Sóc Trăng: Mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế, không ngừng nỗ lực vì quyền lợi của nhân dân

15:29, 14/06/2024

STO - Sóc Trăng là một trong 3 tỉnh trong cả nước có số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) 5 tháng đầu năm 2024 tăng nhanh so với năm 2023. Đó là ghi nhận của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 5 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm.

Trong những năm gần đây, công tác phát triển người tham gia BHYT luôn được BHXH tỉnh Sóc Trăng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Nhiệm vụ trên ngày càng được coi trọng, bởi lẽ, kết quả của công tác phát triển người tham gia BHYT có ý nghĩa rất lớn, mang tính bước ngoặt khi tỷ lệ bao phủ BHYT tăng đồng nghĩa với việc ngày càng có thêm nhiều người dân được đảm bảo, chăm sóc sức khỏe về BHYT.

 

Tích cực triển khai chính sách BHYT

Là cơ quan được BHXH Việt Nam giao tổ chức thực hiện chính sách BHYT tại địa phương, để triển khai hiệu quả công tác phát triển người tham gia, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, thời gian qua, BHXH tỉnh Sóc Trăng đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chủ động phối hợp với các ngành liên quan tham mưu HĐND ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHYT; phối hợp cùng các cấp, các ngành triển khai và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện; chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và giải pháp phát triển BHYT theo từng nhóm người tham gia; mở rộng các tổ chức dịch vụ thu BHYT để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia BHYT; bảo đảm cấp thẻ BHYT và giải quyết kịp thời các chế độ đối với người tham gia BHYT; tăng cường công tác giám định BHYT; phân loại nhóm người đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu theo hướng giảm tỷ lệ đăng ký tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên; nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và tác nghiệp chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về đóng BHYT…

Năm 2023, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là 1.161.551 người, so với năm 2022 tăng 38.000 người (tương đương 3,38%), đạt 101,07% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tỷ lệ bao phủ đạt 96,89% dân số. Tính đến hết tháng 5 năm 2024, toàn tỉnh có 1.187.141 người tham gia BHYT, đạt 101,91% kế hoạch do BHXH Việt Nam giao, đạt tỷ lệ bao phủ 99,03% dân số, tăng 103.054 người so với cùng kỳ năm 2023. BHXH tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2024, toàn tỉnh sẽ có 1.196.975 người tham gia BHYT. Một số địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT cao là: Cù Lao Dung (118,43%), Kế Sách (109,63%), Thạnh Trị (106,72%), Châu Thành (104,96%). Các nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT cao (đạt gần 100%) bao gồm: Nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng BHYT thuộc khối hành chính sự nghiệp; nhóm được tổ chức BHXH và ngân sách nhà nước đóng BHYT; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ như: cận nghèo, người dân tộc thiểu số được địa phương hỗ trợ đóng BHYT phần người tham gia đóng.

BHYT đảm bảo tối đa quyền lợi cho bệnh nhân tham gia

Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng đồng nghĩa với việc ngày càng có thêm nhiều người dân được đảm bảo, chăm sóc sức khỏe về BHYT. Song hành với tăng tỷ lệ người tham gia BHYT, hàng năm BHXH tỉnh Sóc Trăng luôn bảo đảm cấp thẻ BHYT và giải quyết kịp thời các chế độ đối với người tham gia BHYT, năm 2023 đã cấp và in phát hành 670.548 thẻ. 5 tháng đầu năm 2024 đã cấp và in phát hành 215.902 thẻ.

Theo ông Đàm Lực Sĩ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Hàng năm, có hơn 3 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi. Quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế, chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Việc người dân tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm "đóng góp khi lành để dành khi ốm", nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật, kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn.

 

Theo thống kê của BHXH tỉnh, mỗi năm Quỹ BHYT chi trả trên 1.000 tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT, trong đó rất nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới 8-900 triệu đồng/năm. Ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính như: Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu di truyền), ung thư, tim mạch, suy thận...

Thời gian qua có một số người bệnh được quỹ BHYT chi trả chi phí cao, cụ thể: Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao nhất: 905.489.263 đồng, có mã thẻ HT3945896XXXXXX, sinh năm 1961, địa chỉ: Quốc Lộ 1, Phường 2, Thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng; chẩn đoán bệnh chính là "U ác của phế quản và phổi".

Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 2: 876.120.096 đồng, có mã thẻ BT2949422XXXXXX, sinh năm 1996, địa chỉ: khóm Tân Quới A, Phường 2, Thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng; chẩn đoán bệnh chính là "Thiếu yếu tố VIII di truyền (Hemophilia A có chất ức chế)".

Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 3: 737.428.989 đồng, có mã thẻ DT2949423XXXXXX, sinh năm 2011, địa chỉ: khóm Cà Lăng A Biển, Phường 2, Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, chẩn đoán bệnh chính là "Bệnh bạch cầu dạng lympho".

Bên cạnh đó, 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 699 học sinh, sinh viên KCB BHYT với 1.245 lượt KCB, số tiền được quỹ BHYT chi trả 956.257.726 đồng. Điều này đã góp phần thể hiện rõ vai trò, giá trị và lợi ích to lớn mà chính sách BHYT mang lại đối với công cuộc chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Phấn đấu triển khai hiệu quả công tác phát triển người tham gia BHYT

Từ khi Luật BHYT ra đời, công tác quản lý nhà nước về BHYT được tăng cường, công tác tuyên truyền ngày càng có chiều sâu, đối tượng tham gia không ngừng được mở rộng, số người tham gia BHYT năm sau luôn cao hơn so với năm trước, song so với tiềm năng khai thác và phát triển mở rộng người tham gia BHYT, nhất là số đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình, lao động tự do, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa tham gia BHYT còn nhiều.

Số đối tượng tham gia BHYT hiện nay chủ yếu thuộc các nhóm đối tượng do người lao động và người sử dụng lao động đóng, do cơ quan BHXH đóng, do ngân sách nhà nước đóng, ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí tham gia và nhóm đối tượng thân nhân lực lượng công an, cơ yếu, quân đội.

Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: Tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT vẫn cao và diễn biến phức tạp. Năm 2023, số tiền chậm đóng BHYT là 2.622 triệu đồng; 5 tháng đầu năm 2024, số tiền chậm đóng BHYT là 213.289 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chậm đóng là 208.092 triệu đồng. Tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ; công tác xác định tổng số người do các ban ngành quản lý còn gặp nhiều khó khăn; một số đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT nhưng tỷ lệ tham gia BHYT chưa đầy đủ như: học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình…

 

Thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, có ý nghĩa to lớn trong đời sống cộng đồng. Đây cũng là một trong những chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân một cách tốt nhất. Với ý nghĩa đó, BHXH tỉnh Sóc Trăng tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, như:

Thứ nhất, tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về quyền lợi khi tham gia BHYT. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc khẳng định vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT, nhất là BHYT trong hệ thống an sinh xã hội. Qua đó, giúp người dân hiểu sâu hơn về chế độ, chính sách BHYT, BHXH; đồng thời, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia các loại hình BHXH, BHYT thuộc các đối tượng cận nghèo, học sinh, sinh viên...; tiến hành nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, đa dạng về nội dung, có những minh chứng cụ thể để người dân đi từ chưa biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều và hiểu, tự giác tham gia BHYT; chú trọng hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các phương tiện truyền thông, truyền thanh ở huyện, xã, phường, tại tổ dân phố; trên báo, đài truyền thanh, truyền hình. Tổ chức in ấn tờ rơi, tờ gấp chuyển đến tận tay đối tượng; xây dựng các cụm pa-nô, áp phích ở nơi tập trung đông dân cư, nơi có nhiều người qua lại.

Thứ hai, chủ động phối hợp với Sở Y tế tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, xóa bỏ tâm lý khám chữa bệnh BHYT không chất lượng bằng khám chữa bệnh theo yêu cầu; tăng cường nhân lực, nâng cao y đức phục vụ người bệnh; nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, y bác sĩ; nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế tại bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi người có thẻ BHYT; tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ tại các cơ sở khám, chữa bệnh; đầu tư trang thiết bị y tế, tăng cường phát triển các kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng điều trị.

Thứ ba, phối hợp với các ban, ngành có liên quan tham mưu mở rộng về đối tượng và tăng mức hỗ trợ của ngân sách địa phương cho người dân tham gia bảo hiểm y tế. Hiện nay, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ còn thấp, nhiều đối tượng dù rất muốn những vẫn không có kinh phí để tham gia. Hơn nữa, người lao động tự do, các hộ gia đình, đặc biệt là hộ gia đình trực tiếp làm nông nghiệp, lâm nghiệp chưa có cơ hội tham gia BHYT nhiều do mức đóng vẫn ở mức đóng khá cao so với thu nhập khi họ phải đóng BHYT cho tất cả các thành viên trong hộ gia đình.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế ở tất cả các cấp, các ngành, các đoàn thể và các đơn vị, nhất là các doanh nghiệp; nhanh chóng khắc phục và xoá bỏ tình trạng không tham gia hay nợ đóng bảo hiểm xã hội - bảo hiểm y tế kéo dài của các doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sử dụng bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để xử lý nghiêm minh và hạn chế, ngăn chặn hiện tượng lạm dụng hoặc trục lợi từ bảo hiểm y tế.

Thứ năm, tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Huy động sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở trong công tác tuyên truyền, lồng ghép việc tuyên truyền về bảo hiểm y tế trong các sinh hoạt thường kỳ, các hoạt động khác của các tổ chức này. Mỗi tổ chức cần chú trọng vận động hội viên của tổ chức mình tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế cho cá nhân và cho cả hộ gia đình.

Có thể nói rằng, BHYT là chính sách có ý nghĩa an sinh quan trọng, nhằm bảo đảm sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đồng thời, qua đó thể hiện tính nhân văn ở sự sẻ chia giữa người mạnh khỏe và người hay ốm đau, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em và người cao tuổi. Những lợi ích của BHYT mang lại cho người tham gia là điều dễ nhận thấy. Do đó BHXH tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng phát triển mở rộng người tham gia BHYT để ngày càng có nhiều người dân được thụ hưởng chính sách ưu việt này, hướng đến mục đích nhân văn cao cả “BHYT toàn dân - chung tay vì sức khỏe cộng đồng”.

CHÍ BẢO - QUỲNH ANH