Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nhật Bản tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh BỘ NGOẠI GIAO)
Về quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhận định, hai bên chia sẻ mối quan hệ đối tác tin cậy, gắn bó từ trái tim đến trái tim.
Tại Hội nghị, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản bày tỏ mong muốn tiếp tục tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả vào các cơ chế do ASEAN chủ trì.
Thủ tướng Kishida Fumio cũng khẳng định nhất quán ủng hộ đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), vốn chia sẻ các nguyên tắc cơ bản với Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản, dựa trên những trụ cột, bao gồm pháp quyền, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo của các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản duy trì đối thoại chặt chẽ, thông qua nhiều kênh, diễn đàn khác nhau, bao gồm Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản, Hội nghị Bộ trưởng, Hội nghị quan chức cấp cao và chuyên gia.
Đồng thời, Nhật Bản tích cực tham gia nhiều cơ chế, hoạt động do ASEAN chủ trì, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF)…
Trải qua chặng đường 50 năm, quan hệ ASEAN-Nhật Bản phát triển toàn diện và năng động trên tất cả các lĩnh vực.
Là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN, Nhật Bản được đánh giá là một trong những đối tác kinh tế "đáng tin cậy nhất" của Hiệp hội.
Chính phủ Nhật Bản ủng hộ đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời, đã có nhiều hoạt động hợp tác thiết thực hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng.
Theo Đại sứ Nhật Bản tại ASEAN Kiya Masahiko, những giá trị mà ASEAN và Nhật Bản cùng chia sẻ là hòa bình, sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Một trong những trụ cột quan trọng cho những thành tựu hợp tác giữa hai bên là sự chú trọng mà cả ASEAN và Nhật Bản dành cho giao lưu nhân dân và trao đổi văn hóa, đặc biệt là trong giới trẻ và trí thức.
Hướng đến xây dựng cơ sở vững chắc cho tình đoàn kết tại khu vực, từ năm 2007, Chính phủ Nhật Bản đã khởi xướng Chương trình giao lưu thế hệ trẻ và sinh viên giữa Nhật Bản và các nước Đông Á (JENESYS).
Thông qua Chương trình, thanh thiếu niên Đông Nam Á được mời đến Nhật Bản và thanh thiếu niên Nhật Bản đến các nước trong khu vực để giao lưu, trao đổi với mục đích góp phần làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa thế hệ những người trẻ sẽ đảm nhận trọng trách xây dựng đất nước trong tương lai.
Đến nay, tổng số thành viên của Hiệp hội Cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản (ASCOJA) là hơn 50.000 người.
Thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, ASEAN và Nhật Bản cùng hướng tới duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng, triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Đồng thời, hai bên chia sẻ định hướng đẩy mạnh hợp tác trong quản lý thiên tai, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch, tăng trưởng xanh…
Là thành viên tích cực, chủ động trong ASEAN, Việt Nam luôn ủng hộ sự phát triển mạnh mẽ, gắn kết chặt chẽ hơn nữa trong quan hệ ASEAN-Nhật Bản.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, nền tảng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản mới được thiết lập sẽ góp phần tích cực, đẩy mạnh hơn nữa quan hệ ASEAN-Nhật Bản, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân Nhật Bản, Việt Nam và ASEAN.
Đại sứ nhấn mạnh, trải qua nửa thế kỷ, ASEAN và Nhật Bản đã trở thành những đối tác không thể thiếu của nhau, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả hai bên.
Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ tại Tokyo sắp tới là cơ hội để ASEAN cùng Nhật Bản nhìn lại chặng đường đã qua, những thành tựu hợp tác và đề ra những định hướng, tạo thêm động lực mới, cùng phát triển quan hệ hai bên mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
LIÊN KHƯƠNG/BÁO NHÂN DÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin