• Giáo dục

Kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2021)

Ngàn lần tri ân người khai sáng

20/11/2021 21:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 20/11/2021 | 21:00

STO - Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học và “Tôn sư trọng đạo”. Nhiều câu tục ngữ, ca dao xưa mang ý nghĩa răn dạy người học và tôn vinh, tri ân về vai trò của người thầy: “Không thầy đố mày làm nên”, “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, “Trọng thầy mới được làm thầy” hay “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” và đặc biệt hơn, người thầy không chỉ đơn thuần mang con chữ đến cho người học mà còn dạy “đạo lý làm người” - Nguyễn Trãi đã từng viết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng (thứ 3 bên phải sang) và đồng chí Trần Văn Lâu – Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 3 bên trái sang) trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Ảnh: H.NHƯ

Đề cao vị trí, vai trò của các thầy giáo, cô giáo đối với xã hội, bởi vì họ là người quyết định thành công công cuộc xây dựng và đổi mới nền giáo dục. Điều đó, vừa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nghề “dạy chữ, dạy người”, vừa nói lên trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt trọn niềm tin lên vai nhà giáo. Các thầy giáo, cô giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang làm người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo, phù hợp với sự phát triển bền vững và tiến bộ xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thực hiện cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0.

Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, lớp lớp thầy giáo trẻ Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung theo tiếng gọi của lý tưởng cách mạng cao đẹp đã ra trận, cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cùng các thế hệ cha anh viết nên bản hùng ca bất tử, khắc ghi tên mình vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Ở lại hậu phương, các thế hệ người thầy tiếp tục truyền lửa đến học trò, để rồi từ bục giảng, chính các thầy cô lại khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc, nuôi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp cho nhiều thế hệ học sinh. Chúng ta tự hào với những người thầy như: Dương Kỳ Hiệp - cố Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng những năm đầu chống thực dân Pháp, thầy Giáo Huấn (Lê Hoàng Chu), thầy Lý Ngọc Lỹ, ông giáo Lâm, thầy Trịnh Thới Cang, thầy Lê Vĩnh Hòa - liệt sĩ, nhà văn... Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sóc Trăng có Trường Lê Văn Tám với những thầy, cô như Phạm Minh Điện (Sáu Điện), Cẩm Điêu, Trần Lệ Hoàng, Huỳnh Thu Đông, Phạm Thị Hồng Nga…

Từ sau đại thắng Mùa xuân năm 1975 đến nay, ngành Giáo dục Sóc Trăng không ngừng phát huy truyền thống “trăm năm trồng người” với đội ngũ nhà giáo nhiệt huyết với nghề, vượt qua bao khó khăn, gian khổ hoàn thành trách nhiệm của người thầy. Đó là Nhà giáo Lâm És, nhà giáo dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh và cả nước được vinh dự phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân; bà Phan Lệ Hồng - Nhà giáo ưu tú, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và 155 nhà giáo ưu tú khác ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ mầm non đến cao đẳng, giảng dạy hay quản lý. Những người thầy đã đóng góp công sức làm rạng danh truyền thống dạy và học của quê hương Sóc Trăng.

Riêng trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có ngành giáo dục và đào tạo, đòi hỏi mỗi người thầy, mỗi nhà giáo không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trau dồi đạo đức, tri thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nghề, ngày càng hoàn thiện về phong cách và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sứ mệnh “trồng người” mà Đảng và nhân dân giao phó. Các nhà giáo cùng toàn ngành Giáo dục tỉnh nhà vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vừa tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Châu Tuấn Hồng cho biết: “Đến nay, toàn ngành có 17.692 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, trong đó, có 14.347 giáo viên. 100% đội ngũ giáo viên có trình độ đào tạo đảm bảo theo yêu cầu. Đội ngũ giáo viên có tinh thần tự học, tự trang bị kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên từng năm đã thể hiện nhận thức, tâm huyết và lòng yêu nghề. Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng luôn quan tâm thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu đào tạo nhân lực của ngành, của tỉnh và đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, luôn thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đề cao kỷ cương, trách nhiệm của toàn ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đi đôi với tổ chức các hoạt động giáo dục đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

H.P

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: