• Xây dựng Đảng

Những yêu cầu đối với giảng viên Trường Chính trị tỉnh hiện nay

25/02/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 25/02/2020 | 06:00

STO - Trường Chính trị tỉnh thực chất là trường đảng, là công cụ giáo dục lý luận chính trị quan trọng của Đảng và Nhà nước, có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và dự nguồn các chức danh chủ chốt của hệ thống chính trị cấp cơ sở và cán bộ, công chức, viên chức cấp phòng ở địa phương.

Mục tiêu hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của trường là: cung cấp tri thức, bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nâng cao trình độ lý luận chính trị, hoàn thiện nhân cách cho cán bộ. Qua đó trang bị thế giới quan và phương pháp luận khoa học và cách mạng cho đội ngũ cán bộ, giúp cán bộ vận dụng tri thức được trang bị vào thực tiễn công tác. Với mục tiêu đó, Trường Chính trị tỉnh là một trường rất đặc biệt. Tính chất đặc biệt này thể hiện ở chỗ: không phải dạy chữ, dạy làm người nói chung, mà là dạy lý luận chính trị, dạy làm người cán bộ cách mạng, làm công bộc, đày tớ thật trung thành của nhân dân. Quan hệ giữa người dạy và người học ở trường không chỉ là quan hệ thầy - trò, mà còn là quan hệ đồng chí. Trên bục giảng, người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức, mà còn bồi dưỡng cho học viên nhân sinh quan cách mạng, thế giới quan và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Người học không chỉ chủ động tiếp thu tri thức mà còn suy nghĩ để vận dụng tri thức đó cùng những kinh nghiệm tích lũy được để xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra. Vì vậy, trọng trách của người thầy rất nặng nề.

Để hoàn thành trọng trách đó trong giai đoạn hiện nay, giảng viên Trường Chính trị tỉnh phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường giai cấp công nhân kiên định; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng. Đây là yêu cầu hàng đầu của giảng viên chính trị hiện nay. Hơn ai hết đội ngũ giảng viên phải là người nắm vững và trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, lý luận; kiên quyết đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, chống đối của các thế lực thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thăm và chúc mừng Trường Chính trị tỉnh nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: T.R

Phẩm chất của giảng viên Trường Chính trị tỉnh còn là sự mẫu mực về đạo đức, lối sống, tác phong làm việc khoa học, là tấm gương về lời nói đi đôi với việc làm; có thái độ khách quan, trung thực và ý thức tổ chức kỷ luật cao. Không có gì thuyết phục tốt hơn bằng chính tấm gương người thầy. Đã là thầy, thì: trong giảng dạy phải thực sự tâm huyết; trong cuộc sống hàng ngày phải giản dị, lắng nghe ý kiến những người xung quanh, không vụ lợi; trong quan hệ đồng chí, học viên phải đoàn kết, khiêm tốn, hết lòng giúp đỡ…

Để có được những phẩm chất nói trên, giảng viên phải thường xuyên rèn luyện, học tập nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, đặc biệt là kiến thức lý luận chuyên ngành, những thành tựu mới của khoa học xã hội và khoa học tự nhiên để bắt kịp với trình độ phát triển của tri thức nhân loại, để vận dụng vào bài giảng một cách thuyết phục. Hơn nữa, trình độ nhận thức và học thức của học viên ngày càng được nâng cao, đặc biệt số học viên có trình độ đại học và trên đại học không còn là hiếm. Do vậy, nếu giảng viên không thường xuyên tự mình rèn luyện, tự học, cập nhật những kiến thức mới thì sẽ bị lạc hậu. Hồ Chí Minh đã dạy: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình... Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Người huấn luyện nào tự mãn cho mình giỏi rồi mà dừng việc học lại là lùi bước, là lạc hậu, là tự đào thải mình. Do đó, Người yêu cầu đội ngũ nhà giáo ngoài tài năng, phải luôn luôn rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”.

Giảng viên Trường Chính trị tỉnh phải tinh thông nghiệp vụ sư phạm, thật sự yêu nghề và tâm huyết với nghề. Một trong những yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên là phải có nghiệp vụ sư phạm, tức là có những kỹ năng và các phương pháp giảng dạy nhằm làm phong phú những nội dung của bài giảng, thay đổi cách học và phương pháp học, tạo sự hứng thú, tính chủ động, sáng tạo của học viên. Do đó, không thể quan niệm “không cần chứng chỉ sư phạm, miễn có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ là đứng lớp được rồi, thậm chí giảng dạy được tất cả các môn học trong chương trình khóa học!...”. Đây là quan niệm sai lầm, đã hạ thấp vai trò của ngành sư phạm, của thầy cô giáo trong xã hội. Mặt khác, kinh nghiệm thực tiễn cũng cho thấy, để bài giảng trở nên sinh động, thu hút học viên, người giảng viên cần sử dụng một cách linh hoạt ngôn ngữ hình thể như: mắt, tay, kết hợp với lời nói; kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học phát huy tính tích cực phù hợp với nội dung và đối tượng học viên. Để có nghiệp vụ sư phạm với những kỹ năng nói trên ngoài việc phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo quy định, mỗi giảng viên cần thường xuyên tham gia dự giờ của các giảng viên khác để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm…

Bên cạnh nghiệp vụ sư phạm, giảng viên lý luận chính trị phải thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề. Giảng viên phải xác định dạy học là công việc chính, gắn bó cả cuộc đời công tác. Đây là cơ sở, là động lực thôi thúc trách nhiệm và nhiệt huyết của mỗi nhà giáo. Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã là nhà giáo thì phải yêu nghề, tâm huyết với nghề. Yêu nghề còn là cơ sở để các thầy, cô yên tâm công tác, say mê, toàn tâm với chuyên môn; nỗ lực vươn lên, nâng cao năng lực, trách nhiệm với nghề nghiệp. Học viên đến trường họ cần kiến thức nhưng họ cũng muốn ở người thầy một sự nhiệt tình trong bài giảng, một tấm gương sáng trong cuộc sống đời thường.

Giảng viên Trường Chính trị tỉnh phải thật am hiểu thực tiễn xã hội. Học đi đôi với hành, lý luận phải gắn liền và liên hệ với thực tiễn là phương châm giáo dục, giảng dạy được Bác Hồ và Đảng ta chỉ rõ. Thực tiễn là cái hồn, là hơi thở của cuộc sống cần được đưa vào các bài giảng để kiểm chứng tính đúng đắn, khoa học của lý luận. Do đó, để bài giảng sinh động, giàu sức thuyết phục, giảng viên cần phải liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước, của địa phương. Sự liên hệ này có thể giảng viên đưa vào từng nội dung trong bài giảng, hoặc gợi mở, đàm thoại với học viên, dẫn ra những thực tiễn của địa phương, đất nước, từ đó khái quát làm sáng tỏ lý luận. Song, đó phải là những thực tiễn mang tính điển hình, khái quát chứ không phải là những thực tiễn riêng lẻ, nhỏ nhặt ngoài đời sống xã hội.

Để có sự hiểu biết tình hình thực tiễn, ngoài việc đi thực tế ở cơ sở còn có nhiều cách khác nhau như: qua báo cáo sơ kết, tổng kết, báo cáo chuyên đề của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan; qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; qua đồng chí, đồng nghiệp; qua nắm bắt dư luận xã hội… Vấn đề là, bản thân giảng viên phải đầu tư thời gian, chịu khó nghiên cứu để rút ra những điều bổ ích từ các nguồn tư liệu đó không những có ích cho bài giảng mà còn có ích cho cuộc sống của mỗi giảng viên.

Dù xã hội luôn biến động, nhưng nhà giáo đúng nghĩa thầy giáo vẫn là những người được tôn vinh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Để được tôn vinh, những giảng viên Trường Chính trị tỉnh, nhất là giảng viên trẻ phải luôn học tập, tìm tòi, sáng tạo không ngừng để tiếp nối những thế hệ đi trước, hoàn thành tốt vai trò thiêng liêng đối với xã hội, nhằm tạo ra những “sản phẩm” tốt, đáp ứng nhu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế hiện nay.

Kiên Trung

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: