• Đời sống xã hội

Nghề đan đát giúp hội viên phụ nữ ổn định thu nhập

25/10/2022 03:25 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 25/10/2022 | 03:25

STO - Nhằm tập hợp những phụ nữ có tay nghề đan đát vào hoạt động có tổ chức, có thu nhập ổn định, năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã thành lập mô hình Tổ hợp tác Đan đát. Đến nay, tổ hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện kinh tế, giảm nghèo bền vững cho nhiều phụ nữ tại địa phương.

Đi dọc con đường dẫn vào ấp Phụng Tường 1 và Phụng Tường 2, không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều chị em phụ nữ đang làm nghề đan đát. Nhờ có nguồn thu nhập từ nghề đan đát mà kinh tế gia đình của vợ chồng chị Nguyễn Thị Phượng ngày càng ổn định. Được biết, chị Phượng trước đây thuộc hộ nghèo, không đất sản xuất, công việc chủ yếu là đi làm thuê, nhưng từ khi tham gia vào Tổ hợp tác Đan đát đến nay, cuộc sống gia đình chị có phần khởi sắc. Chị Phượng chia sẻ: “Lúc trước, vợ chồng tôi đi làm mướn theo kiểu ai thuê gì thì làm nấy nên thu nhập không đủ chi tiêu cho gia đình. Đến khi tôi tham gia vào tổ đan đát này, đã giúp gia đình tôi cải thiện cuộc sống và tôi còn dành dụm tiền sửa lại căn nhà nữa. Công việc đan đát tôi thấy cũng khá nhẹ nhàng, vừa đan vừa tranh thủ làm việc nhà cũng được”.

Hội viên phụ nữ xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) có thêm thu nhập từ nghề đan đát. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Nhận thấy mặt hàng tre, trúc đan có tiềm năng tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh, lại tận dụng được thời gian lúc nông nhàn và tập hợp được các chị em cùng sở thích nên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Song Phụng đã quyết định thành lập Tổ hợp tác Đan đát. Khi đi vào hoạt động, tổ còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về vốn của hội phụ nữ cấp trên, đó cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình cho đến nay. Do đây là nghề không kén lao động nên phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể làm được. Mặc dù chưa là nghề chính, song nghề này đang là nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều chị em ở địa phương.

“Nghề đan này dễ học, dễ làm, chỉ cần chịu khó và tỉ mỉ là làm được. Ở đây phần lớn hội viên phụ nữ làm nghề nông, làm thuê, mua bán nhỏ và số lao động nhàn rỗi cũng còn nhiều nên các chị em có nhu cầu tìm việc gia công tại nhà để vừa chăm sóc con nhỏ, làm việc nhà vừa có thể kiếm thêm thu nhập. Vì vậy, mô hình đan gia công các sản phẩm đang được nhiều chị em hội viên tham gia” - chị Phan Thị Sáu - Tổ trưởng Tổ hợp tác Đan đát cho biết.

Những sản phẩm từ tre, trúc của thành viên tổ hợp tác chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng của các công ty, cơ sở thu mua. Các công ty, cơ sở này gửi mẫu được làm sẵn, người đan làm theo yêu cầu rồi gửi thành phẩm về cơ sở. Ngoài ra, các thành viên trong tổ còn chủ động tìm học thêm các mẫu mới để giới thiệu sản phẩm với các cơ sở từ mặt hàng tiêu dùng cho đến hàng trang trí, sản phẩm du lịch. Thường các sản phẩm thủ công được các cơ sở hay đặt làm, như: rổ, thúng, nơm, giỏ, hộp, đồ trang trí… và mỗi sản phẩm được tính tiền công tùy vào từng loại mẫu mã, kích thước.

Được biết, trước kia kinh tế một vài chị trong tổ cũng khá chật vật, từ khi biết nghề đan, các chị làm kiếm thêm tiền phụ lo các chi phí sinh hoạt gia đình, nhờ vậy cuộc sống cũng thoải mái hơn. Đến nay, tổ hợp tác đã thu hút 27 thành viên tham gia. Mô hình đã giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động tại địa phương. Thu nhập bình quân của các thành viên mỗi tháng từ 2,5 - 4,5 triệu đồng, tùy theo từng thành viên làm nhiều hay ít. Từ khi thành lập đến nay, mô hình đã giúp cho 3 hội viên phụ nữ được thoát nghèo.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, các chị em trong tổ hợp tác còn tích cực tham gia các phong trào do các cấp hội phụ nữ phát động. Ngoài sinh hoạt định kỳ với những nội dung được hội phụ nữ xã triển khai, chị em còn chia sẻ với nhau về cách nuôi dạy con cái và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Đồng thời, các thành viên trong tổ còn góp quỹ sử dụng mua nước uống trong các buổi sinh hoạt, thăm bệnh trong tổ viên, tổ chức sơ, tổng kết và có biểu dương khen thưởng những chị thực hiện tốt quy chế hay tặng quà Tết trong dịp tổng kết cuối năm.

Đồng chí Giang Thị Kiều Mai - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Song Phụng cho biết: “Tổ hợp tác được thành lập với mục đích là giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, giúp phụ nữ nghèo có việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và thu hút chị em tham gia vào hoạt động hội phụ nữ; đồng thời, còn góp phần giữ gìn nghề đan đát truyền thống ở địa phương. Để mô hình được tiếp tục phát triển trong thời gian tới, hội cũng mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm và có những chính sách ưu đãi phù hợp đối với mô hình giảm nghèo, mô hình khởi nghiệp, để thuận lợi hơn trong việc nhân rộng mô hình ra các ấp còn lại trong xã”.

Có thể nói, mô hình Tổ hợp tác Đan đát của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Song Phụng không chỉ tạo việc làm cho phụ nữ, giảm nghèo hiệu quả, mà qua đó còn góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

HUỲNH NHƯ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: