Cụm Công nghiệp Xây Đá B được thành lập năm 2017 (Quyết định số 1499/QĐ-UBND, ngày 26/6/2017) có diện tích 53,9ha. Năm 2019 được UBND tỉnh giao DinTsun Holding Co.,Ltd (Đài Loan, Trung Quốc) làm chủ đầu tư. Đến nay, chủ đầu tư đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt khoảng 70% khối lượng. Dự kiến đến cuối tháng 8/2024 sẽ đi vào hoạt động.
Đoàn khảo sát tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng tại Cụm Công nghiệp Xây Đá B. Ảnh: HOÀNG LAN
Cụm Công nghiệp Xây Đá B mới được thành lập năm 2022 (Quyết định số 1024/QĐ-UBND, ngày 19/4/2022) với diện tích 50ha do Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng cầu đường Nam Định làm chủ đầu tư. Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; UBND huyện Châu Thành đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp, tỷ lệ 1/500. Vừa qua, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Hiện địa phương đang tiến hành thủ tục thu hồi đất, giao đất cho chủ đầu tư. Dự án ảnh hưởng khoảng 77 hộ dân.
Khảo sát thực tế tại Cụm Công nghiệp Xây Đá B, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của nhà đầu tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Qua đó, đồng chí đề nghị nhà đầu tư tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và xúc tiến xây dựng kế hoạch để các nhà đầu tư thứ cấp sớm đi vào hoạt động. Đối với Cụm Công nghiệp Xây Đá B mới, đồng chí đề nghị địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, sớm giao đất cho chủ đầu tư, đảm bảo quy trình, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.
* Chiều cùng ngày, đoàn khảo sát có buổi làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Quang cảnh buổi làm việc tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG LAN
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Lý Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, toàn tỉnh có 10 khu công nghiệp với diện tích 4.334ha và nghiên cứu thành lập khu kinh tế ven biển Trần Đề với quy mô 40.000ha. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 2 khu công nghiệp (Khu Công nghiệp An Nghiệp hoạt động từ năm 2006 và Khu Công nghiệp Trần Đề đang xây dựng hệ thống hạ tầng). Các khu công nghiệp còn lại đang triển khai lập quy hoạch xây dựng, công bố, kêu gọi đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Kết quả này chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Qua đó, đồng chí nêu lên một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển khu công nghiệp tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ liên quan đến việc đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho hoạt động sản xuất của Khu Công nghiệp An Nghiệp; trình phê duyệt tổng quyết toán dự án đầu tư Khu Công nghiệp An Nghiệp; thu hút và hỗ trợ các nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất đầu tư vào các dự án hạ tầng khu công nghiệp…
Tại buổi làm việc, các đại biểu trao đổi, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm thực hiện thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, thời gian qua lĩnh vực công nghiệp phát triển chậm, dẫn đến chỉ số công nghiệp đạt giá trị thấp so với các lĩnh vực khác, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới, đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp yêu cầu, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các sở, ngành nêu cao tinh thần, cộng đồng trách nhiệm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, phấn đấu đến tháng 6/2025 tỉnh phải hoàn thành quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, trong đó nhiều khu, cụm phải có nhà đầu tư… nhằm giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
HOÀNG LAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin