Nghiên cứu lựa chọn ứng dụng công nghệ để khai thác cát hiệu quả

18:36, 08/07/2024

STO - Chiều ngày 8/7, tại UBND tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chủ trì cuộc họp để nghe các chủ đầu tư và các nhà thầu báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát, đánh giá lại trữ lượng và kết quả khai thác mỏ cát MS05 tại 2 xã An Thạnh Nhất, An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng).

Thực hiện Hợp đồng số 2800B/2023/TVMT MS05, ngày 9/10/2023 đã ký giữa Liên hiệp Khoa học Sản xuất Địa chất Nam Bộ - Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường và Công ty Xây dựng Trường Sơn về việc "Thực hiện công tác khảo sát đánh giá trữ lượng và hồ sơ thủ tục xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản mỏ cát san lấp MS05 phục vụ cao tốc theo cơ chế đặc thù trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”, Liên hiệp Khoa học Sản xuất Địa chất Nam Bộ đã tiến hành khảo sát đánh giá lại trữ lượng, chất lượng cát san lấp tại mỏ cát MS05. Liên hiệp đã tiến hành khoan khảo sát 40 lỗ khoan phân bố đều trên diện tích 100ha và lấy các loại mẫu để phân tích, đánh giá chất lượng cát san lấp.

Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: THÚY LIỄU

Kết quả khảo sát cho thấy, tại khu mỏ có 3 thân khoáng cát san lấp, bao gồm thân khoáng 1 bùn sét kẹp các lớp cát hạt mịn, thân khoáng này phân bố không liên tục trên toàn bộ diện tích mỏ; thân khoáng 2 á sét, màu xám ghi có chứa cát không có khả năng khai thác cát san lấp, vì hàm lượng cát thấp và thân khoáng 3 á xám màu vàng, xám xanh, xám ghi chứa nhiều cát, đây là thân khoáng có triển vọng nhất mỏ, cát thu hồi thuộc loại cát mịn theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9362:2012 và hàm lượng cát thu hồi từ 64 - 68% có triển vọng khai thác để phục vụ nhu cầu sử dụng làm vật liệu san lấp.

Theo đó, sau khi được UBND tỉnh cấp phép khai thác, Tổng Công ty Trường Sơn đã tiến hành khai thác cát từ ngày 30/6/2024 và trong quá trình khai thác ghi nhận có một lượng cát nhất định, cát thu hồi được phù hợp với kết quả khảo sát. Tuy nhiên, lượng cát thu hồi được không nhiều do cát lẫn bùn, làm năng suất khai thác giảm. Tổng Công ty Trường Sơn đề xuất UBND tỉnh cho phép điều chỉnh công nghệ khai thác, để thu hồi cát trong lớp bùn hiệu quả.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Trần Văn Lâu cho rằng, do điều kiện thổ nhưỡng nên cát khai thác tại Sóc Trăng không được chất lượng như một số tỉnh khác. Do đó, các nhà đầu tư cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ khai thác cát phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh để có nguồn cát chất lượng phục vụ cho việc thực hiện dự án. Đồng thời, các nhà đầu tư phải tiếp tục tiến hành công việc khai thác cát và trong quá trình khai thác có vướng mắc báo cáo đến UBND tỉnh hỗ trợ kịp thời. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài Nguyên và Môi trường tiếp tục quan tâm hỗ trợ các thủ tục cần thiết cho các công ty, doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia khai thác cát để thực hiện dự án.

THÚY LIỄU