Vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị

28/06/2024 06:03 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 28/06/2024 | 06:03

STO - Nhờ sự chủ động, linh hoạt mà nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tạo được chuyển biến tích cực trong sản xuất, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản mở ra hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tăng thu nhập cho thành viên, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ mới, HTX Thủy sản Toàn Thắng ở xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã xây dựng được chuỗi liên kết ổn định, xây dựng vùng nuôi trồng, sản xuất quy mô lớn mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Phạm Văn Mừng - Giám đốc HTX Thủy sản Toàn Thắng cho biết, từ năm 2019, HTX đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ đầu ra theo tiêu chuẩn ASC với Công ty Chế biến Thủy sản Út Xi. Theo đó, giá tôm được thu mua cao hơn thị trường 2.500 đồng/kg, đơn vị thu mua còn hỗ trợ 100 triệu đồng để duy trì tái đánh giá và cấp chứng nhận ASC mỗi năm, nhờ đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX luôn ổn định, đảm bảo lợi nhuận cho các thành viên. HTX còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, giám sát ao nuôi, phát huy hiệu quả trong việc tìm kiếm, mở rộng kênh tiêu thụ, qua đó sản lượng tôm của HTX tăng mạnh qua các năm, đạt từ 500 - 700 tấn, tính từ năm 2022 đến nay. Sau 9 năm thành lập và hoạt động hiệu quả, hiện HTX Thủy sản Toàn Thắng đã thu hút hơn 70 thành viên, với diện tích sản xuất là 165ha. HTX còn xây dựng, hoàn thiện bộ máy quản lý thành lập Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát, bộ phận kế toán, thủ quỹ, kỹ thuật, trở thành 1 trong 5 hợp tác xã kiểu mới, điển hình của tỉnh.

Được xem là điểm sáng về phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng) hoạt động hiệu quả với việc tổ chức tích tụ đất đai để phát triển vùng lúa thương phẩm chất lượng cao, ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ lúa. HTX hiện có 538 thành viên tham gia, với diện tích sản xuất lúa hơn 609ha, sản xuất 2 vụ lúa/năm. Theo Giám đốc HTX nông nghiệp Hưng Lợi Trương Văn Hùng, để xây dựng mô hình cánh đồng lớn, HTX Nông nghiệp Hưng Lợi đã tập trung triển khai canh tác lúa thông minh, áp dụng các kỹ thuật chăm sóc lúa tiên tiến, giúp các thành viên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm 3 - 5 lần phun so với quy trình canh tác trước đây, ruộng lúa ít sâu bệnh, nhánh lúa to, dễ thu hoạch, ít bị hao hụt, tiết kiệm chi phí đáng kể. HTX đã liên kết, tổ chức cho nông dân địa phương phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, tạo ra khối lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng yêu cầu của chuỗi tiêu thụ, phân phối. Thời gian qua, HTX đã ký kết được nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ với tổng diện tích sản xuất hơn 4.000ha, sản lượng đã cung ứng hơn 31.000 tấn lúa thương phẩm với giá cao hơn thị trường từ 300.000 - 500.000 đồng/tấn, giúp cho nông dân tăng lợi nhuận từ 3 triệu - 5 triệu đồng/ha. Trong năm 2023, HTX triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 90ha, có 87 thành viên tham gia. Tháng 5 vừa qua, HTX còn được tham gia Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long với diện tích là 50ha. 

HTX nông nghiệp Tín Phát là một trong những HTX thực hiện hiệu quả việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Ảnh: XUÂN THANH

Theo thống kê của Liên minh HTX Sóc Trăng, toàn tỉnh có 206 HTX nông nghiệp. Nhiều HTX đã thể hiện được vai trò trong tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Nổi bật trong việc hình thành chuỗi giá trị sản xuất phải kể đến HTX Nông nghiệp Tín Phát, HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, HTX Nông nghiệp Vinh Lợi, HTX Nông nghiệp Thọ Hòa Đông A, HTX Nông nghiệp Phước An thực hiện liên kết hộ dân trong sản xuất lúa, xây dựng các cánh đồng lớn hiệu quả, giúp các hộ dân tăng lợi nhuận sau thu hoạch. Vùng cây ăn trái huyện Kế Sách hiện có 12 HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp. Trong đó, có 8 HTX đã tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trên các loại trái cây vú sữa, bưởi, xoài, nhãn, sầu riêng… cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Sóc Trăng Thạch Phước Tài nhận định: “Thực tế cho thấy, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã đem lại lợi ích cho HTX và thành viên, góp phần giảm bớt nhiều khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm. Trong đó, các thành viên HTX tham gia các mô hình chuỗi liên kết sẽ được hướng dẫn quy trình, tổ chức sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời được bao tiêu sản phẩm, không lo bị thương lái ép giá. Về phía HTX sẽ chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao, sản lượng hàng hóa lớn, đồng nhất về chủng loại giống, chất lượng sản phẩm và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Việc phát triển các mô hình liên kết HTX sẽ là động lực để tái cơ cấu, liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững”.

XUÂN THANH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: