Phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội kết hợp các phong trào do hội nông dân phát động

01/12/2022 05:18 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 01/12/2022 | 05:18

STO - Giải quyết việc làm và giảm nghèo từ các mô hình sản xuất của bà con nông dân được xem là “điểm sáng” trong việc phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng trong việc thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; qua đó, góp phần quan trọng vào xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Đồng vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả

Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng thực hiện rất tốt các nội dung công việc ủy thác cho vay và làm “cầu nối” chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân “vượt khó, thoát nghèo”, điển hình trong đó là hộ bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, cư trú tại ấp Mỹ Lợi A, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng).

Chia sẻ về quá trình vượt khó của gia đình, bà Thúy bộc bạch: “Gia đình tôi có 4 nhân khẩu, với nguồn thu nhập chủ yếu phụ thuộc từ trồng lúa. Mặc dù gia đình đã có nhiều cố gắng làm ăn nhưng kinh tế chỉ đủ ăn và chu cấp cho 2 con đang học cấp 2. Sau khi được các tổ chức hội tuyên truyền vận động, tôi tự nguyện xin gia nhập vào Tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp Mỹ Lợi A. Qua sinh hoạt tại tổ, tôi được biết ngân hàng chính sách xã hội có nhiều chương trình cho vay lãi suất thấp nên đã đăng ký và được bình xét cho vay 30 triệu đồng”. Có được nguồn vốn trong tay, gia đình bà Thúy đã đầu tư mua 4 con heo sinh sản và xây dựng chuồng trại, mua thức ăn để chăn nuôi, góp phần cải thiện đời sống. “Đến nay, gia đình tôi đã phát triển đàn heo lên đến hàng chục con, thu nhập được ổn định. Tôi luôn chấp hành tốt nghĩa vụ vay, hàng tháng nộp lãi và tham gia tiền gửi tiết kiệm qua tổ vay vốn để tích lũy trả dần vốn vay” - bà Thúy cho biết thêm.

Vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ dân vượt khó thoát nghèo. Ảnh: QUANG BÌNH

Gia đình bà Thúy là một trong số hàng chục ngàn hộ nông dân trên địa bàn toàn tỉnh được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội. Theo đồng chí Phạm Lệ Lam - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng, thực hiện văn bản liên tịch giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội Nông dân tỉnh về việc thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thì hàng năm, Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp hội nông dân triển khai thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ gắn với các phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”... Các cấp hội nông dân đã tích cực, chủ động phối hợp tốt với ngân hàng chính sách xã hội trong việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn.

Nhiều kết quả được ghi nhận

Theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, kết quả thực hiện nhiệm vụ ủy thác cho vay, tính đến nay, hội nông dân quản lý trên 1.123,7 tỷ đồng (chiếm hơn 25,9%/tổng dư nợ ủy thác), tăng hơn 91 tỷ đồng so với ngày 31/12/2021. Song song đó, chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng được nâng lên; từ việc triển khai có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhận ủy thác từ ngân hàng chính sách xã hội đã giúp hội nông dân có điều kiện để thu hút thêm hội viên, nhận thức của hội viên nông dân về vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh đã được nâng cao rõ rệt, nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách đã mạnh dạn vay vốn đầu tư cho sản xuất, xây dựng công trình nước sạch, chăn nuôi, trồng trọt, xây mới và sửa chữa nhà ở... qua đó góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh; số hộ hội viên nông dân khá, giàu tăng lên.

Đồng chí Phạm Lệ Lam cho biết thêm, để nâng cao trình độ, năng lực quản lý nguồn vốn, Hội Nông dân tỉnh luôn chú trọng và phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội các cấp, cho ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Cùng với đó, hàng năm Hội Nông dân tỉnh phối hợp các ngành liên quan tổ chức gần 40 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cho hơn 2.500 hội viên nông dân, người vay vốn để vận dụng vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay, vừa trả được vốn, lãi cho ngân hàng, vừa nâng cao đời sống kinh tế gia đình, phát triển thêm ngành nghề, tạo thêm nhiều việc làm có thu nhập ổn định, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Kết quả nêu trên có thể khẳng định chủ trương thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là đúng đắn, phù hợp với “ý Đảng, lòng dân”. Đối với tổ chức hội nông dân, thông qua hoạt động vay vốn ủy thác ngân hàng chính sách xã hội, bên cạnh việc chuyển tải và quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước, hoạt động ủy thác còn giúp cho hội có điều kiện xây dựng, củng cố tổ chức hội hoạt động hiệu quả hơn; năng lực của cán bộ hội được nâng lên, góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”.

QUANG BÌNH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: