Tìm thuận lợi trong thách thức

11/06/2024 06:10 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 11/06/2024 | 06:10

STO - Đợt hạn, mặn năm nay gây khó khăn như thế nào đến đời sống, sản xuất của người dân thiết nghĩ không cần phải nhắc lại bởi hầu như ai cũng cảm nhận được. Điều đáng nhắc ở đây chính là sự thích ứng của người dân, sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành sản xuất để đến hết tuần đầu tháng 6 này, chúng ta chính thức có được những kết quả ấn tượng đến từ trụ đỡ nông nghiệp để vững bước trên chặng đường còn lại của năm 2024.

Đợt hạn, mặn năm nay đã được dự báo từ rất sớm (khoảng tháng 10/2023), nên từ chính quyền đến nông dân trong tỉnh đều có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa để hạn chế tối đa thiệt hại cho sản xuất. Điều này được thể hiện qua các khuyến cáo về khung lịch thời vụ sản xuất, thả giống nuôi tôm, cho đến vận hành hệ thống cống ngăn mặn, cùng các giải pháp tích trữ nước ngọt trong dân để bảo vệ cây trồng. Chính sự chủ động đó đã giúp cho ngành nông nghiệp chẳng những an toàn vượt qua hạn, mặn, mà còn có được kết quả khá ấn tượng trong 5 tháng đầu năm 2024.

Cây lúa thắng lớn 5 tháng đầu năm 2024 nhờ vượt qua hạn, mặn và thu hoạch đúng thời điểm thị trường có nhu cầu tiêu thụ cao. Ảnh: TÍCH CHU

Cây lúa vốn không ưa gì hạn, mặn, nhưng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo nên sẵn sàng thách thức và vượt qua với con số tăng 3,34% về diện tích và 7,15% về sản lượng so cùng kỳ. Và nếu như không có những diện tích cố tình xuống giống không theo khuyến cáo thì chắc chắn con số trên sẽ còn ấn tượng hơn nhiều. Sóc Trăng đã từng trải qua những lần hạn, mặn trước nên việc điều chỉnh cơ cấu mùa vụ cũng trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là đối với vụ lúa Đông - Xuân vốn đa phần nằm trong giai đoạn hạn, mặn. Sự điều chỉnh đó không những giúp cây lúa an toàn vượt qua hạn, mặn mà còn thu hoạch ngay trong thời điểm khô ráo, đúng lúc thị trường đang có nhu cầu cao nhất. Với sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 94,38%, người trồng lúa ở Sóc Trăng càng thắng lớn khi bán được giá cao hơn rất nhiều, nhất là các giống lúa ST24, ST25, Tài Nguyên hay Đài Thơm so với một số giống lúa khác. “Khó ta, cũng khó người” nên một khi ta vượt qua được khó khăn thì thành công cũng sẽ đến lớn hơn là tất yếu.

Đối tượng chủ lực khác của ngành nông nghiệp tuy có đôi chút khó khăn hơn so với cây lúa trong giai đoạn đầu hạn, mặn, nhưng cũng kịp để lại dấu ấn tích cực cho riêng mình, đó là con tôm nước lợ. Tuy diện tích thả nuôi giảm đến 8% so với cùng kỳ, nhưng phần lớn diện tích cho thu hoạch đều đạt năng suất khá cao, góp phần đưa sản lượng tôm nước lợ trong 5 tháng đầu năm tăng gần 2% so với cùng kỳ. Sản lượng tôm nước lợ tăng có đôi chút bất ngờ, bởi trong giai đoạn đầu thả nuôi đã xuất hiện không ít khó khăn, nhất là về dịch bệnh. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của các bên trong chuỗi giá trị ngành tôm, nhiều diện tích thả nuôi đã vượt qua được dịch bệnh, về đích với năng suất khá cao. Giá tôm thời gian qua tuy không cao như giá lúa nhưng nhờ đạt năng suất nên lợi nhuận của người nuôi tôm vẫn được đảm bảo.

Năng suất và giá tiêu thụ cao giúp người trồng hành lãi lớn. Ảnh: TÍCH CHU

Cú vượt hạn, mặn thành công của con tôm và cây lúa đã góp phần rất lớn được giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 5 tháng đầu năm, ước đạt 676 triệu USD, tăng 21,27% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu thủy sản là 350 triệu USD, tăng 11,42% và gạo là 280 triệu USD, tăng 52,69% so với cùng kỳ. Theo dự báo, tình hình xuất khẩu gạo sẽ còn tiếp tục thuận lợi trong những tháng tới do nhu cầu thị trường tiếp tục tăng cao khi một số nước tăng cường dự trữ gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trước những dự báo thiên tai khó lường do ảnh hưởng biến đổi khí hậu từ nay đến cuối năm. Không có được thuận lợi như mặt hàng gạo, xuất khẩu tôm được dự báo sẽ khó khăn hơn do ảnh hưởng các cuộc xung đột trên thế giới và nhất là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các cường quốc sản xuất tôm khác trên thế giới.

Câu chuyện tìm thuận lợi trong khó khăn, thách thức của ngành nông nghiệp còn được viết tiếp bởi sự thành công của một số loại cây trồng, vật nuôi khác, nhất là về giá tiêu thụ. Sản lượng hành tím năm nay tăng đến 36,31% khi đạt 113.805 tấn, nhưng tất cả đều được tiêu thụ khá nhanh và giá cũng khá cao, khiến người trồng hành hả hê với mức lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/hécta. Tương tự như người trồng hành tím, người trồng mía ở huyện Cù Lao Dung cũng có được niềm vui trở lại nhờ giá mía tăng mạnh, giúp mỗi hécta mía cho lợi nhuận từ 60 triệu đồng trở lên. Từ khó khăn, thách thức do hạn, mặn, người trồng hành tím, trồng mía đã tìm thấy cơ hội cho riêng mình, khi biết lắng nghe và tìm hiểu thị trường một cách thấu đáo, cẩn trọng hơn. Hay nói một cách khác là cả trong chỉ đạo, điều hành sản xuất của ngành nông nghiệp và phương án sản xuất của nông dân đều lấy tín hiệu thị trường để làm định hướng và điều tiết sản xuất.

Thành công là điều đáng để vui, nhưng tất cả hãy chỉ nên vui ít thôi, bởi thời gian từ nay đến cuối năm vẫn còn dài, các biến số về thời tiết, dịch bệnh, thị trường… vẫn rất khó lường, nên nếu chỉ có quyết tâm thôi là chưa đủ, mà cần có sự thận trọng ngay từ khâu cập nhật, phân tích, đánh giá, dự báo… tất cả các biến số có thể xảy ra trong thời gian tới. Có như vậy, chúng ta mới hạn chế thấp nhất rủi ro và tìm thấy, nắm bắt đúng cơ hội mà mình mong đợi. Hy vọng “đầu xuôi, đuôi lọt” để tiếng cười lại rộn vang khắp các vùng nông thôn trong tỉnh.

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: