Đối ngoại quốc phòng Việt Nam là một nội dung quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam; là một bộ phận trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế theo phương châm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm với tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của đối ngoại quốc phòng, những năm qua, đối ngoại quốc phòng Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong điều kiện có nhiều thuận lợi đan xen với những thách thức, đã đem lại hiệu quả cao trên toàn diện các nội dung. Nhờ đó, đối ngoại quốc phòng đã khẳng định là kênh quan trọng, cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân thực hiện có hiệu quả các hoạt động đối thoại cấp cao về quốc phòng, quân sự với nhiều nước, trong đó đã tập trung ưu tiên các nước lớn quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, các nước láng giềng trong ASEAN...
Tàu 20 của Hải quân nhân dân Việt Nam tham gia Lễ duyệt binh tàu hải quân quốc tế LIMA 2023 tại Malaysia.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng chính thức với hơn 60 nước, đặt Văn phòng Tùy viên Quốc phòng tại hơn 40 nước, và hơn 60 nước có Văn phòng Tùy viên Quốc phòng tại Việt Nam, từng bước mở rộng đối ngoại quốc phòng với các nước phương Tây, trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Chủ động thực hiện tốt đối ngoại quốc phòng song phương với các nước như: Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Lào, Campuchia và các hoạt động đa phương như gia nhập và hoạt động có hiệu quả tại Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) năm 1994 và ASEAN năm 1995, góp phần xây dựng ARF trở thành diễn đàn đối thoại về chính trị và an ninh ở khu vực.
Kiên trì giữ vững tính chất và các nguyên tắc đã thỏa thuận của ARF là: duy trì vai trò chủ đạo của ASEAN, nhất trí ARF là một quá trình tiệm tiến với bước tiến phù hợp, trong đó xây dựng lòng tin là trọng tâm xuyên suốt. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ARF, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các nước tổ chức và chủ trì thành công nhiều hội nghị tập trung vào thúc đẩy và tăng cường sự hợp tác thiết thực hơn giữa các nước thành viên ARF trong việc đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, sự biến đổi khí hậu và thúc đẩy tiến trình hợp tác phát triển của ARF, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Thực hiện tốt hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ASEAN. Việt Nam đã thiết lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các phòng tùy viên quốc phòng giữa Việt Nam với các nước trong ASEAN. Bằng sự chân thành và linh hoạt, sáng tạo, Việt Nam đã nhận được sự đồng thuận trong việc giải quyết vấn đề biển Đông theo Công ước quốc tế về Luật Biển 1982; thực hiện tuyên bố 6 điểm về biển Đông của ASEAN, chấp hành các định chế DOC, đẩy nhanh tiến trình xây dựng và thực thi COC.
Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã chủ động có những đóng góp trách nhiệm vào thành công chung của ADMM-17.
Tham gia tích cực trong đối thoại Shangri-la, đã xây dựng được lòng tin bền vững với các đối tác. Việt Nam đã nêu phương châm “xây dựng lòng tin chiến lược” được các thành viên trong khối ủng hộ, thực hiện. Qua đó góp phần nâng cao hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam với các đối tác trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, đem lại khả năng tiếp tục hợp tác sâu rộng, bền vững trên các lĩnh vực: huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực, mua sắm trang bị, thiết bị, hợp tác công nghiệp quốc phòng, hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, chống chạy đua vũ trang... Thông qua quá trình minh bạch, cung cấp thông tin về quan điểm, chính sách quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong quá trình hợp tác, liên kết, các quốc gia sẽ xây dựng được lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, đưa ra cách tiếp cận, cơ chế, biện pháp và bước đi phù hợp nhằm giải quyết bất đồng, những vấn đề các bên cùng quan tâm, xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, tránh được xung đột, đối đầu trong quan hệ quốc tế.
Với phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả” và chủ trương “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Có thể khẳng định, sự tham gia của Việt Nam vào các cơ chế, diễn đàn hợp tác quốc phòng - an ninh khu vực ASEAN... không chỉ góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta mà còn thúc đẩy quá trình “xây dựng lòng tin chiến lược” nhằm tăng cường trao đổi, hợp tác thực chất, chống tư tưởng bành trướng, chạy đua vũ trang, giảm thiểu các nguy cơ xung đột, tạo môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Những thành quả mà đối ngoại quốc phòng Việt Nam đạt được trong những năm qua đã nâng tầm đối ngoại Quốc phòng Việt Nam trong khu vực và thế giới lên một vị thế mới, là tiền đề quan trọng nhằm mở rộng và làm sâu sắc thêm các quan hệ quốc tế của Việt Nam trên toàn diện các lĩnh vực, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ hòa bình, ổn định và phồn vinh cho thế giới nói chung và khu vực ASEAN nói riêng.
PHẠM HIẾU - NGỌC HẢI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin