Luật BHYT số 25/2008/QH12 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 14/11/2008. Sau 15 năm triển khai thi hành, Luật đã thực sự đi vào cuộc sống. Đến nay, toàn quốc đã có hơn 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia BHYT, khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của chính sách BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh đã được nêu rõ trong Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Luật về các nội dung: Đối tượng tham gia; phạm vi được hưởng; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT; giám định BHYT; quản lý, sử dụng quỹ BHYT…
Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy còn nhiều bất cập trong quy định của luật hiện hành liên quan đến trách nhiệm các bên liên quan thực hiện chính sách BHYT; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT; chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp, vướng mắc về BHYT, các chế tài còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ và hiệu lực thực thi pháp luật; một số khái niệm và thuật ngữ chưa có hoặc chưa rõ nghĩa trong Luật BHYT…
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thăm hỏi bệnh nhân, nắm bắt tình hình KCB BHYT tại cơ sở y tế. |
Vì vậy, với vai trò là cơ quan trực tiếp thực hiện chính sách BHYT, tiếp xúc với người dân, nắm bắt tình hình thực tế, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động phát hiện những khó khăn, vướng mắc, đồng thời nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia, thụ hưởng chính sách được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của người dân.
Những đóng góp cụ thể của BHXH Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật BHYT sửa đổi gồm:
Chủ động, tích cực tham gia xây dựng dự thảo Luật: BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Nhiều ý kiến đóng góp của BHXH Việt Nam xuất phát từ thực tiễn triển khai, đã được Bộ Y tế tiếp thu, đưa vào dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đề xuất mở rộng diện bao phủ BHYT: BHXH Việt Nam đề nghị rà soát, thể chế hóa việc tham gia BHYT của các nhóm đối tượng theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo kết luận số 4303/TB-TTKQH15 ngày 28/9/2024, tránh bỏ sót đối tượng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. BHXH Việt Nam đề xuất bổ sung vào dự thảo Luật các nhóm đối tượng sau: (1) Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được NSNN đóng BHYT; (2) Người dân tộc thiểu số thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được NSNN hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, thời gian hỗ trợ 3 năm; (3) Nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh; (4) Người thuộc hộ gia đình thoát nghèo; (5) Người cao tuổi từ đủ 65 tuổi trở lên đến dưới 75 tuổi được NSNN hỗ trợ đóng BHYT.
Đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT: Hướng đến việc đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người bệnh có thẻ BHYT, BHXH Việt Nam đề xuất: (1) Sửa đổi, bổ sung khái niệm, nội dung giám định BHYT; (2) Cho phép người bệnh mắc một số bệnh nặng, hiểm nghèo được điều trị trái tuyến, không cần giấy chuyển viện; (3) Thanh toán BHYT đối với các trường hợp điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi; (4) Bổ sung quy định trách nhiệm của Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế cho người bệnh có thẻ BHYT; (5) Bổ sung quy định cơ chế hoàn trả chi phí mua thuốc, vật tư y tế cho người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.
Đề xuất tăng cường trách nhiệm của Bộ Y tế trong quản lý quỹ BHYT: BHXH Việt Nam đề xuất Bộ Y tế cần: (1) Xây dựng và trình Chính phủ các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ BHYT; (2) Chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; (3) Ban hành đầy đủ, chi tiết hướng dẫn chuyên môn, các phác đồ điều trị khoa học, minh bạch, hợp lý; (4) Chỉ đạo các giải pháp tránh quá tải trong khám bệnh, chữa bệnh; (5) Ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT; liên thông kết quả cận lâm sàng; danh mục các bệnh điều trị tại các cấp chuyên môn kỹ thuật; (6) Tăng cường công tác thanh tra khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Ảnh minh hoạ |
Đề xuất duy trì quyền kiểm tra việc sử dụng quỹ BHYT của BHXH Việt Nam: BHXH Việt Nam đề nghị duy trì quyền kiểm tra việc sử dụng quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT để tăng cường kiểm soát, phòng chống lãng phí, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý quỹ BHYT.
Phân tích, chỉ ra các bất cập trong công tác thanh, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT: BHXH Việt Nam đã chỉ ra một số bất cập, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình thanh, quyết toán, nâng cao hiệu quả quản lý quỹ BHYT.
Sự tham gia chủ động, tích cực trong quá trình xây dựng Luật BHYT sửa đổi thể hiện rõ trách nhiệm, quan điểm của BHXH Việt Nam trong hoàn thiện chính sách với mục tiêu tăng cường, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia, thụ hưởng BHYT, hướng đến chăm sóc sức khỏe toàn dân. Những đóng góp thiết thực, xuất phát từ thực tiễn triển khai và am hiểu sâu sắc về chính sách BHYT của BHXH Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên một Luật BHYT sửa đổi toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, khám bệnh, chữa bệnh của người dân trong tình hình mới.
BHXH Việt Nam
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin