Hãy bảo vệ trẻ em trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin

19/06/2024 06:03 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 19/06/2024 | 06:03

STO - Trẻ em là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần nên cần phải được ưu tiên, quan tâm, chăm lo, bảo vệ. Làm sao để trẻ được tự do phát triển lành mạnh, học tập, vui chơi, tình cảm trong sáng và bước vào đời với những phẩm chất tốt đẹp?

Nguy hiểm từ không gian mạng đối với trẻ em

Xâm hại tình dục trẻ em đã trở thành vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội, bởi hậu quả hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tinh thần đối với con trẻ. Thế mà thực tế, tình trạng trẻ em bị xâm hại vẫn cứ liên tiếp diễn ra với tính chất nghiêm trọng. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2021 đến ngày 31/3/2024, cấp huyện đã xét xử 72 vụ, 73 bị cáo liên quan đến xâm hại trẻ em; cấp tỉnh xét xử 41 vụ, 43 bị cáo về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Các tội phạm về xâm hại trẻ em chủ yếu là xâm hại về tình dục; chủ thể xâm hại là nam giới; ở độ tuổi từ thanh niên đến trung niên; trình độ học vấn thấp, am hiểu pháp luật còn hạn chế. Thông thường, họ là những người quen biết, hàng xóm, thậm chí là những người thân thuộc, họ hàng của bị hại và hiện nay có thể chỉ là quen biết từ không gian mạng. Nạn nhân bị xâm hại đều là nữ giới, có độ tuổi từ khoảng 5 đến dưới 16 (lứa tuổi ngây thơ, thiếu hiểu biết, khả năng tự vệ yếu nên dễ bị dụ dỗ, lợi dụng, xâm hại).

Có thể con số trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, vì khả năng trẻ em bị tấn công, lợi dụng, xâm hại về tình dục, rồi bị “chìm xuồng” với nhiều nguyên nhân khác nhau là rất cao

Hãy quan tâm, tạo điều kiện để trẻ em được thể hiện năng lực, tư duy sáng tạo và phát triển toàn diện. Ảnh: SỚM MAI

Qua công tác xét xử, đồng chí Phạm Quang Nhuận - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho rằng, có 3 vấn đề khiến trẻ dễ bị xâm phạm. Trước hết, việc thiếu hiểu biết pháp luật và suy đồi đạo đức ở một số đối tượng, cho dù là người quen biết, họ hàng, người thân trong gia đình, họ vẫn thực hiện hành vi đồi bại với con trẻ. Rồi vấn đề tâm sinh lý, trẻ em gái ngày nay lớn hơn nhiều so với lứa tuổi, nên có trường hợp các em chủ động tìm hiểu, khám phá. Thêm vào đó, gánh nặng mưu sinh với nỗi lo tất bật “cơm áo, gạo tiền”, khiến nhiều bậc cha mẹ lãng quên việc quan tâm, chăm sóc con cái, vô tình tạo cơ hội cho những tên “yêu râu xanh” đang ẩn nấp, rình rập xung quanh, thẳng tay “bóp nát” cuộc đời con trẻ. 3 yếu tố trên chính là nguyên nhân sâu xa khiến tình trạng xâm hại trẻ em gia tăng.

Môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thông qua đó, một số đối tượng đã dụ dỗ, lôi kéo và biến các bé gái thành “trò tiêu khiển” của họ hoặc tham gia các hoạt động phi pháp khác. Với rủi ro trên Internet, gia đình, nhà trường, xã hội, cần quan tâm, chú ý tới việc các cháu tham gia vào môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ em từ các phiên tòa

Theo đồng chí Phạm Quang Nhuận, quá trình xét xử, giải quyết các vụ xâm hại trẻ em, tòa án luôn bám sát các nguyên tắc về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái. Xác định những vụ xâm hại tình dục đều để lại hậu quả rất nặng nề, người bị hại không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sợ hãi và sự ám ảnh. Các em gái nhỏ tuổi rất khó hòa nhập lại với cộng đồng, sống biệt lập trong một thế giới riêng. Do vậy, để góp phần ngăn chặn tệ nạn xâm hại tình dục, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã triển khai công văn chỉ đạo của Tòa án nhân dân Tối cao về chủ động làm việc với các cơ quan công an, viện kiểm sát cùng cấp nắm tình hình, có kế hoạch phối hợp ngay từ giai đoạn điều tra để nhanh chóng đưa ra truy tố, xét xử những đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em; xử phạt thật nghiêm khắc nhằm ngăn chặn tội phạm xâm phạm tình dục đối với trẻ em.

Các ban ngành, đoàn thể quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em, nhất là kỹ năng phòng ngừa đối với "yêu râu xanh". Ảnh: SỚM MAI

Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Đối với những vụ án mà bị cáo hoặc người bị hại thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý, tòa án đã chủ động liên hệ với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh để cử người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho họ. Tại các phiên tòa xét xử các vụ án hình sự về các tội xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái đều được tòa án cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm vừa làm rõ các tình tiết của vụ án, vừa đảm bảo thuần phong mỹ tục, các yếu tố văn hóa, bảo vệ danh dự, phẩm giá của con người và không gây tác động tiêu cực đến tâm lý của người bị hại. Hình phạt mà các tòa án áp dụng về cơ bản đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm về bạo lực tình dục nói riêng trong tình hình hiện nay. Tại phiên tòa, bên cạnh việc xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, Hội đồng xét xử luôn chú trọng công tác giáo dục pháp luật thông qua việc giải thích pháp luật, phân tích cho các bị cáo và những người tham dự phiên tòa hiểu rõ, nâng cao nhận thức về hậu quả và những hệ lụy phát sinh từ hành vi xâm hại tình dục trẻ em. 

Để ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em, bên cạnh việc xét xử nghiêm minh của tòa án, rất cần có sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội. Đặc biệt, các bậc cha mẹ dù cuộc sống có bộn bề khó khăn hay tất bật cũng đừng xao lãng trách nhiệm dạy bảo, yêu thương và bảo vệ con trẻ.

SỚM MAI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: