• Xây dựng Đảng

Vài suy nghĩ về người cán bộ tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay

01/08/2019 06:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 01/08/2019 | 06:02

STO - Công tác tuyên giáo là bộ phận cấu thành đặc biệt trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Đây là lĩnh vực trọng yếu của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm xây dựng nền tảng chính trị của chế độ, khẳng định vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức, thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Công tác tuyên giáo của Đảng gồm ba mảng lớn là công tác chính trị tư tưởng, văn hóa - văn nghệ và khoa giáo, do nhiều cơ quan, đơn vị và nhiều lực lượng tiến hành, nhưng quan trọng là các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, trực tiếp là ban tuyên giáo - là cơ quan, lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng. Mục đích cuối cùng của công tác tuyên giáo là thông qua các hoạt động của cán bộ tuyên giáo mà tác động đến tư tưởng, nhận thức, tình cảm, niềm tin của con người nhằm tạo sự thống nhất về ý chí và hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng các đồng chí nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  Ảnh: PA

Để hoàn thành trọng trách nặng nề nhưng rất vẻ vang đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp của Đảng phải hội tụ đủ những tiêu chí chung của người cán bộ cách mạng theo quy định của Đảng và những tiêu chí riêng của ngành. Trong đó, trong tình hình hiện nay, cần đặc biệt coi trọng 3 tiêu chí sau: Thứ nhất, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường giai cấp công nhân kiên định; có đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh (tức là phải hội tụ giữa đức và tài, giữa cái “tâm” và cái “tầm”, trong đó, “tâm” phải đặt trước “tài” (chữ tâm bằng ba chữ tài). Đấy là tiêu chí hàng đầu của người làm công tác tuyên giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Dưới tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, sự diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình chính trị, an ninh thế giới; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch cũng như sự yếu kém, tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã tác động ảnh hưởng đến lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đòi hỏi mỗi cán bộ tuyên giáo, nhất là cán bộ chủ chốt, phải thể hiện rõ sự trung thành tuyệt đối, kiên định với mục tiêu, lý tưởng XHCN, với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; bản lĩnh vững vàng trước mọi cám dỗ của những tiêu cực mà nền kinh tế thị trường tác động; không tham nhũng, tiêu cực dưới mọi hình thức và dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống quan điểm sai trái, thù địch; trong sáng, lành mạnh, gương mẫu trong lối sống, trong cuộc sống đời thường cũng như trong công tác, ở cơ quan, gia đình cũng như trong các mối quan hệ xã hội; nói phải đi đôi với làm và làm gương để cấp dưới và quần chúng noi theo. Dù ở đâu, cương vị nào, mỗi bài viết, lời nói của cán bộ tuyên giáo không được dựa trên quan điểm, suy nghĩ cảm tính cá nhân của mình mà phải theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng để tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong Đảng, từ đó định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận trong xã hội, làm tăng niềm tin, thúc đẩy hành động cách mạng.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức họp mặt kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1-8-1930 - 1-8-2019). Ảnh: Đ.H

Nói về nêu gương của người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ lãnh đạo phải luôn g­ương mẫu về mọi mặt, phải nêu gư­ơng sáng về đạo đức cách mạng; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư­...; một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Ngược lại thì, như dân gian có câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn””. Điều đó nói lên ảnh hưởng to lớn của người đứng đầu. Trong thực tế, nơi nào người đứng đầu và tập thể cán bộ chủ chốt có tinh thần trách nhiệm, tự mình gương mẫu làm trước, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nói đi đôi với làm, thì ở nơi đó nền nếp, hiệu quả, phát triển tốt. Còn ngược lại, nếu bản thân không gương mẫu, nói không làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng, làm một nẻo thì mọi lời giáo huấn của người đứng đầu sẽ trở nên vô ích.

Đó là nói về cái “đức”, cái “tâm” của cán bộ tuyên giáo, còn “tài” và “tầm” thì sao? Nói chung, đó là trình độ chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản trên một nền tảng văn hóa vững chắc; đó là sự nhạy bén, chủ động, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đổi mới nội dung, phong cách, phương pháp làm việc sao cho có hiệu quả; chủ động nắm bắt tình hình, phân tích, dự báo, phát hiện, xử lý các vấn đề tư tưởng chính trị, nhất là dư luận, tâm trạng của nhân dân trước mỗi chủ trương, sự kiện có tác động lớn.

Thứ hai, cán bộ tuyên giáo phải am hiểu tình hình thực tiễn ở cơ sở, nhất là thực tiễn thuộc lĩnh vực công tác của mình. Đây là cái hồn, là hơi thở của cuộc sống cần được đưa vào các văn bản mình tham mưu của cơ quan tuyên giáo các cấp. Để có và hiểu tình hình thực tiễn ở cơ sở không đơn giản chỉ là phải đi cơ sở mới có, mà bằng nhiều con đường, cách thức khác nhau, như: qua báo cáo sơ kết, tổng kết, báo cáo chuyên đề của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan; qua các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội; qua đồng chí, đồng nghiệp; qua nắm bắt dư luận xã hội… Vấn đề là ở chỗ, bản thân cán bộ tuyên giáo phải đầu tư thời gian, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu để rút ra được những điều bổ ích từ các nguồn tài liệu để phục vụ cho công tác của mình. Làm được như vậy, cán bộ tuyên giáo sẽ phát hiện được những diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội nảy sinh, những “điểm nóng”, những bức xúc của người dân, doanh nghiệp để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết. Đồng thời, qua đó mà đánh giá hiệu quả đi vào cuộc sống của các nghị quyết của Đảng ra sao, có gì cần khắc phục, sửa chữa, bổ sung; phát hiện những nhân tố mới, những kinh nghiệm hay để tổng kết và nhân rộng. Và, bằng cách đó, mỗi cán bộ, công chức tuyên giáo sẽ trưởng thành hơn, tự hoàn thiện bản thân cả về thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng.

Thứ ba, trong cuộc sống sôi động hiện nay, với sự đan xen giữa tốt và xấu, giữa tích cực và tiêu cực, giữa tiến bộ và lạc hậu…, cán bộ tuyên giáo càng phải có lòng tự trọng, say mê, trách nhiệm và tâm huyết nghề nghiệp, bám với ngành, với nghề của mình. Đây là động lực khơi nguồn sáng tạo trong công việc của mỗi cá nhân, thúc đẩy trau dồi tri thức, chuyên môn, nghiệp vụ để mang tiếng nói của Đảng đến với nhân dân, định hướng thông tin, dư luận xã hội một cách nhanh chóng, chính xác. Nếu không yêu nghề tuyên giáo thì sẽ không say mê, trách nhiệm và hết lòng với nghề, thậm chí sẽ có biểu hiện so sánh, suy bì, dao động, rồi tự trách mình sao chọn ngành tuyên giáo, hay trách lãnh đạo không quan tâm, không tạo điều kiện; rồi “đứng núi này, trông núi nọ”, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, ảnh hưởng chất lượng, hiệu quả công tác chung của cơ quan. Đây là một thực tế. Vì vậy, tự trọng, yêu nghề, trách nhiệm và tâm huyết với nghề là một tiêu chí bắt buộc của người cán bộ tuyên giáo của Đảng hiện nay.

Tóm lại, trong tình hình hiện nay, với nhiệm vụ là người gieo niềm tin, là cầu nối của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, hơn ai hết, cán bộ tuyên giáo của Đảng phải có “tâm”, đúng “tầm” thì mới nâng cao được tính đảng, tính chiến đấu và tính thuyết phục của công tác tuyên giáo. Và, chỉ có như vậy, mỗi cán bộ tuyên giáo mới thật sự là những chuyên gia trong mỗi lĩnh vực, là người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng, lý luận, văn hóa của Đảng, góp phần đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Kiên Trung

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: