• Xây dựng nông thôn mới

Tăng cường nguồn lực triển khai công trình cấp nước nông thôn

09/01/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 09/01/2021 | 06:00

STO - Chương trình cho vay nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ cho nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc, trong đó có Sóc Trăng. Thông qua nguồn vốn vay trên, tỉnh đã xây dựng mới và sửa chữa 60.174 công trình nước sạch, góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước đạt Quy chuẩn 02 Bộ Y tế hơn 67%.

Mở mới các công trình cấp nước tập trung nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn. Ảnh: THÚY LIỄU 

Đầu tư quản lý vận hành cấp nước nông thôn

Với vai trò là đơn vị quản lý chuyên ngành cấp nước nông thôn, trong suốt những năm qua, Trung tâm NS-VSMTNT đã luôn tranh thủ mọi nguồn vốn, nguồn lực, các chương trình, dự án từ Trung ương, tỉnh, các địa phương, nguồn vốn hoạt động sự nghiệp của đơn vị và vận động người dân thực hiện các công trình cấp nước theo hình thức xã hội hóa, nhằm mục tiêu cung cấp nước sạch nông thôn phục vụ cho người dân ngày càng tốt hơn, đặc biệt là tại các vùng khó khăn.

Theo đó, để việc cấp nước nông thôn hiệu quả, bền vững, hàng năm Trung tâm NS-VSMTNT đều xây dựng kế hoạch tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại và áp dụng các công nghệ mới, như: đầu tư các hệ thống cấp nước quy mô lớn liên xã, liên huyện đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống dân cư, kèm với đó là triển khai công trình cấp nước quy mô nhỏ, hộ gia đình phục vụ sinh hoạt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khan hiếm nước, vùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời, thường xuyên sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống cấp nước, theo hướng hiện đại, đồng bộ để thuận lợi hơn trong công tác quản lý vận hành nhằm nâng cao hiệu quả công trình.

Bên cạnh công tác đầu tư công trình cấp nước, Trung tâm NS-VSMTNT còn tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg, ngày 27-12-2016 và Chỉ thị số 34/CT-TTg, ngày 28-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung hoàn thành việc giao quản lý vận hành công trình cấp nước cho đơn vị có đủ năng lực, xây dựng, hướng dẫn và kiểm tra việc lập, thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn công trình cấp nước nông thôn; triển khai thực hiện nghiêm nghị định của Chính phủ về cấp nước sạch nông thôn cũng như có mức giá thu tiền nước phù hợp cho người dân sử dụng nước nông thôn, đặc biệt luôn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng nước sạch nông thôn, kể cả hỗ trợ kết nối đồng hồ nước miễn phí cho hộ nghèo và miễn giảm tiền nước sinh hoạt cho hộ nghèo là 3m3/đồng hồ/tháng.

Cần huy động vốn thực hiện công trình cấp nước nông thôn

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Lương Văn Anh, hiện cả nước còn hơn 30 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước đạt QCVN, cùng với đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai, đặc biệt là hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và sự suy giảm số lượng và ô nhiễm chất lượng nguồn nước ngày càng tăng. Vì vậy, đòi hỏi phải có các công trình tạo nguồn cấp nước ổn định, nhằm thích ứng biến đổi khí hậu. Để triển khai được nhiều công trình cấp nước cần tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thực hiện xã hội hóa nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân.

Nguồn vốn tiếp tục chính sách tín dụng cấp NS-VSMTNT thông qua ngân hàng chính sách xã hội như Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo hướng nâng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng hỗ trợ. Đồng thời, Nhà nước cần cụ thể hóa, minh bạch nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động cấp nước và vệ sinh nông thôn để người dân thấy rõ phần trách nhiệm của mình trong đầu tư, quản lý vận hành công trình cấp nước và vệ sinh, tạo niềm tin cho nhân dân và doanh nghiệp trong các hoạt động cấp nước và vệ sinh nông thôn.

Ngoài ra, cần tăng cường kêu gọi vốn ODA cho các hoạt động cấp nước sạch tại các vùng khó khăn về nguồn nước, thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Dự án NS-VSMTNT bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, huy động nguồn lực từ chính cộng đồng hưởng lợi thông qua thỏa thuận đóng góp tài chính để có hình thức huy động đúng pháp luật và phù hợp điều kiện vùng miền. Người dân có thể đóng góp kinh phí thông qua đấu nối sử dụng nước, chi phí này sẽ được khấu trừ dần qua phí sử dụng nước hoặc bằng hình thức đóng góp công lao động thủ công đối với các công việc không yêu cầu kỹ thuật cao, như: đào, đắp đất, nạo vét bùn cặn, dọn vệ sinh, tạo mặt bằng, giải phóng mặt bằng, bảo vệ tài sản công trình…

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: