Quan tâm thực hiện chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số

18:07, 31/07/2024

STO - Chiều ngày 31/7, đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2023. Các đồng chí: Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan làm việc với đoàn.

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm hơn 35% dân số tỉnh, trong đó dân tộc Khmer chiếm 30,19%; dân tộc Hoa chiếm 5,22%; còn lại 25 dân tộc khác chiếm 0,036%. Công tác thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và chính quyền các cấp quan tâm. Xem đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu dự buổi làm việc. Ảnh: HẢI HÀ

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, từ năm 2016 - 2023, số lượng công chức người dân tộc thiểu số toàn tỉnh được tuyển dụng, tiếp nhận là 55 người/455 người, chiếm 12,09%. Tính đến thời điểm 31/12/2023, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong các cơ quan nhà nước ở tỉnh chiếm 28,20%, tăng 5,50% so với năm 2016. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tuyển dụng, sắp xếp, bố trí đảm bảo tỷ lệ theo kế hoạch chung của tỉnh. Năm 2023, tỉnh đã cử 62 lượt cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số dự tuyển sau đại học. Kết quả có 52 người trúng tuyển và được cử đi học, trong đó có 1 trình độ chuyên khoa cấp II, 12 trình độ chuyên khoa cấp I và 39 trình độ thạc sĩ.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát và các đại biểu làm rõ kết quả triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2023. Đồng thời, thảo luận những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương; làm rõ các kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật và các giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả về công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.

Thành viên đoàn giám sát đóng góp ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: HẢI HÀ

Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, buổi làm việc nhằm xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với người dân tộc thiểu số, gắn chặt chẽ với các đặc thù của địa phương. Qua đó, đoàn giám sát sẽ đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan những giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật và các giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả về công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Thông qua đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của hệ thống chính trị và công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ đất nước, hội nhập quốc tế.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh trong thời gian qua, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để Hội đồng Dân tộc nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới giải pháp tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chính sách liên quan đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa và hoàn thiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với thực tế, đặc thù của địa phương nhằm khuyến khích và động viên, khích lệ, thu hút được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia công tác, phục vụ lâu dài tại địa phương.

HẢI HÀ