Chia sẻ của hộ nuôi tôm trong thời điểm dịch bệnh Covid-19

14/09/2021 09:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 14/09/2021 | 09:02

STO - Sóc Trăng là một trong những tỉnh có diện tích nuôi tôm khá lớn. Chính vì vậy, con tôm được xác định là kinh tế mũi nhọn nên việc nuôi tôm của người dân được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành liên quan rất quan tâm. Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, các dịch vụ, ngành nghề… trong đó có “nghề” nuôi tôm của người dân trên địa bàn tỉnh.

Anh Huỳnh Hàn Châu, ở xã Trung Bình (Trần Đề) là một trong những người có diện tích nuôi tôm khá lớn ở huyện Trần Đề. Anh Châu chia sẻ: “Dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã tác động đến việc nuôi tôm tại hộ như: làm tăng chi phí sản xuất, giá tôm giảm, giảm lợi nhuận sau thu hoạch. Trong vụ thả nuôi tôm 2021, tôi thả 6 ao tôm và trong đợt thu hoạch tôm vừa rồi (đợt 2) ngay thời điểm bùng phát dịch Covid-19, giá tôm giảm, lợi nhuận giảm theo nên chỉ lãi khoảng 20.000 đồng/kg, giảm hơn 40.000 đồng/kg so đợt thu hoạch đầu năm (đợt 1). Đồng thời, dịch bệnh đã làm tăng chi phí trong việc thuê công nhân lao động, bởi chủ hộ phải hỗ trợ tiền ăn cho người lao động địa phương, do họ phải nghỉ trưa tại chỗ và nếu có thực hiện test dịch bệnh Covid-19...".

Lãnh đạo tỉnh khảo sát khu vực nuôi tôm tại huyện Trần Đề để tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp và người nuôi tôm trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: THÚY LIỄU

Cũng theo chia sẻ của anh Châu, chi phí vận chuyển thức ăn, nguyên liệu dành cho vụ nuôi tôm tăng từ 5 - 10%; một số mặt hàng thức ăn thủy sản khan hiếm. “Do đó, để đảm bảo việc sản xuất tại hộ nuôi thuận lợi, tôi kiến nghị tỉnh hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho đội ngũ lao động làm thuê tại hộ nuôi, nhằm giúp chủ hộ và người lao động yên tâm trong thời gian tới…” - anh Huỳnh Hàn Châu nêu ý kiến.

Cũng là hộ nuôi tôm nhiều năm qua, anh Ngô Thanh Tuấn, ở ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông (TX. Vĩnh Châu) tâm tình: “Nhờ nuôi tôm đã giúp đời sống gia đình sung túc. Trước đây, tôi nuôi tôm ao đất và giờ đây đã chuyển dần diện tích sang ao nuôi lót bạt nên năng suất, sản lượng tôm tăng cao. Trong đợt thu hoạch tôm vừa qua, tôi thu hoạch ngay lúc dịch bệnh Covid-19 xảy ra, giá tôm giảm và giá bán thời điểm đó tôm size 300 con chỉ được 30.000 đồng/kg, với giá bán như trên, không thu về lợi nhuận. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã làm tăng chi phí chuyên chở và một số loại thức ăn thường xuyên sử dụng cho tôm không có, phải tìm thức ăn khác…”.

Ông Trang Hoàng Thành, ngụ cùng ấp với anh Tuấn góp lời: “Tôi thường chọn nuôi tôm size lớn mới xuất bán, giá tôm size lớn biến động không nhiều, mặc dù giá có giảm nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận tốt. Với diện tích nuôi tôm là 9ha, tôi chỉ làm 6 ao nuôi, diện tích 1.500m2/ao, diện tích còn lại làm ao lắng, ao lọc, ao xả thải… Như vậy, trong đợt thu hoạch vừa rồi, sản lượng tôm thu được là 36 tấn/6 ao, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 1,8 - 2 tỉ đồng. Lợi nhuận này đã giảm tầm 200 triệu đồng so cùng kỳ thời điểm trước dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Theo tôi, để tôm có giá bán tốt, người nuôi tôm áp dụng cách nuôi tôm có size lớn, bởi nhiều nhà máy chế biến cần nguồn tôm size lớn để sản xuất, cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Chính vì vậy, trong nhiều năm nuôi tôm, tôi thường chọn nuôi tôm size lớn, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, tôm size lớn giá ít biến động hơn…”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Nhã, thông tin: “Năm 2021, nhất là khoảng thời gian trong quý III, do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19 nên nuôi trồng thủy sản bị tác động nặng nề, tác động không nhỏ vào hoạt động sản xuất và tiêu thụ của người dân, giá tôm nguyên liệu trong nước giảm liên tục, giá vật tư đầu vào tăng, bên cạnh đó thời tiết diễn biến bất thường là một trong những nguyên nhân khiến tôm bị thiệt hại. Được sự chỉ đạo sát sao của các cấp từ Trung ương đến địa phương, cùng với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý và tháo gỡ khó khăn cho người dân, đặc biệt là người dân trong sản xuất đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên nuôi trồng thủy sản của tỉnh 9 tháng đầu năm 2021 đạt kết quả tương đối khả quan. Nhằm tiếp tục đồng hành hỗ trợ người dân, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên thông tin cập nhật thị trường, giá cả các mặt hàng, hướng dẫn, tuyên truyền đến người sản xuất, người nuôi tôm áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19, phát triển sản xuất và áp dụng các biện pháp quản lý tốt tôm nuôi, kiểm soát rủi ro về dịch bệnh. Khuyến cáo hộ nuôi không thả nuôi ồ ạt cùng lúc mà thả theo hình thức rải vụ, mật độ nuôi hợp lý, phù hợp với từng mô hình để kiểm soát dịch bệnh, tránh thu hoạch sản lượng lớn cùng lúc và kết nối hợp đồng tiêu thụ. Đối với vùng sản xuất nguy cơ rất cao thì hạn chế hoặc tạm dừng sản xuất cho đến khi quay về mức độ an toàn hơn…”.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: