• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nhớ Bác ngày này, năm xưa: “Tiếng Việt của ta rất phong phú, ta phải làm giàu thêm cho tiếng của ta”

07/06/2023 04:24 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Trọng Nhân
  • Thứ Tư, 07/06/2023 | 04:24

STO - Để chuẩn bị cho việc xuất bản cuốn sách “Người tốt, việc tốt”, 7 giờ 30 phút, ngày 7/6/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng. Trong buổi làm việc này, Bác đã bàn nhiều nội dung rất quan trọng, trong đó có việc khẳng định: "Tiếng Việt của ta rất phong phú, ta phải làm giàu thêm cho tiếng của ta”.

Trước khi trao đổi nội dung cụ thể, Bác nói: “Hôm nay, Bác mời các chú đến để bàn cách thực hiện điều mà Bác đã đề nghị với Ban Bí thư Trung ương Đảng. Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên: Bác nói gì, các chú cũng cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm, hay làm một cách qua loa”. Một trong những nội dung mà Bác trao đổi với các đồng chí có liên quan đó chính là việc khẳng định, tiếng Việt rất phong phú, ta phải làm giàu thêm cho tiếng của ta. Từ những lời dạy của Người, chúng ta rút ra được nhiều điều về giá trị của tiếng Việt, từ đó góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

“Người ngồi đó với cây chì đỏ Vạch đường đi từng bước, từng giờ” (Thơ Tố Hữu). Ảnh tư liệu: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nói về cách viết, Bác căn dặn: “Các chú còn hay mắc cái tật nói chữ nhiều. Người ốm các chú gọi là “bệnh nhân”. Làm bệnh nhân thì oai hơn người ốm có phải không? Giúp đỡ thì các chú không thích bằng “tương trợ”. Hình như các chú tương trợ Bác thì quan trọng hơn là giúp đỡ Bác! Tiếng Việt của ta rất phong phú, ta phải làm giàu thêm cho tiếng của ta, nhưng không nên vay mượn lu bù để lòe thiên hạ. Ngày xưa, ta còn bị thực dân cai trị, có những người không thạo tiếng mẹ đẻ, nói năng chẳng ai hiểu gì, lại cho mình là tri thức cao. Bây giờ ta độc lập rồi, đừng nên bắt chước những thói xấu của thời nô lệ. Ta là cán bộ cách mạng, ta nói và viết cho quần chúng nhân dân mà mọi người không hiểu ta nói cái gì, sao có thể gọi là cán bộ cách mạng được”.

Khi đề cập về cách đặt tên của cuốn sách Ngữ pháp tiếng Việt, Người nói: “Đã tiếng Việt, lại còn ngữ pháp! Sao không gọi là “Mẹo tiếng Việt”? Cái gì tiếng ta đã có và dễ hiểu rồi thì đặt thêm ra làm gì? Mấy chú cải cách chữ Việt không khéo lại làm cho người ta khó hiểu thêm. Có tiếng ta dùng đã quen rồi, các chú lại tự ý sửa đổi. Tại sao lại viết: Quốc hội họp kỳ thứ bốn?”

Để tiếng Việt trở nên chuẩn xác hơn, Bác bảo: “Các chú đi hỏi các cụ mà xem. Xưa nay nhân dân ta vẫn nói thứ tư chứ ai nói thứ bốn bao giờ!”

Từ cuộc họp để đóng góp cho việc xuất bản cuốn sách “Người tốt, việc tốt” chúng ta hiểu hơn về phong cách chân thành và thẳng thắn của Bác. Sau khi góp ý nhiều nội dung quan trọng, Bác nói thêm: “Nếu có điều gì chưa rõ thì các chú cứ nói. Ta sẽ bàn nữa. Nếu về thấy có điều gì nữa thì báo Bác biết, rồi lại bàn tiếp.”.

Bác cẩn thận nhắc các đồng chí biên tập cuốn sách, trước khi in, các chú gửi cho Bác xem một số bài. Viết giản dị thôi và phải đúng sự thật. Không được bịa ra. Gửi cho Bác xem cả bìa sách và một số tranh vẽ các chú định làm. Ta làm những cuốn đầu tiên, rồi rút kinh nghiệm để làm tốt hơn những cuốn sau này.

Từ việc góp ý cách viết cuốn sách “Người tốt, việc tốt”, chúng ta thấy rằng, ngoài trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho, Bác còn dành thời gian quan tâm đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Thực tế hiện nay, vẫn còn một số người sử dụng tiếng Việt một cách hời hợt, dễ dãi, làm nghèo đi tiếng Việt. Điều này, một mặt làm sai lệch đi ý nghĩa tiếng mẹ đẻ của chúng ta; mặt khác làm giảm sự đa dạng, phong phú, giàu đẹp của tiếng Việt. Đọc và học cách viết của Bác cũng là việc làm cần thiết để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

TRỌNG NHÂN

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, năm 2011, Hà Nội, tập 15, trang 306, 307.

[2] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2016, tập 10, trang 189, 190.

[3] Hồ Chí Minh Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb Sự thật, Hà Nội, năm 1971, trang 78-93.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: