Tham dự hội nghị có các Phó Tổng Giám đốc: Trần Đình Liệu, Lê Hùng Sơn, Nguyễn Đức Hòa, Chu Mạnh Sinh; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, đại diện BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân. Điểm cầu BHXH các địa phương có lãnh đạo BHXH cấp tỉnh, cấp huyện, đại diện các phòng, bộ phận.
Phát biểu mở đầu, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, thời cơ thuận lợi đan xen. Trong bối cảnh ấy, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, toàn ngành BHXH Việt Nam phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ. Đến hết năm 2024, tất cả các chỉ tiêu, kế hoạch của ngành đã hoàn thành, đặc biệt là các chỉ tiêu trọng yếu đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao.
10 kết quả nổi bật
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe, thảo luận và tham luận về các kết quả nổi bật của ngành BHXH Việt Nam trong năm 2024. Theo đó, toàn ngành đã đạt được 10 kết quả nổi bật gồm:
BHXH Việt Nam chủ động tham mưu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp, các ngành: Là cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam luôn chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật BHXH, Luật BHYT. Hầu hết các ý kiến tham gia của BHXH Việt Nam đều được tiếp thu, hoàn thiện, nhất là các ý kiến liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia và thụ hưởng chính sách. Với nhiều nội dung cải cách, tiến bộ, Luật BHXH, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đã chính thức được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Quốc hội khóa XV, đạt tỷ lệ đồng thuận rất cao.
Hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, toàn diện từ Trung ương đến cơ sở, thôn bản: Đến nay, 100% các xã tại 63 tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo; 62/63 tỉnh, thành đã đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; 23/63 tỉnh, thành trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện; 63/63 tỉnh, thành trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam. |
Nỗ lực, kiên trì mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN; tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân: Tính đến ngày 31/12/2024, số người tham gia BHXH đạt khoảng 20,11 triệu người, tăng 9,2% so với năm 2023, đạt tỷ lệ 42,71% so với lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi. Trong đó: số người tham gia BHXH tự nguyện do ngành BHXH Việt Nam tập trung kiên trì, liên tục tuyên truyền, vận động khoảng 2,3 triệu người, đạt khoảng 4,9% LLLĐ trong độ tuổi (tăng gấp 10,2 lần so với năm 2017, trước khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW). Số người tham gia BHYT là 95,52 triệu người, tăng 2% so với năm 2023, đạt tỷ lệ 94,2% dân số tham gia BHYT. Số người tham gia BHTN khoảng 16,09 triệu người, tăng 8,8% so với năm 2023, đạt khoảng 34,18% LLLĐ trong độ tuổi.
Quyền lợi của người thụ hưởng chính sách luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời với tinh thần phục vụ nhanh nhất, cải cách nhất: Trong năm 2024, tổng số chi các chế độ BHXH, BHTN khoảng 351.315 tỷ đồng. Toàn ngành quản lý và chi trả gần 3,4 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; hơn 9 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết hơn 923 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN)…
Quản lý hiệu quả, tối ưu sử dụng quỹ BHYT; chi đúng, chi đủ, kịp thời các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân: Năm 2024, cả nước có 186,2 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú (tăng hơn 12,2 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2023); với số tiền đề nghị thanh toán là 142.985 tỷ đồng (tăng 21.764 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023). Cùng với đó, ngành BHXH Việt Nam đã kịp thời phát hiện và phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sự hài lòng của người dân.
Tiếp tục đạt nhiều dấu ấn về chuyển đổi số và chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp, thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công: BHXH Việt Nam đã xác thực 89,6 triệu người, chiếm 99% số người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; là 1 trong 7 cơ quan hoàn thành 100% phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; xếp thứ 3 trong nhóm các bộ, ngành về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung ứng dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2024…
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật về tài chính, quản lý đầu tư quỹ an toàn, bền vững, hiệu quả, đúng quy định: Bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi người tham gia, quỹ BHXH, BHYT còn là nguồn tài chính quan trọng của quốc gia. Với tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (trong năm 2024 dự kiến đạt 80%), giúp Chính phủ điều hành vĩ mô, huy động nguồn vốn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nâng cao vị thế, uy tín quốc tế trong tiến trình hội nhập ASXH thế giới: Hiện nay, BHXH Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác song phương với gần 50 cơ quan, tổ chức ASXH quốc tế từ 25 quốc gia trên thế giới và đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, các chương trình, kế hoạch hợp tác.
Công tác hỗ trợ, giải đáp, tư vấn và truyền thông chính sách tiếp tục đạt hiệu quả, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội: Năm 2024, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đăng tải gần 32.000 nghìn tin, bài, phóng sự…; thực hiện khoảng 27.000 hội nghị, tập huấn, tư vấn, đối thoại với trên 1,38 triệu lượt người tham gia...
Tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, bộ máy tổ chức, biên chế của ngành tiếp tục được tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần của các nghị quyết của Đảng; kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành được giữ vững; phân công công việc đảm bảo 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả); trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu ngày càng được nâng cao; chất lượng cán bộ ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng lớn.
Phương hướng, nhiệm vụ năm 2025
Qua nghe các ý kiến tham luận, phát biểu của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và BHXH các địa phương, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, năm 2024, mặc dù triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn là thuận lợi, nhưng toàn ngành BHXH Việt Nam đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao là nhờ: toàn ngành luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện; bám sát thực tiễn, kịp thời có phương án, giải pháp “từ sớm, từ xa”; phát huy vai trò của công tác thông tin, truyền thông song hành với triển khai các công tác chuyên môn; tập trung nguồn lực, cải cách TTHC, ứng dụng CNTT và cải tiến quy trình; đảm bảo hài hòa giữa giải quyết, chi trả đầy đủ và kịp thời các chế độ cho người dân với kiểm soát, quản lý quỹ chặt chẽ, hiệu quả; giữ vững kỷ luật và kỷ cương hành chính, tài chính; thực hiện hiệu quả việc phân cấp, phân quyền.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị. |
Nhận định năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt, là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ XI; thực hiện cải cách, tinh gọn bộ máy hành chính và nỗ lực thi đua lập thành tích xuất sắc kỷ niệm 30 năm ngày thành lập BHXH Việt Nam, hoàn thành các mục tiêu phát triển BHXH, BHYT theo các nghị quyết của Đảng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, toàn ngành tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
(1) Bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các mục tiêu, kế hoạch trong Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 38/QĐ-TTg, ngày 11/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
(2) Chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho phù hợp.
(3) Đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng địa phương; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên các ứng dụng Internet.
(4) BHXH các tỉnh, thành phố quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN; tăng cường công tác TTKT; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
(5) Tăng cường công tác kiểm soát rủi ro; khai thác, phát huy tối đa hiệu quả CNTT, CSDL của ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ.
(6) Quản lý cơ chế tài chính các quỹ đảm bảo đúng quy định, an toàn, bền vững, hiệu quả, tối ưu hóa phương án đầu tư; đảm bảo tiền sinh lời của hoạt động đầu tư hoàn thành kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao.
(7) Tăng cường công tác giám định BHYT chặt chẽ, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
(8) Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC; mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT; CSDL Quốc gia về bảo hiểm;...
(9) Quán triệt sâu sắc nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Ban chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cấp; tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu; tiếp tục tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, hành chính; thực hiện nghiêm quy trình, quy chế của ngành; phân công, phân nhiệm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả” đi đôi với kiểm tra, giám sát; khen thưởng kịp thời; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm (nếu có); tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giữa cấp trên với cấp dưới và kiểm tra, đối soát chéo giữa các bộ phận, phần việc; rà soát cán bộ để phân công, bố trí công việc phù hợp, đặc biệt chú ý đối với các vị trí công việc nhạy cảm, có nguy cơ rủi ro.
BHXH Việt Nam
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin