Đồng chí Lâm Hoàng Thanh - Phó Chánh Thanh tra tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: CẨM HƯƠNG |
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện công vụ của CBCCVC trên địa bàn tỉnh năm 2024 như thế nào?
Đồng chí Lâm Hoàng Thanh: Phó Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về thanh tra chuyên đề việc thực hiện trách nhiệm công vụ của CBCCVC trên phạm vi cả nước. Nội dung thanh tra tập trung chủ yếu ở một số ngành, lĩnh vực trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3401/QĐ-UBND, ngày 26/12/2023 về phê duyệt thanh tra chuyên đề trách nhiệm về thực hiện công vụ của CBCCVC trên địa bàn tỉnh. Ngày 26/12/2023, Chánh Thanh tra tỉnh đã ban hành Quyết định số 128/QĐ-TTr về việc thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của CBCCVC trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tiến hành thanh tra từ ngày 15/6/2021 đến ngày 30/11/2023, số lượng các cơ quan, đơn vị được thanh tra là 11 cơ quan, đơn vị, địa phương (5 sở, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và 6 UBND cấp huyện). Mục đích thanh tra là nhằm đánh giá tình hình, kết quả việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức trong việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp ở một số ngành, lĩnh vực. Qua đó, để ghi nhận những mặt đã làm được, những cách làm hay, sáng tạo để có giải pháp nhân rộng trong toàn tỉnh. Đồng thời, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh thiếu sót, hạn chế nếu có; xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan; qua đó, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ CBCCVC trong thực hiện nhiệm vụ.
Phóng viên: Vậy xin đồng chí cho biết kết quả kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của CBCCVC trên địa bàn tỉnh vừa qua?
Đồng chí Lâm Hoàng Thanh: Qua thanh tra, Thanh tra tỉnh ghi nhận, các cơ quan, đơn vị, địa phương có quan tâm ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản để chỉ đạo thực hiện các quy định về trách nhiệm công vụ của CBCCVC trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ hành chính công cho cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC được triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được một số kết quả nhất định. Việc tổ chức vận hành bộ phận một cửa và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử được thực hiện theo quy định. Việc công bố, công khai, minh bạch TTHC được thực hiện nghiêm túc. Kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công được đảm bảo; chưa phát hiện vi phạm.
Bên cạnh những mặt đạt được, tại các cơ quan, đơn vị, địa phương được thanh tra còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót. Cụ thể, tại bộ phận một cửa chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị đảm bảo theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đa số chưa có bố trí hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC. Có hồ sơ trễ hạn trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; việc thực hiện quy trình điện tử giải quyết TTHC chưa đúng với quy trình nội bộ đã được phê duyệt; thời gian tiếp nhận và hẹn trả kết quả trên giấy tiếp nhận và hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh không đúng với thời gian quy định; một số hồ sơ trễ hẹn nhưng không có phiếu xin lỗi và hẹn ngày trả kết quả.
Đối với lĩnh vực đất đai, đang tồn tại 2 hình thức giải quyết hồ sơ: vừa thực hiện hợp đồng dịch vụ; vừa tiếp nhận hồ sơ từ bộ phận một cửa. Tuy nhiên, đơn giá dịch vụ được quy định từ năm 2018 đến nay chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình hiện tại. Thêm vào đó, cùng là viên chức Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tiếp nhận và giải quyết, nhưng chất lượng giải quyết hồ sơ giấy tờ nhà, đất khi đăng ký thực hiện dịch vụ tốt hơn không thực hiện dịch vụ (nếu người dân tự lập hồ sơ thì có nhiều sai sót hơn). Bên cạnh đó, có một số trường hợp hồ sơ bị từ chối với lý do chưa rõ ràng; có trường hợp yêu cầu bổ sung hồ sơ nhưng chưa có lý do yêu cầu bổ sung cụ thể; việc triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn nhiều khó khăn. Vẫn còn tình trạng CBCCVC phải cập nhật hồ sơ TTHC trên nhiều hệ thống do chưa được kết nối, tích hợp, đồng bộ.
Phóng viên: Sau khi có kết quả thanh tra, các cơ quan, đơn vị đã chủ động khắc phục những tồn tại, thiếu sót đã nêu trong kết luận như thế nào?
Đồng chí Lâm Hoàng Thanh: Trên cơ sở các kiến nghị của kết luận thanh tra thì các cơ quan, đơn vị, địa phương được thanh tra đã nghiêm túc thực hiện theo quy định. Cụ thể, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo bộ phận một cửa và các phòng chuyên môn có liên quan phát huy hơn nữa vai trò tham mưu, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót như đã nêu tại các kết luận thanh tra. Thực hiện việc bố trí hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC tại bộ phận một cửa theo đúng quy định. Thực hiện việc giải quyết TTHC đảm bảo quy định về thời gian, trình tự, thủ tục theo đúng quyết định công bố TTHC và quyết định về việc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC của Chủ tịch UBND tỉnh. Tăng cường hơn nữa công tác theo dõi, đôn đốc CBCCVC thực hiện nghiêm các quy định về tiếp nhận, giải quyết TTHC và trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân tại bộ phận một cửa. Đồng thời, đã xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan trong tham mưu, giải quyết TTHC còn sai sót theo quy định.
Phóng viên: Theo ông, việc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm đã góp phần nâng cao hiệu quả làm việc của CBCCVC như thế nào?
Đồng chí Lâm Hoàng Thanh: Qua công tác thanh tra đã góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC trong việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đã phát hiện một số hạn chế, bất cập để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; giúp đội ngũ CBCCVC thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định.
Phóng viên: Để tiếp tục nâng cao chất lượng và trách nhiệm về thực hiện công vụ của CBCCVC trên địa bàn tỉnh, cơ quan thanh tra đã đề xuất các giải pháp nào trong thời gian tới?
Đồng chí Lâm Hoàng Thanh: Để tiếp tục nâng cao chất lượng và trách nhiệm về thực hiện công vụ của CBCCVC trên địa bàn tỉnh, Thanh tra tỉnh đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; Thông tư số 01/2018/TT-VPCP, ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Kế hoạch số 121/KH-UBND, ngày 27/8/2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Ngoài ra, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC và trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân tại bộ phận một cửa; tiếp tục thực hiện tốt việc công bố công khai, minh bạch đầy đủ TTHC theo quy định. Thực hiện giải quyết TTHC thống nhất, đồng bộ giữa thực tế với quy trình thực hiện trên hệ thống và quy trình nội bộ đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan sớm hoàn tất kết nối, liên thông đối với các TTHC thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành Trung ương với hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt công tác rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý để đơn giản hóa thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức. Thường xuyên theo dõi, khai thác, sử dụng hệ thống phản ánh, kiến nghị trên cổng dịch vụ công quốc gia và thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, chuyển xử lý, giải quyết và công khai đầy đủ, kịp thời nội dung trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các quy định hành chính, TTHC trên cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định.
Có giải pháp lâu dài xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng CBCCVC trong xử lý hồ sơ, TTHC trễ hạn. Chú trọng trong việc lựa chọn CBCCVC có năng lực, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận một cửa theo quy định Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23/4/2018 của Chính phủ. Thường xuyên rà soát, sửa đổi quy chế làm việc đảm bảo đầy đủ nội dung, rõ người, rõ việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27/12/2018, Công điện số 968/CĐ-TTg, ngày 16/10/2023 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến nội dung này.
Đối với lĩnh vực đất đai, đang tồn tại 2 hình thức giải quyết hồ sơ vừa thực hiện hợp đồng dịch vụ vừa tiếp nhận hồ sơ từ bộ phận một cửa. Tuy nhiên, đơn giá dịch vụ được quy định từ năm 2018 đến nay chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình hiện tại. Đề nghị các sở, ban ngành chức năng tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình hiện tại.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
KIM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin