• Nông nghiệp

Đa dạng các loại nông sản phục vụ thị trường tết Nguyên đán

13/01/2023 05:52 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 13/01/2023 | 05:52

STO - Từng rẫy màu xanh tốt được trồng ngay hàng thẳng lối, phủ khắp các cánh đồng chuyên canh cây màu trên địa bàn xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tạo cảm giác nhẹ nhàng, thư thái khi có dịp đi ngang qua. Cây màu ở đây rất phong phú và đa dạng, như hành lá, hẹ lá, hẹ bông, ớt, bắp cải ve nhưng chiếm số lượng nhiều nhất phải kể đến là bắp cải, bông cải, bởi đây là loại nông sản được người tiêu dùng sử dụng nhiều nhất trong những ngày Tết. Do đó, thường vào dịp tết Nguyên đán là hộ dân trồng màu tại các địa phương sẽ tăng diện tích trồng 2 loại nông sản này, để đáp ứng nhu cầu thị trường trong ngày Tết.

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng mở rộng diện tích trồng bắp cải để cung ứng thị trường tết Nguyên đán năm 2023. Ảnh: THÚY LIỄU

Trong buổi sáng trời se lạnh của những ngày chuẩn bị đón tết Nguyên đán năm 2023, chúng tôi tìm đến xã Tham Đôn - nơi được ví như “thủ phủ” của các loại rau màu được trồng chuyên canh của huyện Mỹ Xuyên. Dẫn chúng tôi tham quan diện tích trồng bông cải của gia đình, ông Kiên Ril, ấp Trà Mẹt, xã Tham Đôn bộc bạch: “Tôi trồng màu theo hình thức chuyên canh, trong những ngày thường tôi trồng chủ yếu các loại rau ăn lá, nào là hẹ lá, hành lá, rau cải ăn lá các loại. Riêng dịp tết Nguyên đán hàng năm, tôi chuyển một phần diện tích đất sang trồng súp lơ trắng (cây bông cải), bởi đây là loại màu được người tiêu dùng tìm mua nhiều nhất trong dịp Tết dành cho chế biến các món ăn trong gia đình, đặc biệt bông cải bảo quản được lâu hơn một số loại rau màu khác nên phù hợp cho người tiêu dùng mua để dành ăn dần trong mấy ngày Tết”.

Cũng theo lời ông Kiên Ril, ông đã có hơn 30 năm canh tác màu nên hầu hết các loại màu ông đều trồng đạt năng suất tốt, đặc biệt với cây bông cải được ông Ril chọn trồng để bán trong dịp tết Nguyên đán năm 2023. Với bông cải đòi hỏi người trồng phải nắm vững các quy trình kỹ thuật canh tác, bởi cây bông cải trồng thường có nhiều loại sâu bệnh tấn công như: rầy mềm, bệnh phấn trắng, bọ trĩ, thối đen… các bệnh trên phải phòng ngừa trong quá trình cây sinh trưởng để đảm bảo sâu bệnh không tấn công thân cây, làm ảnh hưởng đến năng suất bông sau thu hoạch, nhất là giai đoạn cây ra bông. Cây bông cải trồng khoảng 70 - 80 ngày đã cho thu hoạch, do đó, để đảm bảo số lượng bông cải bán đúng vào ngày 25 - 27 Tết, nông dân phải canh thời gian gieo trồng cho phù hợp.

Hiện với 4 công bông cải được ông Ril trồng, sau thu hoạch ước năng suất 8 tấn, nếu giá bán bông cải 9.000 đồng/kg như cùng kỳ Tết năm 2022, trừ chi phí ông Ril bỏ túi số tiền lợi nhuận hơn 40 triệu đồng.

Thêm một loại nông sản thị trường ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất trong ngày Tết phải kể đến là bắp cải. Nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng nên dịp tết Nguyên đán hàng năm, anh Tăng Hoàng Diện, ấp Trà Mẹt, xã Tham Đôn chuyển đổi cây màu trồng ngày thường là cải xanh, cải ngọt… sang trồng bắp cải, với diện tích 4 công. Hiện tại, số lượng bắp cải trồng trên rẫy màu đã vào bắp, trọng lượng mỗi bắp tầm 1,5kg và dự kiến 27 Tết sẽ thu hoạch toàn bộ diện tích rẫy bắp cải cung ứng ra thị trường, ước sản lượng 8 tấn/4 công, trừ chi phí lợi nhuận thu về hơn 32 triệu đồng.

Anh Tăng Hoàng Diện tâm tình: "Tôi trồng màu hàng chục năm qua, tuy cực nhưng cây màu cho thu nhập thường xuyên và ổn định, đặc biệt là vụ màu Tết hầu hết hộ dân đều trông mong cây màu có giá bán cao hơn ngày thường, để tăng thêm lợi nhuận trong năm. Riêng với gia đình tôi, thông qua việc trồng bắp cải bán dịp Tết đã góp phần giúp tôi tích lũy số tiền đáng kể và dành một phần tiền ăn Tết ấm no, đủ đầy".

Ngoài bông cải, bắp cải được hộ dân trồng để cung ứng thị trường tết Nguyên đán thì cây hẹ bông cũng được hộ dân trồng nhiều tại “thủ phủ” màu của xã Tham Đôn. Ông Danh Văn Thanh, ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn là hộ chọn cây hẹ bông trồng bán trong dịp Tết thông tin, Tết năm 2022 ông chọn trồng bắp cải, bắp cải ve để bán trên thị trường, nhưng Tết năm nay ông trồng cây hẹ bông, bởi hẹ bông trong mấy tháng gần đây có giá rất tốt, có thời điểm giá bán lên đến 42.000 đồng/kg. Hiện tại, ông trồng 3 công hẹ bông, hẹ đang trong giai đoạn thu hoạch bông, cứ 3 ngày thu hoạch bông hẹ một lần, số lượng 50kg/lần cắt. Riêng trong tháng Tết, số lượng hẹ cung cấp thị trường hơn 400kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 10 triệu đồng. Bên cạnh hẹ bông, ông còn xen canh ớt chỉ thiên trong rẫy hẹ để bán dịp Tết, số lượng ớt thu về trong tháng Tết ước hơn 500kg, đem lại lợi nhuận hơn chục triệu đồng.

Ông Danh Văn Thanh, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thông tin, trong vụ màu Tết năm 2023, ông trồng hẹ bông xen canh ớt chỉ thiên sẽ đem lại số tiền hàng chục triệu đồng cho gia đình trong vụ màu Tết. Ảnh: THÚY LIỄU

Nếu như bông cải, bắp cải, thị trường Tết cần số lượng lớn, thì dưa hấu cũng là loại nông sản được tiêu thụ nhiều nhất trong dịp Tết. Dưa hấu ngoài dùng làm món ăn tráng miệng còn là loại quả dùng chưng Tết được nhiều người dân ưa chuộng nên nhà nhà đều mua dưa hấu vào dịp Tết. Là hộ trồng dưa hấu bán Tết trong nhiều năm qua, ông Trần Si Na, phường 7, thành phố Sóc Trăng cho biết: “Tôi đã xuống giống hơn 5 công dưa hấu để bán trong dịp Tết. Hiện dưa hấu đã đạt trọng lượng từ 1,5 - 2kg, khoảng 25 Tết là có dưa bán ra thị trường, sau 60 ngày xuống giống. Theo tôi nhận định, giá dưa hấu Tết năm 2023 sẽ tốt hơn so cùng kỳ năm trước, vì thời điểm này thương lái đã tìm đến tận ruộng đặt cọc mua dưa nhưng tôi chưa đồng ý bán, đợi đến gần Tết sẽ bán theo giá thị trường. Diện tích trồng dưa hấu hơn 5 công, ước sản lượng dưa thu hoạch là 16 tấn, nếu giá dưa hấu 6.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 100 triệu đồng".

Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích màu trên địa bàn tỉnh là 39.000ha, trong đó, diện tích trồng màu phục vụ thị trường Tết hơn 2.400ha, tăng 10 - 15% so cùng kỳ, với diện tích màu Tết xuống giống tại các địa phương, sẽ đáp ứng dồi dào nguồn nông sản cho người tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán năm 2023. Để đảm bảo năng suất, chất lượng các loại nông sản sau thu hoạch, bà con nông dân cần tăng cường quan tâm chăm sóc nông sản bằng cách cung cấp đủ nước cho cây màu, phòng ngừa các loại sâu bệnh, dịch hại trên cây màu, đặc biệt là bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm. Khuyến cáo bà con nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học trên các loại cây trồng, nhằm giảm chi phí đầu tư và an toàn sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: