loại hằng năm

 

 

 

 

 

 

 

- Trong sạch vững mạnh

%

Trên 50

Trên 50

Đạt

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

- Yếu kém

%

Dưới 1,5

Dưới 1,5

Đạt

-

-

Không đề ra trong nhiệm kỳ tới

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ

%

-

-

-

> 80

-

Chỉ tiêu mới

- Không hoàn thành nhiệm vụ

%

-

-

-

< 1,5

-

Chỉ tiêu mới

21

Tỷ lệ đảng viên được xếp loại hằng năm

 

 

 

 

 

 

 

- Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ

%

Trên 80

Trên 80

Đạt

> 80

Tương đương nhiệm kỳ trước

 

- Đảng viên không hoàn thành niệm vụ

%

Dưới 1,5

Dưới 1,5

Đạt

< 1,5

Tương đương nhiệm kỳ trước

 

22

Tỷ lệ các đoàn thể chính trị - xã hội hoàn thành tốt nhiệm vụ

%

Trên 70

Trên 85

Vượt

> 85

Tương đương nhiệm kỳ trước

 

 

Ghi chú: Số thứ tự các chỉ tiêu được đặt trong (…) là số thứ tự theo chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020, không đưa vào hệ thống chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020-2025.

______________________________

 

GỢI Ý

một số nội dung cần tập trung thảo luận, xin ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025

-----

1. Về tiêu đề

Yêu cầu của tiêu đề Báo cáo chính trị được xây dựng trên cơ sở kết hợp 5 thành tố, gồm: “Sự lãnh đạo của Đảng”“Dân tộc”“Đổi mới”“Bảo vệ Tổ quốc” và thành tố “Mục tiêu”. Trên cơ sở 5 thành tố này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII xây dựng tiêu đề Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV là “Tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết, sự năng động, sáng tạo của nhân dân; đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh trong nhiệm kỳ cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước”.

Đề nghị cho ý kiến về nội dung của tiêu đề, từng thành tố của tiêu đề; sự bao quát của tiêu đề đối với nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới.

2. Về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIII nhiệm kỳ 2015-2020, dự thảo Báo cáo chính trị đã đánh giá khái quát về những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực, những hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020, đề nghị cho ý kiến về:

- Những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của hạn chế, khuyết điểm; trong đó, tập trung phân tích các nguyên nhân dẫn đến các chỉ tiêu Nghị quyết thực hiện không đạt, như: Về tốc độ tăng trưởng kinh tế; GRDP bình quân đầu người; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội,...

- Việc xác định những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020.

3. Về dự báo tình hình trong những năm tới

Đề nghị cho ý kiến về dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước và trong tỉnh những năm tới; những thuận lợi, thời cơ, những khó khăn, thách thức và yêu cầu mới đặt ra.

4. Về mục tiêu tổng quát và phương châm chỉ đạo

Đề nghị cho ý kiến về:

- Mục tiêu tổng quát: “Tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; củng cố niềm tin của nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường quốc phòng - an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với thực hiện tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh trong nhiệm kỳ cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước”.

- Phương châm chỉ đạo trong suốt nhiệm kỳ “Đoàn kết, Dân chủ, Kỷ cương, Đổi mới”.

5. Các chỉ tiêu cụ thể

Báo cáo chính trị đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu nhằm bảo đảm thực hiện đạt mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ 2020-2025; đề nghị cho ý kiến từng chỉ tiêu cụ thể; trong đó, tập trung một số chỉ tiêu như sau:

(1). Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 bình quân 5 năm (2021-2025) đạt 8,0%.

(2). GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến cuối nhiệm kỳ đạt 75 triệu đồng/người/năm trở lên.

(3). Cơ cấu GRDP (theo giá hiện hành) đến cuối nhiệm kỳ khu vực I là 33%, khu vực II là 26%, khu vực III từ 37% trở lên, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm từ 4% trở lên.

(4). Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đến cuối nhiệm kỳ đạt trên 250 triệu đồng/ha.

(5). Luỹ kế đến cuối nhiệm kỳ có 72 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 6 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

(6). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân mỗi năm từ 21% trở lên.

(7). Thu ngân sách nhà nước trong cân đối đến cuối nhiệm kỳ là 6.500 tỷ đồng.

(8). Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%-3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3%-4%/năm.

(9). Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2020-2025, tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh là 53.400 đồng chí.

6. Về nhiệm vụ và những giải pháp chủ yếu

6.1- Về đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Đề nghị cho ý kiến về các vấn đề:

- Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi theo hướng liên kết chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển của tỉnh, phát triển nuôi trồng, đánh bắt thuỷ, hải sản, phát triển năng lượng tái tạo, thương mại, dịch vụ và du lịch biển. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Triển khai đầu tư, kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Trần Đề, Sông Hậu, Đại Ngãi, Mỹ Thanh; các cụm công nghiệp: Ngã Năm, Xây Đá B, An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2, Vĩnh Châu,... Đẩy mạnh xã hội hoá trong đầu tư, khai thác hệ thống chợ, chợ đầu mối, trung tâm thương mại,...

- Huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó, tập trung triển khai thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, chú trọng đầu tư các công trình, dự án tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quan tâm đầu tư hạ tầng thuỷ lợi phục vụ sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Phát triển các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi đầu tư; trong đó, tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch phục vụ công tác kêu gọi đầu tư của tỉnh.

- Tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng và quản lý thực hiện có hiệu quả quy hoạch xây dựng, chương trình phát triển đô thị, phát triển hạ tầng đô thị (cấp thoát nước, giao thông, chiếu sáng, cây xanh,...). Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở, trung tâm thương mại,... tại các đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa.

6.2. Về tiếp tục chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa; nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện có hiệu quả tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Đề nghị cho ý kiến về các vấn đề:

- Định hướng các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, định hướng thông tin báo chí. Về xây dựng môi trường văn hóa trong từng cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư và mỗi gia đình.

- Những nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các cấp học, các loại hình đào tạo; giải pháp về phân luồng học sinh; sắp xếp mạng lưới trường, lớp học gắn với đầu tư xây dựng trường lớp đạt chuẩn quốc gia; xã hội hóa đầu tư giáo dục, đào tạo.

- Việc nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện cơ chế tự chủ các cơ sở khám, chữa bệnh công lập; xã hội hóa đầu tư các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập.

- Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển kinh tế - xã hội.

- Những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp để giảm nghèo bền vững; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.

6.3. Về thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Đề nghị cho ý kiến về các vấn đề:

- Định hướng nhiệm vụ, giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên; phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề.

- Các giải pháp về thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hạn, xâm nhập mặn, nắng nóng kéo dài.

6.4. Về tăng cường quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và hoạt động cải cách tư pháp.

Đề nghị cho ý kiến về các vấn đề:

- Những quan điểm, định hướng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

- Những định hướng về nâng cao chất lượng hoạt động các cơ quan tư pháp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng.

- Nhiệm vụ, giải pháp phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân và phản biện xã hội của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đối với các cơ quan tư pháp.

6.5. Về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể

Đề nghị cho ý kiến về các vấn đề:

- Những định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, công tác lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành chức năng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu, triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh.

- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.

6.6. Về tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đề nghị cho ý kiến về các vấn đề:

- Những định hướng, giải pháp về nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, giáo dục chính trị tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng, định hướng dư luận xã hội, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- Những định hướng, giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 24/8/2018 của Tỉnh ủy về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

- Nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, nội dung sinh hoạt cấp ủy, chi bộ và công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

- Những định hướng, giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác dân vận của Đảng, dân vận chính quyền, Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở.

7. Về các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025

- Về các nhiệm vụ trọng tâm: Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025, dự thảo Báo cáo chính trị đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới. Đề nghị cho ý kiến về nội dung và cách sắp xếp thứ tự của 5 nhiệm vụ trọng tâm, tính khả thi của các nhiệm vụ trọng tâm.

- Về 3 đột phá: Qua tổng kết, đánh giá các chủ trương của Trung ương, của Tỉnh uỷ, có thể thấy điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn là những hạn chế, tồn tại trong cải cách hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng; 3 điểm nghẽn này đã tác động lớn đến thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Có thể thấy 3 đột phá do Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được cụ thể hoá phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, căn cứ vào điều kiện, yêu cầu thực tiễn, bổ sung, điều chỉnh một số khâu cần ưu tiên trong từng đột phá chiến lược. Đề nghị cho ý kiến về tính hợp lý, khả thi của những khâu ưu tiên trong 3 đột phá.

                                      BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: