• Thông tin đối ngoại

Chủ tịch Quốc hội đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường đối thoại chính sách

30/09/2021 15:14 GMT +7
  • Nguồn: Báo Quân đội nhân dân
  • Thứ Năm, 30/09/2021 | 15:14

Sáng 30-9, theo đề nghị của ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến với Đoàn doanh nghiệp cấp cao của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN.

Doanh nghiệp Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam thực hiện “mục tiêu kép”

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nói chung cũng như nhân dân Việt Nam đang gặp phải do sự bùng phát của dịch Covid-19. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây chỉ là những khó khăn trước mắt và tạm thời. Việt Nam có nền tảng rất tốt để các bên tiếp tục hợp tác cho tăng trưởng bền vững vì sự thịnh vượng chung của hai nước cũng như doanh nghiệp và nhân dân hai nước. Nhấn mạnh rằng càng trong khó khăn lại càng tìm ra nhiều cơ hội, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN có sáng kiến tổ chức cuộc làm việc này để củng cố sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm cơ hội phát triển tại Việt Nam.

Tại cuộc làm việc, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực và các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện để bảo vệ người dân trước đại dịch Covid-19; ủng hộ việc Chính phủ Việt Nam thực hiện “mục tiêu kép” để khôi phục hoạt động kinh doanh một cách an toàn. Các doanh nghiệp đề nghị, trong bối cảnh gần như tất cả các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Việt Nam cần xem xét mở rộng hơn các đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách miễn, giảm thuế, phí và các chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Đại diện FORD Việt Nam đề nghị tiếp tục chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, triển khai đăng ký xe trực tuyến.

 Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại cuộc làm việc.

Các doanh nghiệp cũng bày tỏ vui mừng khi thấy một số nhà máy ở phía Nam đã hoạt động trở lại. Đại diện hãng NIKE mong muốn đơn giản hóa thủ tục để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người lao động.

City Bank và Bay Global Strategies quan tâm đến các quy định về luồng dữ liệu xuyên biên giới trong dự thảo nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đề nghị hoàn thiện và thực thi hệ thống chính sách khuyến khích áp dụng các giải pháp khoa học trong nông nghiệp; thúc đẩy đầu tư vào phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam…

Việt Nam luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Trả lời về các vấn đề mà các tập đoàn, doanh nghiệp Hoa Kỳ đưa ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, một trong những động lực tăng trưởng tới đây của Việt Nam là dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh yếu tố con người. Việt Nam mong các doanh nghiệp cũng như Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhất là vấn đề chuyển đổi số.

Liên quan đến các vấn đề của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) do NETFLIX nêu ra, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra 2 vấn đề lớn yêu cầu cơ quan soạn thảo phải đáp ứng được. Thứ nhất là quan điểm điện ảnh không chỉ là một loại hình văn học nghệ thuật, mà còn là một ngành công nghiệp mới nổi. Dự án luật phải tạo ra được hành lang để thúc đẩy điện ảnh phát triển với tư cách là một ngành kinh tế và phải tuân theo các quy luật kinh tế. Chủ tịch Quốc hội mong cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ góp ý cho Chính phủ, Quốc hội Việt Nam trong việc thiết kế cơ chế, chính sách trong dự án luật này để thúc đẩy ngành điện ảnh phát triển với tư cách là một ngành công nghiệp văn hóa. Thứ hai là Luật Điện ảnh phải đáp ứng được yêu cầu về sản xuất, lưu hành, phát hành phim, các tác phẩm điện ảnh trong môi trường số.

Về những khó khăn của doanh nghiệp tại Việt Nam, như  Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay Quốc hội và Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí và lệ phí. Quốc hội Việt Nam vừa có buổi tọa đàm với các chuyên gia trong nước và quốc tế; đã thống nhất đánh giá cần tiếp tục có những gói hỗ trợ cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong đó chú trọng hơn về chính sách tài khóa, không chỉ là vấn đề giãn hoãn thuế mà còn hỗ trợ cho doanh nghiệp cả về dòng tiền; hoặc hỗ trợ bằng tiền mặt cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Ví dụ, thừa ủy quyền của Quốc hội theo Nghị quyết 30/2021/QH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp 30.000 tỷ đồng để chi tiền mặt cho tất cả người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, trong đó có cả doanh nghiệp nước ngoài, với khoảng 13.000.000 người.

Quang cảnh cuộc làm việc.

Ngoài ra, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cũng đang nghiên cứu thêm nhiều chính sách hỗ trợ khác cho doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Với đề nghị tạo thuận lợi cho việc đi lại của công nhân do NIKE nêu ra, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đang tập trung nghiên cứu để có khung khổ chính sách thống nhất áp dụng từ Trung ương đến địa phương với sự linh hoạt và điều chỉnh nhất định được trao cho các địa phương. Nếu mỗi địa phương có chính sách khác nhau thì các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với các doanh nghiệp có nhiều khâu sản xuất liên quan tới nhiều địa phương. Thành phố Hồ Chí Minh đang đề xuất liên kết khu vực Đông Nam Bộ trong việc phục hồi kinh tế và phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng như vậy.

Thị trường Việt Nam có nhiều lợi thế

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam hiện là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các hiệp định này đã phát huy hiệu quả rất tích cực cho cả Việt Nam và các nước thành viên. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn, Chính phủ và các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư để tận dụng lợi thế tại thị trường Việt Nam.

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội mong các doanh nghiệp của Hoa Kỳ và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN sẽ tăng cường đối thoại chính sách, không chỉ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiến nghị những vấn đề cụ thể, mà còn là đối thoại chính sách theo hướng WIN-WIN, cả Chính phủ và doanh nghiệp đều thắng còn người dân và người lao động thì được hưởng lợi. Đồng thời tăng cường góp ý để hệ thống pháp luật Việt Nam vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn tại Việt Nam, vừa đáp ứng được chuẩn mực của khu vực và quốc tế.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi sự hỗ trợ cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan dân cử ở địa phương Việt Nam; chia sẻ kiến thức chuyên môn, thực tiễn trong phòng, chống Covid-19; kêu gọi hỗ trợ vaccine, thuốc, trang thiết bị y tế cho Việt Nam nhiều hơn, nhanh hơn; chung tay hiện đại hóa ngành y tế của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, 11 kiến nghị, đề xuất của Đại biện lâm thời Đại sứ quán và một số doanh nghiệp Hoa Kỳ khi gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã và đang được xử lý trong các nghị quyết của Quốc hội cũng như các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

CHIẾN THẮNG/Báo Quân đội nhân dân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: