• Sóc Trăng tiềm năng và phát triển

Trên cung đường Nam Sông Hậu

19/05/2022 03:48 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 19/05/2022 | 03:48

STO - Quốc lộ Nam Sông Hậu bắt đầu từ chân cầu Cần Thơ nối đến đầu vào cảng Cái Cui (TP. Cần Thơ) rồi băng qua địa phận tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng đến cầu Bạc Liêu 2, thuộc tỉnh Bạc Liêu, trong đó, tỉnh Sóc Trăng được hưởng lợi nhiều nhất với 117km đi qua các huyện: Kế Sách, Long Phú, Trần Đề và TX. Vĩnh Châu. Công trình này chính thức đi vào hoạt động đã giải phóng áp lực trên tuyến Quốc lộ 1 vốn độc đạo trước đây. Ngày nay, các loại xe tải trọng lớn lưu thông thường xuyên trên cung đường này. Nhiều chiếc cầu “lịch sử” đang được bắc qua những con kênh rạch và qua những vùng đất đầy huyền thoại như đang được đánh thức, khơi dậy tiềm năng trù phú của những vùng đất bị “ngủ quên” nhiều thế kỷ trước.

Đứng trên chiếc cầu “lịch sử” Cái Côn thuộc thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, cửa ngõ vào địa phận tỉnh Sóc Trăng, ông Ba Thời - một lão nông tri điền nhà cách đó không xa, đầu quấn chiếc khăn rằn để lộ mái tóc trắng phau lất phất trong gió, quay qua tôi, chỉ tay ra vàm sông đầy sóng bạc đầu nhấp nhô xa xa, cười móm mém trông rất sảng khoái, chia sẻ: “Chú mày biết hông, già đã gần 90 tuổi rồi, mà có nằm mơ cũng hổng dám tưởng tượng sẽ có được cây cầu bắc qua vàm sông này. Đây là tuyến sông độc đạo nối liền đất mũi Cà Mau lên tới tận Sài Gòn lận đó, ngày xưa chủ yếu chở lúa gạo và trái cây lên Sài Gòn. Có tuyến lộ này rồi, ở đây phát triển lên trông thấy”.

Cầu Cái Côn nhìn từ sông Hậu. Ảnh: HLP

Nói xong, ông cười ha hả làm rung rinh chòm râu bạc và mấy cọng tóc lòa xòa trong gió. Một anh cán bộ ở thị trấn An Lạc Thôn đứng kế bên tôi khẳng định: “Thật vậy, từ khi tuyến đường Nam Sông Hậu bắt đầu đi vào hoạt động, người dân ở ven hai bên tuyến lộ đã xây dựng nhà cửa mới, mua sắm các phương tiện nghe nhìn, đi lại. Nhất là từ khi có Dự án Khu Công nghiệp Cái Côn, nhịp độ phát triển kinh tế ở tuyến này tăng tốc thấy rõ”.

Đã nhiều lần đến Cái Côn khi ngồi đò, lúc đi vỏ lãi, thậm chí cả lội bộ hàng chục cây số, tôi đã chứng kiến rất nhiều đổi thay của một vùng quê cây trái trù phú này. Trước đây, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về tinh thần, mức hưởng thụ văn hóa nhiều hạn chế. Từ khi xây dựng cung đường này, vùng đất nơi đây đã thay da đổi thịt đến không ngờ.

Xuôi theo tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu về cửa biển, cách thị trấn Cái Côn không xa, chiếc cầu bắc qua vàm sông Cái Cao sừng sững như là chứng nhân cho vùng đất cách đây hơn 50 năm trước khi giặc Mỹ cho máy bay bắn phá, thảm sát gần 300 mạng người dân thường vô tội, máu đỏ cả khúc sông ra tới tận vàm, mới được gọi là vàm sông “đỏ sóng”. Vẫn còn đó bên vàm sông là “Bia căm thù” hiên ngang nghe như âm vang vọng về hàng đêm. Bây giờ nơi đây, nhiều căn nhà tường mới toanh còn thơm mùi vôi mới. Vàm sông thanh bình ngày nào, nay vang lên những âm thanh náo nhiệt phát ra từ những đầu đĩa, tivi hay dàn karaoke làm sôi động cả xóm vắng.

Quốc lộ Nam Sông Hậu trải dài theo tuyến ven sông Hậu, ven biển Đông và xuyên qua các vùng quê với hệ sinh thái đa dạng, phong phú; nối liền các xóm ấp là những chiếc cầu bêtông vững chắc và đầy ngạo nghễ bắc qua kênh rạch chằng chịt của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ trên những chiếc cầu này, du khách sẽ được dõi mắt nhìn về những dãy cồn, cù lao xanh, với những vườn cây ăn trái, điểm xuyến cho bức tranh thiên nhiên của vùng đất phù sa chín rồng hiền hòa đầy thơ mộng. Với hơn 5.000ha cây ăn trái đặc sản, cụm cù lao dọc sông Hậu có khí hậu mát mẻ, trong lành gắn liền với những địa danh, các huyền thoại mê hồn về vua quan nhà Nguyễn.

Dự án Khu du lịch sinh thái cồn Mỹ Phước thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách đang được triển khai. Cồn được phù sa lắng tụ, bồi đắp thành dãy cù lao hình bầu dục, giống như trái cà na. Đất xứ cồn, từ xưa đã nổi tiếng với trái sapô, xoài, sầu riêng, bưởi, chôm chôm, cam, quýt... Trước đây, du khách có thể đến cồn Mỹ Phước bằng đường bộ hoặc đường thủy xuôi dòng sông Hậu, về phía hạ lưu. Còn bây giờ, Quốc lộ Nam Sông Hậu mở thêm tuyến cho du khách về cồn bằng ôtô hoặc xe gắn máy. Từ nhiều hướng, du khách đều có thể men theo đường Nam Sông Hậu để đến cồn Mỹ Phước. Giữa mênh mông sông nước, cồn Mỹ Phước xuất hiện với dãy cù lao xanh ngát, ngút ngàn cây trái, cứ nối tiếp nhau trải dài xa tít. Các nhà vườn tham gia làm du lịch thiết kế cảnh quan vườn đặc trưng miền Nam Bộ, các chòi nghỉ chân, nơi mua sắm trái cây đặc sản, nơi nghỉ ngơi thưởng thức trái cây đặc sản, nơi du khách trực tiếp trồng các cây ăn trái hoặc tham gia chăm sóc và thu hoạch trái cây.

Chạy xe trên cung đường Nam Sông Hậu, người dân Sóc Trăng quê tôi không ai là không tự hào và phấn khởi. Hầu hết những con rạch mà tuyến đường Nam Sông Hậu đi qua có chiều ngang rất rộng, vì thế những chiếc cầu bắc qua được người dân trìu mến gọi là “những chiếc cầu lịch sử”. Bởi vì, từ bao đời nay, muốn qua lại những con rạch, con sông này chỉ độc nhất chiếc ghe xuồng qua lại. Không ai ngờ, nay có thể “hiên ngang” chinh phục con sông trên những chiếc cầu kiên cố như thách đố với sóng gió. Và con đường này đã mang đến sức sống mới, thay đổi đời sống người dân mà nhiều người cứ ví von “đó là kỳ tích”.

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: