Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bích Liên
Sáng 26/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Thành tựu khoa học mới trở thành nhân tố trực tiếp phát triển bền vững kinh tế biển
Theo Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn, biển, đảo là không gian sinh tồn, gắn bó mật thiết từ bao đời nay với mỗi người dân ở vùng ven biển và trên các đảo, hải đảo của Việt Nam cả trong đời sống văn hóa, hoạt động sản xuất và các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, vùng biển rộng lớn đứng thứ 27 trong 157 quốc gia ven biển và các quốc đảo, vùng biển Việt Nam có diện tích gấp ba lần diện tích đất liền, chiếm khoảng 30% diện tích Biển Đông.
Vùng biển nước ta có nhiều hệ sinh thái có mức độ đa dạng sinh học cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, bao gồm hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, đất ngập nước,... cùng với đó là các loài cá biển, chim biển, thú biển và bò sát với nhiều loài có giá trị kinh tế cao, nhiều loài quý hiếm. Khoáng sản biển phong phú về chủng loại, đặc biệt là dầu khí, băng cháy, sắt, titan, cát thủy tinh và các loại sa khoáng khác.
Nhận thức rõ được vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự phát triển, sự thịnh vượng của đất nước, từ năm 2007, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua chủ trương phát triển kinh tế biển và ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Bích Liên
Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo cũng cho biết, về kinh tế, Việt Nam được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ 29 thế giới vào năm 2030 và sẽ vươn lên vị trí thứ 20 vào năm 2050. Tăng trưởng của cả nước dự tính khoảng 6,5-7,0% trong thời kỳ 2021-2030; trong đó, 28 tỉnh, thành phố ven biển đóng góp khoảng 65-70% vào tổng GDP cả nước. Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp, chống chịu cao gắn với giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050, với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học được Đảng, Nhà nước quan tâm, doanh nghiệp và người dân ủng hộ. Do đó, việc phân bổ, quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững không gian biển phải theo các xu hướng này, đáp ứng yêu cầu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
“Trước các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, vị trí địa lý của biển, đảo, thực trạng, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển và các vấn đề tài nguyên, môi trường biển, cần thiết phải có sự chung tay quản lý từ trung ương đến địa phương”, Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn cho biết.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng, bên cạnh những những kết quả đạt được trong công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển và đảo, chúng đang đối mặt với hàng loạt các vấn đề phải quan tâm giải quyết, như: Suy thoái cảnh quan, hệ sinh thái biển và ven biển; tình hình ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường biển biển ven bờ có dấu hiệu gia tăng; gia tăng các tác động tiêu cực do thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các hiện tượng khí hậu cực đoan…
Để giải quyết các vấn đề về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo, với tư duy quản lý mang tính đột phá, thay đổi phương thức quản lý chuyển từ bị động sang chủ động, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn đề nghị các đơn vị tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo làm cơ sở cho các tỉnh triển khai thực hiện; tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế biển; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch. Đồng thời, phối hợp trong các hoạt động đánh giá hiện trạng môi trường; phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.
Kiểm soát thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhựa ven biển
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nhấn mạnh: Hội nghị đánh giá công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo là dịp để Bộ TN&MT làm việc với các địa phương có biển về kết quả thực hiện công tác quả lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo cũng như thảo luận cơ chế phối hợp giữa Cục Biển và Hải đảo Việt Nam với các Sở TN&MT của 28 địa phương có biển nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả về quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh, trước các lợi thế, tiềm năng về tài nguyên, vị trí địa lý của biển, đảo, thực trạng nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển và các vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, cần thiết phải có sự chung tay quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường của 28 tỉnh, thành phố có biển trao đổi, thảo luận về giải pháp triển khai hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên biển đảo; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; quản lý rác thải nhựa đại dương; nâng cao số lượng các-bon thông qua bảo tồn, quản lý bền vững tài nguyên, hệ sinh thái biển và hải đảo.
Các địa phương cần giải quyết các chồng lấn để bố trí, sắp xếp khoanh vùng định hướng phát triển các vùng dựa trên lợi thế với điều kiện tự nhiên địa phương, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển; tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn của cả nước; quan tâm, thúc đẩy đầu tư khai thác năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng khác...
Thứ trưởng cũng đề nghị chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các đảo; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường trên biển, vùng biển ven bờ; đặc biệt là hoạt động nhận chìm, xả nước thải vào môi trường biển… giám sát chặt các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, hoạt động thương mại, dịch vụ dọc theo bờ biển, trên các đảo. Mặt khác, đầu tư, xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá phạm vi, mức độ tác động của các nguồn gây ô nhiễm biển từ đất liền, nhất là từ các lưu vực sông. Tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các đối tượng vi phạm về khai thác tài nguyên, môi trường biển.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về ý thức khai thác bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân…
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo tại Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng như tại các địa phương điển hình; trao đổi, thảo luận về cơ chế phối hợp giữa Cục Biển và Hải đảo Việt Nam với các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố có biển nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao./.
Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin