• Chuyển đổi số

Chuyển đổi số cho mùa xuân mới

23/01/2023 04:41 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 23/01/2023 | 04:41

STO - Những ngày cận tết Nguyên đán, ở các chợ dòng người tấp nập mua sắm, làm cho không khí càng thêm nhộn nhịp. Nhưng có điều đặc biệt, Tết năm nay, người dân ở thành phố Sóc Trăng và huyện Trần Đề (Sóc Trăng) mua sắm thanh toán không dùng tiền mặt khá phổ biến, nhiều hàng quán, cơ sở mua bán, sạp rau củ… thanh toán bằng mã QR từ phần mềm Viettel money, góp phần tạo hiệu ứng tích cực cho chuyển đổi số trong mùa xuân mới.

Thay đổi nhận thức về chuyển đổi số

Thanh toán không dùng tiền mặt thông qua chuyển khoản trên APP đã trở thành giao dịch thường xuyên của chị Nguyễn Tố Trinh, công chức ở phường 9, thành phố Sóc Trăng. Chị Trinh chia sẻ: “Trong dịp Tết năm nay, từ đồ gia dụng cho đến thực phẩm, quần áo... cho các thành viên trong gia đình, chủ yếu tôi mua và thanh toán qua APP. Mua hàng thanh toán không dùng tiền mặt thông qua chuyển khoản APP có nhiều tiện lợi, có thể so sánh giá cả, quản lý được chi tiêu dễ dàng. Tiện lợi nhất là không phải đi mua hàng trực tiếp, nhờ vậy chúng tôi có nhiều thời gian cho công việc tại cơ quan cuối năm và thời gian dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết”.

Còn ở thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), không mang theo tiền mặt, người dân vẫn có thể dễ dàng mua hàng khi đến chợ với nhiều mức giá khác nhau thông qua việc thanh toán bằng mã QR từ phần mềm Viettel money. Đây là cách thức thanh toán được áp dụng rộng rãi tại chợ trung tâm thị trấn Lịch Hội Thượng từ nhiều tháng qua. Mặc dù hình thức thanh toán này không mới, khi đã được triển khai tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, nhưng Trần Đề là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh triển khai mô hình này. Chị Phạm Thị Hồng Đào, ở ấp Hội Trung cho biết: “Tôi đi chợ thấy hướng dẫn sử dụng mã QR, mình để điện thoại vào quét thì thanh toán rất nhanh gọn và thuận lợi. Hình thức này rất hay, cần được nhân rộng hơn, sau này đi chợ cũng không cần phải mang theo nhiều tiền mặt”.

Trung tâm giám sát điều hành tỉnh Sóc Trăng hoạt động hiệu quả. Ảnh: CHÍ BẢO

Phó Chủ tịch UBND thành phố Sóc Trăng Châu Kiến Tường cho biết, giữa tháng 9/2022, UBND thành phố đã triển khai thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn thành phố, bước đầu 10/10 phường đã tiến hành thành lập 10 tổ thí điểm, đến nay 60/60 khóm đều có tổ công nghệ số cộng đồng đi vào hoạt động. Tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ là cầu nối của chính quyền địa phương để thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống, từ đó cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại cộng đồng dân cư.

Có thể nói, việc quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong những năm gần đây đã tạo ra những đổi thay tích cực trên nhiều lĩnh vực của tỉnh. Đầu năm 2022, Trung tâm giám sát điều hành tỉnh được đưa vào hoạt động, đây là công trình thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh muốn sớm đưa các kết quả chuyển đổi số vào phục vụ hiệu quả hơn công tác chỉ đạo, điều hành, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Hiện tại, trung tâm đang thực thi giám sát 11 lĩnh vực, gồm: y tế, giáo dục, hành chính công, cổng thông tin điện tử, văn bản điện tử, tài nguyên và môi trường, du lịch, kinh tế - xã hội, phản ánh hiện trường, camera giám sát, bản đồ nền. Tất cả các thông tin này đều được tích hợp tự động từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoặc được cập nhật các số liệu từ các cơ quan chức năng. Ứng với từng lĩnh vực, hệ thống sẽ có các giải thuật phân tích ưu điểm, nhược điểm mà lãnh đạo có thể nhìn thấy trực quan thông qua các biểu đồ trực tuyến, từ đó sẽ có những chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời đối với các cơ quan có liên quan để khắc phục các hạn chế, nhược điểm. Đặc biệt, lĩnh vực phản ánh hiện trường là cầu nối trực tiếp giữa chính quyền các cấp với người dân thông qua nền tảng số “Công dân Sóc Trăng”.

Quyết liệt trong xây dựng chính quyền số

Theo đồng chí Dương Văn Nhân - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Sóc Trăng, có thể nói, Nghị quyết số 07-NQ/TU và Đề án 03/ĐA-UBND về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là hai văn bản rất quan trọng, thể hiện tinh thần quyết liệt, đồng bộ của Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị của tỉnh, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số trên từng lĩnh vực cụ thể, sớm đưa các lợi ích thiết thực của chuyển đổi số vào phục vụ đời sống, xã hội của người dân trên địa bàn tỉnh. Để đưa các giá trị cụ thể của chuyển đổi số vào cuộc sống, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, các học viện, trường đại học, các doanh nghiệp công nghệ thông tin tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu về các kỹ năng, nền tảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại với đoàn viên, thanh niên, hội nông dân để giải đáp các thắc mắc, giới thiệu các mô hình hay, cách làm tốt trong ứng dụng công nghệ phục vụ lao động, sản xuất và đáp ứng các nhu cầu thiết thực của đời sống xã hội. Đặc biệt là việc phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập và tổ chức tập huấn, hướng dẫn các tổ công nghệ số cộng đồng đến tất cả các ấp trên địa bàn tỉnh. Thông qua các tổ công nghệ số cộng đồng này, Sở Thông tin và Truyền thông rất kỳ vọng tất cả người dân sẽ được giới thiệu, hỗ trợ ứng dụng công nghệ số phục vụ các nhu cầu thiết thực hàng ngày, lan tỏa tinh thần chuyển đổi số, cùng tham gia với Đảng, với chính quyền thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho toàn thể người dân trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã khẳng định, chuyển đổi số là bước đi tất yếu nhằm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động cả hệ thống chính trị; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức, lối sống, làm việc của nhân dân; là động lực để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số trong môi trường số an toàn, văn minh, rộng khắp và bao trùm; đặt người dân là trung tâm, thể chế và công nghệ là động lực, an toàn thông tin mạng là then chốt và xuyên suốt.

Những kết quả bước đầu trong thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Sóc Trăng thời gian qua chính là kết quả của sự thay đổi căn bản về tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; đặc biệt, là sự quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và sự ủng hộ, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh với mong muốn bắt kịp xu thế và nắm bắt, tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Những kết quả đáng khích lệ trên là cơ sở, tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

CHÍ BẢO

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: