Vượt khó, về đích mừng xuân mới

29/01/2022 10:40 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 29/01/2022 | 10:40

STO - Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, giá vật tư đầu vào tăng cao, giá tôm giảm thấp do giãn cách xã hội… nhưng bằng sự chủ động, linh hoạt, ngành tôm tỉnh Sóc Trăng không chỉ vượt qua mà còn về đích với một kết quả hết sức ấn tượng để kịp đón mừng xuân Nhâm Dần 2022.

Điểm sáng nghề nuôi

Đầu năm 2021, giá tôm hầu hết các kích cỡ đều ở mức cao, người nuôi phấn khởi bước vào vụ nuôi mới với kỳ vọng sẽ có một vụ nuôi đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, mọi thứ đã diễn ra không như mong đợi khi những tháng đầu năm, thời tiết lạnh nhiều làm tôm chậm lớn, trong khi giá vật tư đầu vào hầu hết đều tăng mạnh. Đến giữa vụ nuôi, khi thời tiết thuận lợi hơn cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh, khiến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa và lao động phục vụ ngành tôm gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến hệ lụy tất yếu là giá tôm cứ ngày một giảm dần, người nuôi luôn trong tâm trạng lo lắng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm đối mặt khó khăn, thách thức, cả người nuôi tôm, doanh nghiện lẫn ngành chức năng và chính quyền địa phương đều nắm chặt tay nhau để cùng vượt khó và cuối cùng đã về đích trong niềm hân hoan về một vụ tôm thành công.

Sau một năm vượt khó thành công, người nuôi tôm Sóc Trăng tự tin bước vào vụ nuôi mới với quyết tâm làm nên những thành công mới. Ảnh: HOÀNG NHÃ

Điểm nổi bật ở vụ tôm năm nay của Sóc Trăng là hầu hết các trang trại nuôi tôm lớn theo mô hình ao lót bạt hoặc ao tròn nổi đều có được thành công lớn. Điển hình như trang trại của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta với khoảng 300 ao nuôi (1.000 - 2.000m2/ao) đều trúng mùa ở cả 2 vụ nuôi trong năm, dù có lúc phải thu hoạch chạy dịch. Hay như trang trại của Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cũng có được thành công lớn sau 2,5 vụ nuôi/năm. Không chỉ có trang trại lớn của doanh nghiệp, các trang trại của hộ nuôi như: Huỳnh Hàn Châu ở huyện Trần Đề, Châu Minh Tâm ở huyện Long Phú, Nguyễn Thành Vũ ở huyện Mỹ Xuyên… đều có sản lượng hàng chục đến hàng trăm tấn, lợi nhuận vài tỉ đến cả chục tỉ đồng. Một số mô hình nuôi tôm thẻ hay tôm sú giống mới trong ao đất năm nay cũng ghi nhận có sự thành công cao về mặt năng suất.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, vụ tôm nước lợ năm 2021, toàn tỉnh thả nuôi gần 1,6 tỉ post tôm trên diện tích 53.000ha, vượt 3,92% kế hoạch và tăng 2,49% so với cùng kỳ, trong đó, tôm thẻ chân trắng 40.000ha (chiếm 75,5% diện tích thả nuôi) và tôm sú 13.000ha (chiếm 24,5% diện tích thả nuôi). Có 2 điểm sáng ở vụ nuôi năm nay là diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm 93,7% và tỷ lệ tôm thiệt hại chỉ chiếm 6%, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ. Tất cả đã góp phần đưa sản lượng tôm nuôi của tỉnh đạt 183.194 tấn, vượt 6,5% kế hoạch và cao hơn 17,8% so với cùng kỳ.

Khúc khải hoàn xuất khẩu

So với nghề nuôi, lĩnh vực chế biến xuất khẩu tôm cũng gặp vô vàn khó khăn xuyên suốt trong cả năm. Đó là tình trạng cước vận tải biển tăng phi mã ngay từ đầu năm và kéo dài đến tận cuối năm; là giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao; là khoản chi phí không nhỏ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; là sự thiếu hụt lao động, là tâm lý bất an trong quá trình sản xuất, kinh doanh… làm tăng chi phí, công suất giảm và phát sinh lỗi sản phẩm nhiều hơn so với trạng thái bình thường.

Dù rất khó khăn nhưng Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta vẫn có được những thời điểm tăng tốc vượt chỉ tiêu doanh số xuất khẩu năm 2021. Ảnh: HOÀNG NHÃ

Theo ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, chỉ tính riêng tiền mua kít xét nghiệm Covid-19 đã ngốn của công ty hơn 2 tỉ đồng, công nhân có lúc giảm chỉ còn khoảng 30% nên có thời điểm công ty buộc phải ngưng thu mua tôm nguyên liệu vì không đủ công nhân để sản xuất. Còn theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta thì trong điều kiện vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch nên mọi thứ đều phải thay đổi. Ông Lực cho biết: “Ví dụ như căn tin ăn giữa ca cũng phải được bố trí lại theo đúng khoảng cách an toàn; bố trí giờ làm, giờ nghỉ giữa ca của các phân xưởng lệch nhau để tránh tập trung đông người… Chưa hết, doanh nghiệp phải hỗ trợ tăng suất ăn, bố trí nơi ăn nghỉ, tăng tiền thù lao “3 tại chỗ”, phương tiện đưa đón… nên chi phí tăng lên rất nhiều”.

Một điểm cộng cho các doanh nghiệp ngành tôm trong tỉnh là dù luôn trong tình trạng khó khăn và lo lắng nhưng tất cả đều không bỏ cuộc mà vẫn duy trì sản xuất, linh hoạt để thích ứng an toàn trong từng hoàn cảnh cụ thể. Theo chia sẻ của doanh nghiệp, giai đoạn toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội cũng là lúc vụ tôm vào thời điểm thu hoạch rộ và lao động tại doanh nghiệp chỉ còn 30 - 40%. Vì vậy, để tiêu thụ hết lượng tôm trong dân, các doanh nghiệp đã rất linh hoạt giảm bớt lượng tôm chế biến mà tập trung cho việc sơ chế đưa vào kho dự trữ. Đây là cách làm rất hiệu quả khi vừa giúp tiêu thụ được tôm trong dân, vừa đảm bảo công suất chế biến cho số công nhân hiện có và quan trọng hơn là có được nguồn hàng dự trữ sẵn sàng cho giai đoạn tăng tốc cuối năm mà không lo tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu.

Cũng nhờ có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa nên một số doanh nghiệp đã trở lại đường đua khá nhanh, kịp thời tăng tốc và về đích đúng theo kế hoạch. Như trường hợp của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta chẳng hạn, theo công bố của doanh nghiệp này, kế hoạch năm 2021 không chỉ được hoàn thành trước thời hạn mà doanh số tiêu thụ cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ. Còn Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cũng kịp cán đích kế hoạch năm trước thời hạn gần 1 tháng. Nhìn chung, phần lớn doanh nghiệp ngành tôm của tỉnh đều cho biết tuy có khó khăn nhưng doanh số xuất khẩu năm nay vẫn đạt và vượt so với kế hoạch. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất trong năm tăng rất cao nên lợi nhuận sẽ không như mong muốn. Thực tế cho thấy, tính đến hết tháng 12 năm 2021, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh theo ước tính của Sở Công Thương đã đạt hơn 1 tỉ USD, tức tăng hơn 200 triệu USD so với năm 2020.

Một năm đầy khó khăn đã đi qua, cái se lạnh của mùa xuân đang tràn ngập trên từng góc phố, đồng tôm. Và dù dịch Covid-19 vẫn còn bùng phát đó đây nhưng nhịp độ sản xuất của ngành tôm Sóc Trăng đã trở lại nhộn nhịp hơn, tự tin và bản lĩnh hơn để cùng viết tiếp khúc khải hoàn ca cho những mùa tôm mới.

HOÀNG NHÃ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: