10 kết quả nổi bật của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2024

CTV 23:51, 10/01/2025

STO - Năm 2024, trong bối cảnh cả nước tiếp tục nỗ lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số mạnh mẽ để phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam luôn chủ động, bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).

Với phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiệu quả, đổi mới, phát triển, lập thành tích xuất sắc hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập BHXH Việt Nam (16/2/1995 - 16/2/2025)", cùng quyết tâm “nói đi đôi với làm”, “chỉ bàn làm chứ không bàn lùi”, trong năm 2024, toàn ngành đã quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, có giải pháp kịp thời, phù hợp và đạt được những kết quả toàn diện, tạo dấu ấn rõ nét ở tất cả các lĩnh vực công tác. Qua đó, đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội (ASXH) của đất nước, tiếp tục củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào chính sách BHXH, BHYT nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta.

Bước sang năm mới 2025, chúng ta cùng điểm lại 10 kết quả nổi bật trong năm 2024 của ngành BHXH Việt Nam.

1. BHXH Việt Nam chủ động tham mưu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Luật BHYT và nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp, các ngành

Là cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam luôn chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật BHXH, Luật BHYT. Hầu hết các ý kiến tham gia của BHXH Việt Nam đều được tiếp thu, hoàn thiện nhất là các ý kiến liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia và thụ hưởng chính sách. Với nhiều nội dung cải cách, tiến bộ, Luật BHXH, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đã chính thức được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Quốc hội khóa XV, đạt tỷ lệ đồng thuận rất cao.

Luật BHXH số 41/2024/QH15 ban hành ngày 29/6/2024 gồm 11 chương, 141 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. So với Luật BHXH 2014, Luật BHXH số 41/2024/QH15 có nhiều thay đổi hướng tới các mục tiêu lớn như: mở rộng đối tượng tham gia; gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách để thu hút người lao động (NLĐ) tham gia BHXH; tăng cường chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH...

Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 có nhiều điểm mới quan trọng giúp gia tăng quyền lợi và đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho người tham gia BHYT như: một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... người bệnh không cần phải chuyển cấp theo quy định mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng; mở rộng một số phạm vi quyền lợi cho người có thẻ BHYT, trong đó có điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi…

Có thể nói, năm 2024 là năm có nhiều đột phá về hoàn thiện thể chế xây dựng hệ thống ASXH nước ta ngày càng tiến bộ nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT và khắc phục những bất cập, vướng mắc của quy định hiện hành.

2. Hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, toàn diện từ Trung ương đến cơ sở, thôn, bản

Xác định sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương là yếu tố then chốt, quyết định hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, trong năm 2024, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi bí thư các tỉnh, thành phố đề nghị tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố bám sát, chủ động tham mưu và tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Đến nay, 100% các xã tại 63 tỉnh, thành đã thành lập ban chỉ đạo; 62/63 tỉnh, thành đã đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; 23/63 tỉnh, thành trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện; 63/63 tỉnh, thành trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT.

Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương từ cấp tỉnh tới cấp xã, đến từng thôn, bản cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân theo tinh thần các nghị quyết của Đảng.

3. Nỗ lực, kiên trì mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN; tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn ngành

Ước đến ngày 31/12/2024, số người tham gia BHXH đạt khoảng 20,11 triệu người, tăng 9,2% so với năm 2023, đạt tỷ lệ 42,71% so với lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi. Trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện do ngành BHXH Việt Nam tập trung kiên trì, liên tục tuyên truyền, vận động khoảng 2,292 triệu người, đạt khoảng 4,8% LLLĐ trong độ tuổi (tăng gấp 10,2 lần so với năm 2017, trước khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW). Số người tham gia BHYT là 95,523 triệu người, tăng 2% so với năm 2023, đạt tỷ lệ 94,2% dân số tham gia BHYT. Số người tham gia BHTN khoảng 16,093 triệu người, tăng 8,8% so với năm 2023, đạt khoảng 34,18% LLLĐ trong độ tuổi.

Với những kết quả nêu trên, ngành BHXH Việt Nam đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu phát triển về BHXH, BHYT, BHTN được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tạo nền tảng vững chắc để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Thành quả đó tiếp tục là sự ghi nhận cho tinh thần đoàn kết, nỗ lực, kiên trì, bền bỉ của toàn ngành BHXH Việt Nam nói chung và sự đóng góp của từng công chức, viên chức (CCVC), NLĐ trong ngành nói riêng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo ASXH được Đảng và nhân dân giao phó.

4. Quyền lợi của người thụ hưởng chính sách luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời với tinh thần phục vụ nhanh nhất, cải cách nhất

Thực hiện Nghị định số 75/2024/NĐ-CP của Chính phủ, với tinh thần khẩn trương, toàn ngành BHXH Việt Nam đã ưu tiên tập trung nguồn lực, chi trả đầy đủ, kịp thời lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng theo mức hưởng mới tới người hưởng ngay từ ngày đầu nghị định có hiệu lực (ngày 1/7/2024). Đặc biệt, trong bối cảnh thiên tai, mưa lũ do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra ở nhiều địa phương, toàn ngành luôn bám sát tình hình thực tế để triển khai từ sớm, từ xa các giải pháp ứng phó linh hoạt, tuyệt đối không để gián đoạn việc thụ hưởng quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN của người tham gia.

Ước trong năm 2024, tổng số chi các chế độ BHXH, BHTN khoảng 350.155 tỷ đồng. Toàn ngành quản lý và chi trả ước hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 8,54 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết hơn 923 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN)… đảm bảo chi trả chính xác và nhanh chóng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chính đáng của người hưởng.

Xác định công tác phục vụ người hưởng luôn là nhiệm vụ trọng tâm, ngành BHXH Việt Nam không ngừng cải cách hành chính, chuyển đổi số mạnh mẽ, tạo ra nhiều dịch vụ, tiện ích mang lại lợi ích thiết thực cho người tham gia, thụ hưởng chính sách như: tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp ứng dụng VssID - BHXH số; cắt giảm từ 115 TTHC còn 25 TTHC (giảm 78%); đẩy mạnh giao dịch điện tử (người dân, doanh nghiệp (DN) có thể giao dịch với cơ quan BHXH 24/7); triển khai các dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình và chi trả chế độ qua tài khoản cá nhân đảm bảo nhanh chóng, an toàn, công khai, minh bạch…

Sự chủ động, kịp thời với tinh thần làm việc chu đáo, chuyên nghiệp, thân thiện của ngành BHXH Việt Nam trong việc giải quyết, chi trả chế độ cho người hưởng đảm bảo đầy đủ, nhanh chóng, đúng đối tượng, đúng quy định “bất kể trong mọi tình huống” đã được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

5. Quản lý hiệu quả, tối ưu sử dụng quỹ BHYT; chi đúng, chi đủ, kịp thời các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân

Năm 2024, BHXH Việt Nam tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách BHYT và tối ưu chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Trong đó, ngành đã tổ chức hội nghị hằng tuần tới BHXH cấp tỉnh và BHXH cấp huyện trên toàn quốc, nâng cao trách nhiệm của giám đốc BHXH tỉnh và CCVC, NLĐ làm công tác giám định BHYT. Tại địa phương, BHXH các tỉnh cũng thường xuyên làm việc, trao đổi để truyền tải đến đội ngũ lãnh đạo, các y, bác sĩ thuộc các cơ sở KCB thực hiện tốt mục tiêu chung vừa tối ưu hóa hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, vừa đảm bảo chi đúng, chi đủ, kịp thời các hoạt động KCB, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Ước năm 2024, cả nước có 186,2 triệu lượt người KCB BHYT nội trú và ngoại trú (tăng hơn 12,2 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2023); với số tiền đề nghị thanh toán là 142.985 tỷ đồng (tăng 18.685 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023). Cùng với đó, ngành BHXH Việt Nam đã kịp thời phát hiện và phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sự hài lòng của người dân.

6. BHXH Việt Nam tiếp tục đạt nhiều dấu ấn về chuyển đổi số và chỉ số phục vụ người dân, DN thực hiện TTHC, DVC

Là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL) về bảo hiểm, kết nối và chia sẻ với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác và có lợi thế về hệ thống CSDL lớn, tập trung, thường xuyên được làm giàu, hiện BHXH Việt Nam đã xác thực 89,6 triệu người, chiếm 99% số người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN với CSDL quốc gia về dân cư (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội).

Với quan điểm xuyên suốt “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo của sự phục vụ”, BHXH Việt Nam luôn ưu tiên, thực hiện quyết liệt các giải pháp để đơn giản hóa các TTHC tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ thiết thực, tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng chính sách. BHXH Việt Nam là 1 trong 7 cơ quan hoàn thành 100% phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. 100% quy trình nghiệp vụ của BHXH Việt Nam được xử lý trên môi trường điện tử, các kết quả giải quyết TTHC được số hóa toàn diện. Theo thống kê, hiện có khoảng 621.000 tổ chức, DN giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, hơn 13,1 triệu hồ sơ giao dịch điện tử được BHXH Việt Nam tiếp nhận và xử lý trong năm 2024; 100% cơ sở KCB BHYT triển khai KCB BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip, với hơn 163,98 triệu lượt người sử dụng CCCD thay thẻ BHYT để làm thủ tục KCB BHYT. Ứng dụng VssID - BHXH số đã thu hút trên 37 triệu người dùng và nhận được nhiều phản hồi tích cực, đánh giá cao từ phía người dân.

Đặc biệt, thực hiện Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ, công tác thanh toán không dùng tiền mặt được ngành triển khai quyết liệt và có sự chuyển biến mạnh mẽ. Đến nay, BHXH Việt Nam đã chi trả cho gần 100% người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức và TCTN thông qua tài khoản ngân hàng. Ước hết năm 2024 có khoảng 80% số người hưởng tại khu vực đô thị nhận các chế độ BHXH, TCTN qua tài khoản cá nhân.

Với những kết quả đạt được, BHXH Việt Nam xếp thứ 3 trong nhóm các bộ, ngành về chỉ số phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC, cung ứng DVC trên Cổng DVC quốc gia năm 2024.

7. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật về tài chính, quản lý đầu tư quỹ an toàn, bền vững, hiệu quả, đúng quy định

Quỹ BHXH, BHYT là quỹ an sinh lớn nhất ngoài ngân sách nhà nước được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, bền vững, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý BHXH và các cấp, các ngành. Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 1/3/2024, Thanh tra BHXH Việt Nam đã chính thức ra mắt. Qua đó, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, đảm bảo quản lý, sử dụng các quỹ và chi trả chế độ, quyền lợi cho người hưởng đúng quy định. Phát huy vai trò quan trọng của cơ quan Thanh tra BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2024, toàn ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 20.432 đơn vị; qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, yêu cầu truy thu tiền đóng đối với hơn 54.000 lao động chưa tham gia, đóng thiếu thời gian, thiếu mức đóng với số tiền khoảng 227,4 tỷ đồng.

Bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi người tham gia, quỹ BHXH, BHYT còn là nguồn tài chính quan trọng của quốc gia. Với tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (trong năm 2024 dự kiến đạt 80%), giúp Chính phủ điều hành vĩ mô, huy động nguồn vốn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Có thể nói, công tác quản lý tài chính, quản lý đầu tư quỹ đã được thực hiện chặt chẽ, minh bạch, đúng quy định gắn liền với tăng cường quản lý rủi ro, kiểm soát chi, chống gian lận, trục lợi quỹ… đảm bảo chi đúng, chi đủ chế độ cho người thụ hưởng. Nhờ đó người dân, NLĐ ngày càng yên tâm, tin tưởng chính sách BHXH, BHYT và công tác tổ chức, thực hiện của ngành BHXH Việt Nam.

8. Nâng cao vị thế, uy tín quốc tế trong tiến trình hội nhập ASXH thế giới

Hiện nay, BHXH Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác song phương với gần 50 cơ quan, tổ chức ASXH quốc tế từ 25 quốc gia trên thế giới và đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, các chương trình, kế hoạch hợp tác. Đáng chú ý, ngày 23/1/2024, BHXH Việt Nam và Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc đã ký kết Thỏa thuận thực hiện liên quan đến đối tượng BHXH nhằm triển khai thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc về BHXH, qua đó đảm bảo quyền lợi BHXH cho NLĐ trong nước và nước ngoài.

Trong hợp tác đa phương, BHXH Việt Nam là đối tác phối hợp chặt chẽ với các tổ chức như: Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… BHXH Việt Nam cũng phối hợp tổ chức nhiều hội nghị quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á… phục vụ việc tham gia xây dựng, sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT…

Với những thành tựu và nỗ lực không ngừng trong năm 2024, BHXH Việt Nam đã vinh dự nhận được Giải Thành tựu của Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA) đối với nội dung “Thẻ căn cước công dân gắn chip và bản điện tử thẻ BHYT trên các ứng dụng thay thế thẻ BHYT giấy”; “Áp dụng chuyển đổi số trong cải cách TTHC nhằm nâng cao chất lượng cung cấp DVC cho người dân và DN” và Giải thưởng Đổi mới của ASSA đối với nội dung "Hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra ngành BHXH Việt Nam về việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT”.

Với những bước tiến vượt bậc trong công tác hợp tác quốc tế, BHXH Việt Nam đã và đang ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị thế, hình ảnh là bạn, đối tác tin cậy và trách nhiệm của cộng đồng ASXH thế giới.

9. Công tác hỗ trợ, giải đáp, tư vấn và truyền thông chính sách tiếp tục đạt hiệu quả, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội

Trong năm 2024, công tác tư vấn, giải đáp, hỗ trợ, chăm sóc khách hàng được toàn ngành đặc biệt quan tâm đẩy mạnh, góp phần xây dựng hình ảnh ngành BHXH Việt Nam phục vụ người dân tận tâm, chuyên nghiệp và hiệu quả. Công tác truyền thông được triển khai với nhiều hoạt động đa dạng và thiết thực, bắt kịp xu hướng hiện đại; kết hợp linh hoạt giữa truyền thông trực tiếp (thông qua hội thảo, hội nghị tư vấn, đối thoại) và truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội; xây dựng và triển khai các kịch bản truyền thông phù hợp với từng chủ thể, vùng miền và tình hình thực tế…

Năm 2024, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đăng tải gần 32.000 nghìn tin, bài, phóng sự…; thực hiện khoảng 27.000 hội nghị, tập huấn, tư vấn, đối thoại với trên 1,38 triệu lượt người tham gia... Đặc biệt, Cổng TTĐT của BHXH Việt Nam đến nay đã thu hút hơn 110 triệu lượt truy cập (tăng gấp 4 lần so với năm 2023) và là một trong những Cổng TTĐT có lượng người đọc, người xem lớn nhất trong khối các bộ, ngành. Ngoài ra, Fanpage, Zalo, Youtube BHXH Việt Nam đã và đang phát huy hiệu quả, đổi mới truyền thông chính sách BHXH, BHYT tới đông đảo quần chúng nhân dân.

Có thể nói, các hoạt động tư vấn, giải đáp, truyền thông đã góp phần lan tỏa chính sách BHXH, BHYT, BHTN, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách. Trong năm 2024, số người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT tăng; số người hưởng TCTN giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, đã không chỉ phản ánh nền kinh tế - xã hội nước ta tăng trưởng mà còn thể hiện sự hiệu quả trong công tác truyền thông chính sách của ngành BHXH Việt Nam và khẳng định người dân, DN ngày càng yên tâm, tin tưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là Luật BHXH sửa đổi, Luật BHYT sửa đổi vừa được Quốc hội ban hành.

10. Tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, bộ máy tổ chức, biên chế của ngành tiếp tục được tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần của các nghị quyết của Đảng; kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành được giữ vững; phân công công việc đảm bảo 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả); trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu ngày càng được nâng cao; chất lượng cán bộ ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng lớn.

Trong khí thế cả nước nỗ lực cải cách, hoàn thiện thể chế, toàn thể CCVC và NLĐ ngành BHXH Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng lòng với quyết tâm chính trị cao, quyết liệt triển khai các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ; thống nhất xác định việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành hướng tới mục tiêu Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn…”. Đồng thời, chủ động rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong từng cơ quan, đơn vị, chuẩn bị nhân sự, rà soát hoạt động, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vững tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT còn gặp phải một số khó khăn như: việc vận động, khuyến khích người cao tuổi, mức hưởng không cao nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; tình trạng lạm dụng và trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN vẫn diễn ra ở một số địa phương dưới nhiều hình thức phức tạp…

Mặc dù triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn là thuận lợi, nhưng toàn ngành BHXH Việt Nam đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao là nhờ: 1- Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. 2- Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện; bám sát thực tiễn, kịp thời có phương án, giải pháp “từ sớm, từ xa”; 3- Phát huy vai trò của công tác thông tin, truyền thông song hành với triển khai các công tác chuyên môn; 4- Tập trung nguồn lực, cải cách TTHC, ứng dụng CNTT và cải tiến quy trình; 5- Đảm bảo hài hòa giữa giải quyết, chi trả đầy đủ và kịp thời các chế độ cho người dân với kiểm soát, quản lý quỹ chặt chẽ, hiệu quả; 6- Giữ vững kỷ luật và kỷ cương hành chính, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền, phân công theo nguyên tắc 5 rõ "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả".

ĐOÀN KẾT, QUYẾT TÂM HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ NĂM 2025

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt, là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ XI; thực hiện cải cách, tinh gọn bộ máy hành chính và nỗ lực, thi đua lập thành tích xuất sắc kỷ niệm 30 năm ngày thành lập BHXH Việt Nam, toàn ngành sẽ tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Chủ động triển khai các giải pháp, kịch bản điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế; rà soát, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, phản ứng chính sách BHXH, BHYT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông; tăng cường các giải pháp phát triển người tham gia, đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng; đẩy mạnh TTKT, giám định BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; rà soát, cắt giảm các TTHC, ứng dụng CNTT, quyết liệt chuyển đổi số, hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Chính phủ; quản lý an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả các quỹ BHXH, BHYT; tiếp tục sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; phân công, phân nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm vi phạm, khen thưởng kịp thời… phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo ASXH, ổn định đời sống nhân dân.

BHXH Việt Nam