• Đời sống xã hội

Theo chân những người thu mua ve chai

08/08/2022 03:36 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 08/08/2022 | 03:36

STO - Sáng sớm, những tiếng “píp póp, píp póp” là kèn báo hiệu quen thuộc của những người chuyên làm nghề thu mua ve chai vừa đạp xe thùng ba gác, xe đẩy, xe đạp qua các con hẻm, tuyến đường khu vực chợ, đường quê… Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, nhưng tất cả đều chịu thương chịu khó với nghề.

Tiếng kèn, tiếng rao... thu mua ve chai

Mỗi người một hoàn cảnh nhưng hầu như họ đều là những người chịu thương chịu khó với nghề mua - bán ve chai, hay gọi là mua đồ phế liệu, đồ cũ. Ngay buổi sáng sớm, chuông điện thoại của anh Thạch Ph. ngụ khóm Cà Lăng A Biển, Phường 2, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã vang lên từ một vị khách mối điện về cần bán các loại thùng giấy, vỏ lon bia, sắt vụn… Khoảng 1 tiếng sau, anh Ph. cũng nhanh chóng mang theo chiếc cân, bao tải cùng với chiếc xe thùng ba gác chạy đến nơi gần khu vực Hải Ngư, Phường 1, TX. Vĩnh Châu. Anh Ph. bắt đầu phân loại, cân và tính tiền cho khách. Anh Ph. phấn khởi cho biết: “Sáng sớm nay mừng quá, giống như trúng số, được một vị khách mối “trung thành” điện báo để bán đồ phế liệu cho mình. Vị khách này mỗi khi có đồ cũ, anh không bán cho ai đâu, mà chỉ bán cho tôi”.

Nói xong, anh Ph. tiếp tục cuộc hành trình của mình theo các tuyến đường nội ô của TX. Vĩnh Châu. Anh Ph. tâm sự: “Thấy vậy, cái nghề này nhọc nhằn lắm anh ơi. Có hôm đi thu mua gặp mưa to, gió mạnh mà che đậy không kịp coi như là đồ trên xe ướt hết phải đem về phơi khô mới đi giao cho vựa thu mua phế liệu. Dù cực khổ thế nào, nhưng đối với tôi, trong suốt 14 năm qua làm nghề này đã giúp tôi có cuộc sống với thu nhập ổn định”.

Anh Thạch Ph. ở Phường 2, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) với những thứ thu mua được trong buổi sáng. Ảnh: THẠCH PÍCH

Trong khi đó, tại TP. Sóc Trăng, cứ vào mỗi buổi sáng cũng thường xuyên bắt gặp những hình ảnh người đạp xe đi thu mua ve chai ở khắp các tuyến đường nội ô. Đang đạp xe thùng trên các tuyến đường, giọt mồ hôi chạy dài trên khuôn mặt, chú Châu A. ngụ ở Phường 2, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) phấn khởi cho biết: “Sáng nay công nhận là một ngày may mắn thiệt. Vừa đi một đoạn, đã thu của chủ tạp hóa bán cho được nửa thùng xe. Cũng may là mình đi sớm để kịp mua. Đường này cũng có nhiều người thu mua ve chai lắm. Nếu trưa nay đầy xe, tôi sẽ đi giao cho vựa một lần và buổi chiều tiếp tục đi thu mua”.

Chật vật cuộc mưu sinh

Những vòng bánh xe quay bào mòn sức lực, nhưng những người mua bán ve chai vẫn miệt mài với công việc giữa dòng đời hối hả. Không chỉ thế, công việc này gặp nhiều rủi ro, như: không có phương tiện bảo hộ lao động nên dễ mắc các bệnh ngoài da, hô hấp do tiếp xúc với chất độc hại; nguy cơ tai nạn giao thông... Biết vậy, nhưng vì gánh nặng cơm áo gạo tiền hàng ngày, những người thu mua ve chai vẫn phải làm và phải chấp nhận.

Anh Thạch Ph. chia sẻ thêm: “Mỗi ngày đi vài chục cây số. Hôm nào may mắn mua thanh lý đồ cũ được nhiều cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng, còn không may thì bóp kèn tới mỏi tay mà không thu mua được gì đành về tay không. Hiện nay, cũng có nhiều người theo nghề mua ve chai, nên việc đi thu mua đồ cũ cũng cạnh tranh nhau. Cứ có công việc cho mình sáng đi, chiều về là vui rồi. Phấn đấu dành dụm chút ít để sau này lo cho cuộc sống, nuôi gia đình, con cái ăn học đến nơi đến chốn”.

Còn theo chú Châu A., vì cuộc sống khó khăn nên hơn 20 năm trước, chú Châu A. cùng gia đình lên tỉnh Bình Dương tìm kế sinh nhai. Tuy nhiên, trong lúc trở về phòng trọ, không may chú gặp tai nạn giao thông, nằm điều trị hết 3 tháng ở đó. Sau khi sức khỏe bình phục, chú trở về quê hương lập nghiệp bằng chiếc xe đẩy chuyên đi thu mua phế liệu. Từ đó đến nay, gia đình chú đã gắn bó với nghề này. Chú Châu A. cho biết thêm: “Sở dĩ tôi chọn cái nghề này vì nó không đòi hỏi nhiều vốn liếng, chỉ cần sắm một chiếc xe đẩy, xe đạp độ vài trăm ngàn đồng, một chiếc cân cũ, mấy chiếc bao tải và dắt lưng độ 200.000 đồng là có thể hành nghề. Ban ngày đẩy xe đi khắp nơi mua hàng, chiều tối về phân loại các hàng mủ, nhôm, sắt ra. Nghề này rầu nhất khi trời có mưa bão cũng đồng nghĩa với việc những người thu mua ve chai như chúng tôi bị thất nghiệp”.

Chú Châu A. tâm sự, những ngày đầu đẩy xe đi bộ dọc mấy con hẻm, tuyến đường nội ô rồi rao “Ai có ve chai hông?” cũng thấy ngại lắm. Nhiều hôm đi về tay không vì cứ rụt rè không dám hỏi người ta. Nhưng riết rồi cũng quen, nghề nào kiếm được đồng tiền mà không cực! Cứ nghĩ tới mấy đứa con là lại có động lực mà vượt qua. Hiện có chiếc xe thùng ba gác cũng đỡ. Năm nào cận Tết, nhờ các cơ quan, ban ngành, người dân dọn dẹp nhà cửa là thu mua được nhiều đồ phế liệu. Cái quan trọng là phải chịu khó đạp xe, đi khắp các con đường, ngõ hẻm, chẳng ngại hỏi người này, người khác, chẳng quản dơ bẩn thì mới mua được hàng. Nhưng dù sao, nghề này cũng có cái sướng là không phải đi làm mướn cho ai, người khỏe hay yếu cũng làm được, chú cố gắng dành dụm mỗi tháng một ít tiền để sau này dưỡng già.

Hiện nay, khi cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, các gia đình cũng có nhiều đồ cũ phải thay. Vì thế, vẫn rất cần những tiếng rao, tiếng kèn “píp póp” thu mua ve chai của những người hành nghề. Hãy đồng cảm với họ, dù rằng đó là cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn, nhưng cũng chính nghề này đã góp phần làm cho mỗi nhà, mỗi gia đình của chúng ta gọn gàng, sạch đẹp hơn.

THẠCH PÍCH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: