• Văn hóa - Thể thao

Tạp chí Văn nghệ Sóc Trăng - 30 năm nhìn lại

07/09/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 07/09/2021 | 06:00

STO - Tạp chí văn nghệ là ấn phẩm quan trọng của hội văn học nghệ thuật (VHNT) các tỉnh, thành trong cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Tạp chí là bản báo cáo thường kỳ thành quả lao động nghệ thuật văn nghệ sĩ với Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời nó cũng cho thấy hiệu quả, hiệu lực quản lý của thường trực hội. Bên cạnh những báo cáo của hệ thống văn bản hành chính và văn kiện các kỳ đại hội, những đầu sách được xuất bản, tạp chí văn nghệ là bằng chứng rõ ràng và thuyết phục nhất để trình bày với độc giả về đặc điểm và thành quả của nền văn học một địa phương. Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, Tạp chí Văn nghệ Sóc Trăng (VNST) đã có nhiều thay đổi và đạt nhiều giá trị.

Kỳ 2. Các thể loại tác phẩm trên Tạp chí VNST

Một trong những thể loại có số lượng nhiều nhất trên Tạp chí VNST là thơ. Với 89 số Tạp chí VNST được xuất bản trong 30 năm qua, VNST đã giới thiệu khoảng 1.200 bài thơ. Bên cạnh đó, thơ còn được quan tâm và đầu tư khi Hội Nhà văn Việt Nam chọn ngày rằm tháng giêng hàng năm là ngày Thơ Việt Nam. Người mang nét riêng và có nhiều cống hiến cho VNST chính là nhà thơ Ngọc Phượng.

Ngọc Phượng là một trong những cây đại thụ, là cánh chim đầu đàn của Tạp chí VNST. Chị viết cả thơ lẫn truyện nhưng xuất hiện và còn tồn tại nhiều nhất trên Tạp chí VNST vẫn là thơ. Thơ của chị in đều trong mỗi số, được nhiều bè bạn văn chương khắp cả nước biết đến qua phong cách viết chân thành, giản dị nhưng ý nghĩa sâu sắc. Những bài thơ của chị thường gọn ghẽ, nhún nhường tưởng như rất sơ sài, nhưng từng câu thơ lại có sức khơi gợi liên tưởng, có chiều sâu và ẩn chứa nhiều lớp nghĩa.

Ngoài Ngọc Phượng, các nhà thơ Sóc Trăng mỗi người một giọng, một lời và một cách thể hiện không lẫn vào đâu được. Có thể bắt gặp một Hồng Sơn kể chuyện đời bằng nhịp điệu. Thơ Thành Dũng thì trúc trắc, nhiều cung bậc của người đi tìm lẽ sống, tình yêu trên nền thể loại lục bát dân tộc...

Nói về thơ Sóc Trăng và những nhà thơ Sóc Trăng bấy nhiêu cũng chưa đủ. Thơ viết về Sóc Trăng trên Tạp chí VNST còn rất nhiều tác phẩm của các nhà thơ cả nước. Thơ của các nhà thơ Sóc Trăng viết về quê hương mình và xứ người vẫn còn rất nhiều bài tuyệt bút của nhiều tác giả trẻ, tài hoa. Tuy nhiên, bên cạnh những bài thơ có phong cách nghệ sĩ, phần lớn số bài thơ vẫn làm theo phong cách “anh em”, tức là lối viết thù tạc, đơn giản, gần như văn vần mong muốn phản ánh trực tiếp cuộc sống. Điều đó, đôi khi làm cho Tạp chí VNST có phần tài tử và nghiệp dư.

Nhắc đến một nền văn học, ngoài thơ, người ta sẽ tìm đến tiểu thuyết và truyện ngắn. Muốn đánh giá một tờ tạp chí văn học, người ta phải đọc truyện ngắn. Truyện ngắn là một trong những thước đo già dặn cho tài năng và sức sáng tạo của người nghệ sĩ. Ở Sóc Trăng, những cây bút viết truyện ngắn có thể kể đến những tên tuổi: Ngọc Phượng, An Châu, Trần Thị Hồng Hạnh, Trần Đắc Hiển Khánh, Trần Hồng Long, Hoa Huyền, Hồng Bỉnh Hiếu, Hoàng Tử Vân, Diệp Bần Cò, Nguyễn Kim Nguyên, Nguyễn Tử Quang, Trần Đắc Hiển Khánh, Trần Văn Khánh. 

Truyện ngắn gây ấn tượng và để lại trong lòng độc giả trên Tạp chí VNST 10 năm đầu chủ yếu là các cây bút ngoài tỉnh, còn ở Sóc Trăng, nổi bật là Ngọc Phượng và Trần Đắc Hiển Khánh. Truyện của Ngọc Phượng tuy số lượng ít nhưng có chất, có phong cách. Thông điệp trong truyện ngắn Ngọc Phượng đôi khi như một câu đố đến từ một nền văn hóa lạ.

Nói về truyện ngắn Sóc Trăng, không thể không nhắc đến Trần Đắc Hiển Khánh. Anh là người xuất thân quân đội, gốc Bắc, tham gia công tác Đảng ở phường và viết văn khá muộn với thể loại ký ở thời gian đầu. Sau đó, anh chuyển sang viết truyện ngắn và tiểu thuyết, cũng gặt hái được rất nhiều thành công. Tập truyện ngắn “Bạn của Hà Bá” là sự tập hợp của nhiều truyện ngắn đã đăng trên Tạp chí VNST và tạp chí văn nghệ Trung ương. Tiểu thuyết “Tha La bến đá” đạt giải nhì cuộc thi tiểu thuyết đồng bằng sông Cửu Long năm 2012.

Truyện ngắn có nhiều yếu tố đời thường, coi trọng những chi tiết, những sự kiện mang ý nghĩa. Cách viết có đầu tư, có bố trí, lối kể chuyện và xếp đặt tình tiết hấp dẫn. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm của các tác giả Sóc Trăng chưa nhiều, và cũng chưa đều tay. Ở một chiều hướng khác, có một số tác giả viết khá nhiều truyện ngắn nhưng ít đầu tư cốt truyện và thể hiện lối viết kiểu dân gian. Nhiều truyện chỉ là những câu chuyện, không hề có thắt nút, không có sự kiện, không có mâu thuẫn làm cảm xúc người đọc trôi tuột theo nhịp văn. 

Tóm lại, dù có một vài tác phẩm còn dễ dãi nhưng truyện ngắn trên Tạp chí VNST, với những cây bút tài hoa và sáng tạo miệt mài, đã có nét riêng, tạo một thế đứng không lẫn với các tạp chí trong vùng và trong cả nước. 

Một trong những thể loại có chiều hướng phát triển mạnh mẽ và ngày càng đậm nét trên Tạp chí VNST là thể loại ký – phóng sự, tản văn, biên khảo - phê bình, văn chính luận. Thống kê trong 10 năm đầu, số lượng các thể loại này trên tờ tạp chí đã có chiều hướng đi lên. Sau 30 năm, bút ký - phóng sự vẫn là thể loại chiếm tỷ lệ cao. Thậm chí trong số gần đây nhất các thể loại vừa nêu chiếm 34/48 (70,8% tổng số) trang của Tạp chí VNST 87. 

Trong 10 năm đầu, Tạp chí VNST phát triển mạnh thể loại ký (báo chí lẫn văn học). Nguyên nhân chính xuất phát từ mục tiêu phản ánh công cuộc xây dựng quê hương mới tái lập, tôn vinh người lao động chân chính, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, những truyền thống cần lưu giữ và những tấm gương có nhiều đóng góp cho xã hội phát triển. Nhiều cây bút và nhiều tác phẩm ký đã ra đời, gây nhiều tiếng vang trong lòng độc giả, có thể kể tên: bút ký Cao Long viết đa dạng và có nét riêng với những góc nhìn lạ, độc và có tính gợi mở cao đối với sự phát triển của nhiều miền quê ở Sóc Trăng; những bài ký của Quốc Bình là cái nhìn đầy ngưỡng mộ về người nông dân chất phác, kiên cường; Nguyên Đạt đi tìm những câu chuyện vượt lên số phận để dệt nên những tấm gương trong các bài ký...

Ở giai đoạn sau, Trần Đắc Hiển Khánh nổi bật là một cây bút viết ký có tay nghề. Năm 2006, Hội VHNT tổ chức cuộc thi ký Văn học và Báo chí, Trần Đắc Hiển Khánh đạt giải nhất với bài viết về bến cầu tàu Đại Ngãi gắn liền với liệt sĩ Văn Ngọc Chính. Năm 2010, anh đạt giải nhất cuộc thi ký đồng bằng sông Cửu Long. Cách viết của anh đậm chất hình tượng, tức là bên cạnh sự kiện có thật còn khơi gợi cho người đọc những liên tưởng, suy tư và cảm xúc về một vùng đất, một con người. 

Cũng trong thể loại ký, với đề tài viết về những năm tháng chiến tranh đã qua, Thanh Phong (Trần Văn Miêng) đứng riêng một góc và trở thành một cây bút lão luyện ít ai thay thế được. Những câu chuyện về chiến tranh đậm chất đời thường lẫn phi thường, được kể bằng giọng của người trong cuộc. Những chuyến thăm lại chiến trường xưa với nhiều kỷ niệm với bà con đã từng nuôi chứa, bảo bọc cách mạng không chỉ góp phần kết nối hiện tại với quá khứ mà còn góp phần nhắc nhở thế hệ hôm nay nghĩ về cội nguồn, truyền thống anh hùng.

Hai mảng viết cũng sôi động và làm nên nét riêng của tờ VNST là tản văn và văn học dịch. Ở thể loại tản văn, tức là những câu chuyện xúc cảm từ cuộc sống, những chiêm nghiệm suy tư thực tế được gói gọn trong một bài viết ngắn, là tác phẩm của Nam Kế Ba và các bút nhóm trong trường phổ thông với nhiều cái tên như Trần Thị Hồng Hạnh, Hoàng Dương Thu Anh, Nguyễn Thị Tuyết, Phi Thị Ngọc Anh... Ở phía văn học dịch, Trương Tấn Lộc là ngòi bút dịch nhiều tác phẩm văn học Pháp ra tiếng Việt trên tạp chí văn nghệ. Có thể nói, không kể những dịch giả thành danh ở TP. Hồ Chí Minh, ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiếm hoi mới có tác phẩm văn học dịch của tác giả tỉnh nhỏ đăng trên tờ tạp chí văn nghệ địa phương.

Trên địa hạt biên khảo phê bình, Nguyễn Tử Quang (Vô Ngã) sừng sững một mình một ngựa hướng về những câu truyện cổ đầy sức mê hoặc. Văn của ông là cái gạch nối về mặt văn hóa giữa quá khứ dân tộc với nếp sống văn minh hiện đại. Bên cạnh đó, Trần Văn Bổn lặng lẽ miệt mài giới thiệu nét đặc sắc của văn hóa Khmer Sóc Trăng cho người dân cả nước biết đến bằng nhiều bài biên khảo công phu. Ở giai đoạn sau, Trần Minh Thương và Tiền Văn Triệu với những công trình văn hóa dân gian có chiều sâu đã góp phần tiếp nối thế mạnh về biên khảo, nghiên cứu trên tạp chí. Lý luận phê bình văn học thì có sự đóng góp của Huỳnh Vũ Lam.

Nhìn chung, thể loại ký là một trong những mảng văn học gặt hái nhiều thành công về số lượng bài trên Tạp chí VNST. Nó phát triển một phần là do đặc trưng thể loại gắn với đời sống, một phần là do chủ trương phản ánh hiện thực cuộc sống trong các văn kiện đại hội Đảng và Đại hội Văn học Nghệ thuật. Đọc ký, người ta thấy văn học đi cùng đời sống và đời sống được hiện diện rõ trong văn học. Việc thực hiện một tuyển tập các bài ký trên Tạp chí VNST 30 năm qua là một công trình hứa hẹn có giá trị thực tiễn cao.

Một trong những mục tiêu quan trọng của VHNT là đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác trong xã hội. Đội ngũ các nhà viết tiểu phẩm phê phán tệ nạn xã hội ở Sóc Trăng 10 năm đầu hoạt động khá mạnh mẽ, nhiều tiểu phẩm của Bút Nguyên Tử, Quờn San, Nguyễn Hữu Bé... đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi số tạp chí. Nhiều bài thơ và tiểu phẩm có sức tác động chống cái xấu trong xã hội, được công chúng đón nhận và hưởng ứng.

HUỲNH VŨ LAM

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: