Điểm sáng thực hiện chính sách bảo hiểm tự nguyện ở Sóc Trăng

CHÍ BẢO - QUỲNH ANH 04:57, 17/11/2024

STO - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa sâu sắc đối với người lao động nhằm góp phần giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động cho đối tượng tham gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy loại hình BHXH tự nguyện của Nhà nước vẫn chưa thực sự thu hút đông đảo người dân tham gia. Để thực hiện, khai thác hiệu quả chính sách này, BHXH các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, dốc toàn lực để tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm, đặc biệt là chỉ tiêu về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Trong hành trình đó, BHXH thị xã Ngã Năm và BHXH huyện Châu Thành đã trở thành 2 điểm sáng trong công tác này của năm 2024.

Kỳ 2: Huyện Châu Thành - Hành trình vươn lên thành điểm sáng trong phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện
Từ một huyện đứng gần cuối bảng trong công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở tỉnh Sóc Trăng, chỉ trong thời gian ngắn, huyện Châu Thành đã vươn lên ngoạn mục, chiếm vị trí thứ hai trong toàn tỉnh. Kết quả này là minh chứng rõ nét cho sự lãnh đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), sự phối hợp đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn hệ thống chính trị.
Tạo sự thay đổi, biến những khó khăn thành bài học 
Châu Thành là huyện thuần nông, thu nhập người dân không ổn định, nhận thức về chính sách BHXH còn hạn chế. Nhiều người dân chưa hiểu rõ về lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH tự nguyện, dẫn đến tâm lý e ngại, do dự khi tiếp cận với chính sách này. Trong 9 tháng năm 2024, công tác phát triển BHXH tự nguyện tại huyện Châu Thành gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đội ngũ tuyên truyền viên tại cơ sở dù nhiệt tình, nhưng thiếu kinh nghiệm và kỹ năng thuyết phục. Phương pháp tuyên truyền chủ yếu dựa vào tài liệu và hội họp, chưa có sự đổi mới để phù hợp với đặc thù dân cư. Những hạn chế này khiến Châu Thành trở thành một trong những huyện có tỷ lệ phát triển người tham gia BHXH tự nguyện thấp nhất tỉnh. Tính đến hết tháng 9/2024, số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ vỏn vẹn ở con số 1.088 người và chỉ đạt 45,52% so với chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo phát triển người tham gia BHXH, BHYT của huyện đã quyết tâm tạo ra sự thay đổi. Ban Chỉ đạo huyện đã đưa ra những chỉ đạo chiến lược, chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, bám sát tình hình thực tiễn, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, từ các cấp ủy, chính quyền đến đoàn thể địa phương.

Đánh giá tình hình phát triển người tham gia BHXH tự nguyện tại Hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo huyện Châu Thành nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định công tác phát triển BHXH tự nguyện không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành BHXH, mà còn là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị địa phương. Do đó, Ban Chỉ đạo đã thống nhất triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực để thay đổi cục diện này. Chúng tôi sẽ trả lời bằng con số vào cuối năm”.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo huyện phát biểu tại Hội nghị sơ kết Ban Chỉ đạo.

Từ quyết tâm đến hành động cụ thể

Nói là làm, hàng loạt cuộc họp, hội nghị về phát triển BHXH tự nguyện được tổ chức từ huyện đến cơ sở, với sự tham gia của lãnh đạo các cấp, các ngành và các đoàn thể. Từng thành viên Ban Chỉ đạo, mỗi đơn vị, địa phương đều được quán triệt rõ ràng nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Ngoài ra, UBND huyện còn chỉ đạo sát sao, thường xuyên kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Mỗi ý kiến đóng góp đều được lãnh đạo UBND huyện lắng nghe, mỗi vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đều được giải đáp, chỉnh sửa và áp dụng làm sao để có giải pháp phát triển người tham gia BHXH tự nguyện một cách thiết thực, hiệu quả, đồng thời truyền tải được ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện một cách dễ hiểu đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, hiểu rõ vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên trong việc đưa chính sách BHXH tự nguyện đến gần hơn với người dân, huyện Châu Thành đã tập trung xây dựng và kiện toàn lực lượng này ngay từ cơ sở. Các cán bộ chủ chốt như Bí thư chi bộ ấp, cán bộ không chuyên trách tại xã, thị trấn… đều được chọn lựa, tập huấn kỹ càng về công tác tuyên truyền, qua đó giúp nâng cao kỹ năng thuyết phục và xử lý tình huống trong công tác vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa (áo trắng) đang tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT học sinh cho phụ huynh Tại trường THCS Thuận Hòa.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Trưởng Ban Chỉ đạo huyện Châu Thành khẳng định: “Mỗi cán bộ đều là một tuyên truyền viên, là cầu nối mang thông điệp an sinh xã hội đến từng hộ gia đình, họ không chỉ là những cán bộ mẫu mực mà còn là những người gần dân, hiểu dân nhất. Chúng tôi không chỉ mong muốn cán bộ cơ sở hiểu rõ chính sách, mà còn phải trở thành những tuyên truyền viên thực thụ, để giải thích và đồng hành cùng người dân trong việc tiếp cận chính sách BHXH, BHYT. Đội ngũ tuyên truyền viên không chỉ đóng vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, mà còn là “ngọn cờ đầu” trong việc vận động quần chúng tham gia BHXH tự nguyện”.

Sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị

Một điểm nhấn quan trọng trong thành công của huyện Châu Thành là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Từ Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phòng Giáo dục, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các hội, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên.., đến các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đều chung tay thực hiện công tác tuyên truyền chính sách BHXH. Họ tận dụng mọi cơ hội, từ các cuộc họp chi bộ, họp dân phố đến các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt đoàn thể để chuyển tải thông điệp về chính sách BHXH, BHYT, lồng ghép về quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện.

Đặc biệt huyện đã phát huy tối đa vai trò của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên trong công tác tuyên truyền. Không dừng lại ở các hội nghị hay cuộc họp sinh hoạt thường kỳ, các tổ chức này còn mang chính sách BHXH tự nguyện đến từng góc phố, từng hộ gia đình, nhất là với cộng đồng người dân tộc Khmer, thông tin được truyền tải bằng ngôn ngữ bản địa, giúp bà con dễ tiếp cận và hiểu rõ chính sách, tạo sự gần gũi và thuyết phục. Hay như những mô hình sáng tạo được các hội, đoàn thể khởi xướng và triển khai rộng rãi như mô hình: “Nuôi heo đất tích lũy tham gia BHXH tự nguyện”, “Tổ phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện”… đã thực sự làm thay đổi cách tiếp cận và nhận thức của người dân về chính sách này. Tại các buổi sinh hoạt, từng thành viên cùng nhau tiết kiệm mỗi ngày một khoản nhỏ để dành cho việc tham gia BHXH tự nguyện, qua đó lan tỏa thông điệp “Tiết kiệm nhỏ, an tâm lớn”. Đây không chỉ là cách làm thiết thực mà còn là hình ảnh gắn liền với tinh thần sẻ chia và hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn trong cộng đồng, để mỗi người dân đều có thể tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện.

Ra mắt mô hình “Hội viên nông dân nuôi heo đất tích lũy tham gia BHXH tự nguyện” tại xã Hồ Đắc Kiện.

Những buổi trò chuyện thân tình tại nhà, trong các cuộc họp dân cư hay nhóm sinh hoạt cộng đồng đã giúp chủ trương của Đảng và Nhà nước thấm sâu vào từng người dân. Chị Đỗ Thúy Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồ Đắc Kiện luôn mang theo cuốn sổ nhỏ ghi lại những câu hỏi của bà con về chính sách BHXH, BHYT để phản hồi về BHXH huyện, nhằm giải đáp kịp thời những thắc mắc của bà con. Chị chia sẻ: “Nhiều người dân ban đầu còn dè dặt, chưa hiểu chính sách. Nhưng khi mình giải thích thấu đáo, họ bắt đầu đồng cảm và tin tưởng hơn. Tôi thường lồng ghép câu chuyện thực tế vào các buổi nói chuyện, để mọi người thấy được giá trị lâu dài của việc tham gia BHXH tự nguyện”.

Song song với phương pháp tuyên truyền, tư vấn truyền thống, huyện Châu Thành đã áp dụng những công cụ hiện đại như sử dụng file trình chiếu, phát các video clip với hình ảnh minh họa sống động, gần gũi. Những tài liệu đa phương tiện này không chỉ giúp thông tin về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trở nên dễ hiểu, hấp dẫn mà còn tạo sự hứng thú cho người tham dự. Đây là cách làm sáng tạo, góp phần giúp các tuyên truyền viên có thêm công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc giải thích, tư vấn trực tiếp đến từng người dân.

Ông Quách Thanh Tùng - Giám đốc BHXH huyện Châu Thành, chia sẻ: “Chúng tôi đã không ngừng tìm kiếm các cách làm mới để chính sách BHXH tự nguyện đến gần hơn với người dân. Vai trò hỗ trợ từ chính quyền và các đoàn thể địa phương là rất quan trọng, giúp công tác tuyên truyền đạt hiệu quả thiết thực. Thành công này là minh chứng rõ ràng cho tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị”.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ đã mang lại “trái ngọt” cho Châu Thành. Theo số liệu cập nhật đến ngày 28/11/2024, huyện đã đạt 102,30% kế hoạch về BHXH tự nguyện, với 2.445 người tham gia, vượt 50 người so với chỉ tiêu được giao, tăng 1.245 người so với tháng 10/2024. Con số này không chỉ thể hiện sự tăng trưởng mà còn khẳng định niềm tin ngày càng cao của người dân vào chính sách BHXH tự nguyện, là thành quả minh chứng cho sự đoàn kết, quyết tâm và cách làm đúng đắn của địa phương. So với các địa phương khác, thành tích này là một bước đột phá. Châu Thành là minh chứng sống động cho câu chuyện của sự nỗ lực vượt khó.

Kết quả đạt được của thị xã Ngã Năm và huyện Châu Thành là những con số biết nói, khẳng định sự nỗ lực cũng như cách làm, cách đi đúng hướng, và là cơ sở để các đơn vị tiếp tục phấn đấu đạt thành tích cao hơn trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới. Kết quả này cũng khẳng định sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, với sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể đã thật sự mang lại niềm tin cho nhân dân, từ đó đã có nhiều hơn những người dân được thụ hưởng chính sách đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước ta và có được chỗ dựa vững chắc khi về già.

CHÍ BẢO - QUỲNH ANH