• Huyện Mỹ Xuyên

Mỹ Xuyên

Phát triển đàn bò sữa theo hướng gia trại, trang trại

29/06/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 29/06/2021 | 06:00

STO - Thực hiện Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2020, Mỹ Xuyên là 1 trong 2 địa phương có đàn bò sữa lớn nhất tỉnh, tuy nhiên hiện số lượng đàn bò sữa nơi đây đang giảm, làm ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân.

Nhờ nuôi bò sữa, gia đình anh Sơn Hang, ở ấp Trà Bết, xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên) có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống dần khấm khá lên. Ảnh: H.LAN

Chăn nuôi bò sữa là một trong những mô hình giảm nghèo thành công của huyện Mỹ Xuyên trong những năm qua, nhất là các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống, như: Tham Đôn và Đại Tâm. Nhờ nuôi bò sữa mà nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình là hộ anh Sơn Hang, ở ấp Trà Bết, xã Tham Đôn. Theo chia sẻ của anh Hang, anh bắt đầu tham gia dự án nuôi bò sữa từ năm 2015, nhờ được hỗ trợ bò giống F1, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng… mà đến nay anh đã phát triển tổng đàn bò gia đình được 16 con, trong đó có 4 con đang cho sữa khoảng 70kg/ngày, với giá bán 14.000 đồng/kg cho Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk, nhờ đó gia đình có nguồn thu ổn định, cuộc sống dần khá lên.

Còn anh Thạch Thành cũng ngụ ấp Trà Bết, xã Tham Đôn, mỗi ngày gia đình anh vắt được 45kg sữa từ 4/12 con bò và bán với giá 14.500 đồng/kg (mức giá cao nhất được Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk thu mua). Anh Thành cho biết, chính hiệu quả đàn bò sữa mang lại nên gia đình chuyển đất trồng lúa sang trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn hàng ngày cho bò.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế mà đàn bò sữa mang lại thì theo phản ánh của anh Hang và anh Thành, đàn bò sữa gia đình đang trong giai đoạn già hóa, chất lượng và sản lượng sữa không còn như trước, buộc các hộ phải thay thế bò mới. Tuy nhiên, các hộ lo lắng vì không tìm được nguồn giống chất lượng cao, một số hộ lại thiếu nguồn vốn trong khi các con bò F1 hiện có thì tỷ lệ gieo tinh đạt thấp (chỉ trên 30%) nên không bù đắp được đàn bò đang già đi từng ngày.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên, hiện tổng đàn bò sữa trong huyện chỉ còn 1.390 con, mỗi ngày người nuôi bò sữa bán ra khoảng 4 - 4,5 tấn sữa, phần lớn bán cho Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk và một số hộ bán cho Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth. Nếu so với trước đây thì tổng số đàn bò sữa của huyện đã giảm, nguyên nhân chính là do một số hộ nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng được yêu cầu chất lượng sữa mà Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk đưa ra nên họ bán bò chuyển đổi sang nghề khác; một số bò sữa già (tuổi đời gần 10 năm) ảnh hưởng đến sinh sản, một số bò mắc bệnh viêm nhiễm mãn tính, ảnh hưởng đến chất lượng sữa nên người dân bán đi.

Trước thực trạng đó, một số hộ dùng bò sind phối giống với bò sữa cao sản để tạo ra bò giống chất lượng; một số hộ thì chọn mua con giống mới để tái đàn nhưng rủi ro cao vì không đánh giá được con bò nào chất lượng nên rất cần sự vào cuộc của ngành chuyên môn hỗ trợ tìm nguồn giống chất lượng cao.

Để giúp người dân tái đàn và định hướng phát triển đàn bò sữa dài lâu, về phía lãnh đạo huyện Mỹ Xuyên và ngành chuyên môn đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung chuyển đổi hình thức nuôi theo hướng gia trại, trang trại, kết hợp với phát triển đồng cỏ, xây dựng chuồng trại đảm bảo an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Tiếp tục đầu tư đàn bò F1 phù hợp với thổ nhưỡng và tập quán chăn nuôi bò sữa của nông dân trong huyện để nâng cao sản lượng và chất lượng nguồn sữa. Quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ thuật viên gieo tinh nhân tạo bò sữa để nâng cao tỷ lệ đậu thai. Tiếp tục tập huấn, hướng dẫn nông dân cách chăn nuôi bò để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, đặc biệt là khắc phục bệnh sinh sản trên bò…

Những định hướng trong phát triển đàn bò sữa của huyện Mỹ Xuyên là phù hợp với tình hình phát triển chung của tỉnh. Bởi Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh thời gian qua không chỉ đóng góp vào tổng sản lượng sữa của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu sữa cho người dân cả nước, đặc biệt là thế hệ trẻ để phát triển thể chất, tạo ra nguồn lực phục vụ cho đất nước mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung; giải quyết việc làm cho 5.000 lao động ở nông thôn vùng đồng bào Khmer, giúp cho người nông dân có thêm thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào Khmer…

H.LAN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: