• Huyện Thạnh Trị

Thạnh Trị đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới

13/09/2021 06:04 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 13/09/2021 | 06:04

STO - Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thạnh Trị có nhiều đổi mới, đặc biệt là bộ mặt nông thôn các xã trên địa bàn huyện đã thật sự thay đổi theo hướng tích cực, môi trường sống tại các xã được cải thiện rõ nét, với các tuyến đường được trồng nhiều hoa đủ màu sắc, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định...

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 5/8 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Vĩnh Lợi, Lâm Tân, Thạnh Trị, Vĩnh Thành và Lâm Kiết. Có được kết quả này, ngay từ những năm đầu thực hiện xây dựng NTM, từ huyện đến xã có những giải pháp tập trung ưu tiên các công trình trọng điểm thực hiện trước và các tiêu chí không cần vốn hoặc cần ít vốn đầu tư sau; đặc biệt là kết hợp xây dựng NTM với Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp", để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là về sản xuất lúa (bởi hơn 90% người dân sinh sống trên địa bàn huyện đều dựa vào sản xuất lúa). Theo đó, tổng diện tích sản xuất lúa của huyện hàng năm là 57.197ha, trong đó diện tích lúa đặc sản gần 45.800ha.

Việc xây dựng NTM gắn Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” đã góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng lúa trên địa bàn huyện Thạnh Trị, tăng thu nhập người dân (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: THÚY LIỄU

Sở dĩ, diện tích lúa đặc sản tăng là trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện đã gắn Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp", nhằm vận động hộ dân vừa thực hiện các tiêu chí NTM, vừa thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, lúa đặc sản trên địa bàn huyện hiện tại đạt hơn 85% diện tích. Đồng thời, để hộ dân nắm chắc kỹ thuật trong sản xuất lúa hàng năm, các ban ngành liên quan đã tổ chức các lớp tập huấn để chuyển giao khoa học kỹ thuật, về phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, áp dụng các biện pháp canh tác lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, sử dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng. Từ đó, năng suất lúa tăng lên đáng kể, ước năng suất bình quân 6,5 - 7 tấn/ha, nâng cao thu nhập cho hộ dân sản xuất lúa đặc sản lên bình quân 25 - 30 triệu đồng/ha/vụ. Bên cạnh đó, để tập hợp hộ dân sản xuất trong cánh đồng mẫu lớn, tạo ra sản lượng lúa lớn có chất lượng, thuận lợi trong liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sau thu hoạch, huyện đã thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, đến nay huyện có 17 hợp tác xã (trong đó có 15 hợp tác xã nông nghiệp) và 343 tổ hợp tác.

Bên cạnh đó, bộ mặt nông thôn của huyện đã thật sự đổi mới, khi các tuyến đường giao thông nông thôn được bêtông hóa, ấp liền ấp, xã liền xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông hàng hóa và học sinh đến trường. Trên địa bàn huyện hiện có tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt đạt 100%; có 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh và 7/8 xã có chợ nông thôn, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn; tỷ lệ hộ dân có việc làm gần 94%; tỷ lệ hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa trên 75%; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện là 46 triệu đồng/người/năm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị Lâm Hoàng Ninh, để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, địa phương rút ra các bài học kinh nghiệm: phải gắn xây dựng NTM với Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp" và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát huy vai trò chủ thể của người dân, chú trọng tuyên truyền, vận động người dân để dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng, góp công, góp của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình, tự nguyện cùng chính quyền địa phương hoàn thành tiêu chí NTM. Đồng thời, phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể. Song song đó, từng địa phương phải có cách làm phù hợp khi triển khai xây dựng NTM tại địa phương, cũng như vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách. Ngoài ra, cần phải lồng ghép, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực khác cho việc đầu tư các công trình, dự án.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: