• Xây dựng nông thôn mới

Xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên:

Tự tin về đích nông thôn mới nâng cao

07/11/2022 03:35 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 07/11/2022 | 03:35

STO - Tính đến thời điểm này, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, trong đó có 16/19 tiêu chí đã trình lên cấp trên thẩm định. Kết quả, nhiều tiêu chí đã được công nhận. Đây là sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân trong chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ngay sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 10/2015, xã Đại Tâm tiếp tục dồn sức nâng chất, cải thiện các tiêu chí còn yếu, chất lượng chưa cao. Theo đó, ưu tiên tập trung cho tiêu chí số 10 (nhà ở dân cư) và tiêu chí số 12 (lao động), bởi 2 tiêu chí này tác động trực tiếp đến đời sống của người dân và góp phần kéo theo các tiêu chí khác lên cao.

Đồng chí Trần Chính Tâm - Chủ tịch UBND xã Đại Tâm cho biết, là địa phương có tỷ lệ đồng bào Khmer cao, chiếm gần 85% dân số toàn xã, phần lớn bà con sinh sống bằng nghề nông, buôn bán nhỏ nên cuộc sống còn nhiều khó khăn; số hộ nghèo, cận nghèo của địa phương hầu hết đều rơi vào hộ Khmer. Do vậy, để giúp bà con an cư, thoát nghèo, địa phương tập trung cho công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, giúp bà con cải thiện thu nhập.

Cầm trên tay chứng chỉ kỹ thuật chăn nuôi bò vừa được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (huyện Mỹ Xuyên) cấp, anh Danh Đươnh, ở ấp Tâm Lộc phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống và kinh nghiệm nuôi bò thịt lâu năm nhưng chủ yếu tự học. Nay được địa phương hỗ trợ học lớp kỹ thuật chăn nuôi bò, tôi biết thêm nhiều kiến thức bổ ích, biết khi nào bò lên giống để phối cho đúng thời điểm để đạt kết quả cao, cách ủ phân bò thành phân hữu cơ, kỹ thuật vỗ béo bò nhưng vẫn tiết kiệm chi phí, bán được giá, tăng lợi nhuận”.

Đào tạo nghề theo nhu cầu, giúp người dân có việc làm ổn định. Ảnh: MỸ LINH

Ông Phòng Văn Hiệp, ở ấp Tâm Chí thì chọn học nghề đan giỏ nhựa vì phù hợp sức khỏe, hoàn cảnh gia đình. Ông Hiệp thuộc diện hộ cận nghèo, không đất đai sản xuất, sức khỏe lại yếu. Sau khi học nghề, ông Hiệp nhận dây về nhà đan lúc nhàn rỗi, mỗi tháng gia đình ông cũng có thêm thu nhập từ 1 - 1,5 triệu đồng/người, góp tiền chia sẻ một phần chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã Đại Tâm đạt trên 76% và phần lớn bà con được đào tạo nghề đều tạo được việc làm tại chỗ. Có được kết quả này là nhờ địa phương dạy nghề dựa trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực học và mong muốn nghề được học của bà con. Cứ như vậy, hàng năm địa phương chủ động phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp dạy nghề (chủ yếu là chăn nuôi bò, đan đát) theo nhu cầu thực tế của người dân. Cùng với đó, địa phương còn tuyên truyền, vận động người dân tự học nghề tại các cơ sở, doanh nghiệp trong và ngoài xã, cũng như hỗ trợ giới thiệu việc làm thời vụ, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Bên cạnh đó, để đạt tiêu chí về nhà ở dân cư, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể địa phương đã tập trung nhiều giải pháp, nhằm giúp người dân an cư. Trở về nhà sau một ngày mưu sinh bằng nghề buôn bán nhỏ, bà Trần Thị Kim Sơn (70 tuổi) cùng chị ruột là bà Trần Thị Mệt (72 tuổi), ở ấp Đại Ân được ngã lưng trong căn nhà đại đoàn kết vừa được xây dựng do địa phương hỗ trợ. Bà Sơn chia sẻ trong niềm vui: “Cả đời hai chị em tôi mới có được căn nhà ấm áp như thế này. Cám ơn chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ, tôi vui lắm, hạnh phúc lắm”.

Theo Chủ tịch UBND xã Đại Tâm, thời gian qua, địa phương quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm nâng cao thu nhập, đủ nguồn lực để tự chỉnh trang nhà cửa. Ngoài ra, tập trung huy động, tranh thủ các nguồn lực từ cấp trên, xã hội hóa để hỗ trợ hộ khó khăn bức xúc về nhà ở. Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2022, địa phương đã hỗ trợ xây dựng 9 căn nhà đại đoàn kết cho hộ khó khăn về nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát. Hiện toàn xã có 3.655/4.368 hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố, đạt 83,33% so với chỉ tiêu nhà ở dân cư theo chuẩn là bằng hoặc trên 80%.

Hoàn thành tiêu chí về lao động, nhà ở dân cư, góp phần giúp xã Đại Tâm thực hiện đạt chuẩn tiêu chí khác. Hiện tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều của xã chỉ còn 2,48%. Kết quả đạt được trong nỗ lực thực hiện 2 tiêu chí quan trọng trên đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của từng hộ dân, tạo dựng diện mạo nông thôn thêm khang trang, đổi mới, xã Đại Tâm tự tin sẽ cán đích xây dựng nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2022.

MỸ LINH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: