ASEAN hiện nỗ lực thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, trong đó, triển khai kế hoạch tổng thể ở cả ba trụ cột Cộng đồng và về kết nối ASEAN. ASEAN đã triển khai được 98% các dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể của trụ cột Chính trị - An ninh, 88,3% trong trụ cột Kinh tế, 72% trong trụ cột Văn hóa - Xã hội, đồng thời triển khai 14/15 sáng kiến thuộc 5 lĩnh vực chiến lược của Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025. Ngoài ra, ASEAN cũng đang trao đổi về Chiến lược hợp nhất về cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm tận dụng tối đa cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp mang lại.
Về trụ cột Chính trị - An ninh, ASEAN đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. ASEAN tạo dựng được sự tin cậy và gắn kết giữa các nước thành viên; thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các nước trong và ngoài hiệp hội; xây dựng lòng tin, chia sẻ và phát huy giá trị các quy tắc và chuẩn mực ứng xử giữa các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN cũng tăng cường hợp tác và nâng cao năng lực xử lý những thách thức an ninh, hạn chế sự can thiệp và chi phối của các nước lớn.
ASEAN khẳng định được vai trò quan trọng tại khu vực, trong đó ngăn ngừa và quản lý các tranh chấp hoặc nguy cơ xung đột. ASEAN nỗ lực hợp tác nâng cao năng lực xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt trước các thách thức và mối đe dọa do đại dịch Covid-19, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng…
Nhân dịp kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập ASEAN (8/8/2020), các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố về Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á, khẳng định cam kết mạnh mẽ của ASEAN trong duy trì Đông Nam Á là một khu vực hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định, đồng thời tăng cường các giá trị vì hòa bình trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế.
Về vấn đề biển Đông, ASEAN có nhiều nỗ lực và vai trò quan trọng, với việc thường xuyên lên tiếng cảnh báo về nguy cơ, thu hút sự quan tâm và đóng góp của các nước đối tác và cộng đồng quốc tế tại biển Đông; đề cao việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. ASEAN tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin và xây dựng các quy tắc ứng xử, nhất là cùng Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả. ASEAN cũng thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề trên biển nhằm ngăn ngừa nguy cơ đụng độ, xung đột, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN là sự mở rộng về phạm vi và nâng cao về mức độ tự do hóa của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), trong đó về cơ bản không còn thuế quan đối với hàng hóa và có sự lưu chuyển thông thoáng hơn về dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, có sự hợp tác khá chặt chẽ trong các lĩnh vực kinh tế ngành và kết nối đáng kể với nền kinh tế toàn cầu…
Về trụ cột Văn hóa - Xã hội, kết quả lớn nhất là tạo ra những cơ chế và khuôn khổ hợp tác; hài hòa hóa các quy định và tiêu chuẩn chung; cũng như nâng cao năng lực của các nước trong thực hiện các chính sách thúc đẩy bình đẳng và công bằng xã hội, phát triển bền vững, cải thiện cuộc sống của người dân, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia và đóng góp vào hợp tác ASEAN, giúp nâng cao ý thức về cộng đồng và bản sắc chung.
Bên cạnh ba trụ cột của Cộng đồng, ASEAN cũng đạt được thành tựu trong nhiều lĩnh vực hợp tác khác.
ASEAN đã khởi động tiến trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 với sự thành lập của Nhóm đặc trách cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Hiện Nhóm đặc trách đang thảo luận sơ bộ về các thành tố chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, trên cơ sở kế thừa và tiếp nối Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, song cũng cân nhắc “có chọn lọc” những vấn đề, xu hướng mới nhằm tăng cường khả năng thích ứng và năng lực tự cường của ASEAN trong bối cảnh mới.
NHẤT HUY (Tổng hợp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin