Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại cuộc họp của Thường trực Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội lần thứ XIV của Đảng. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau Phiên họp thứ hai (ngày 26/3/2024), Tiểu ban đã chủ động, tích cực, nỗ lực triển khai và hoàn thành nhiều nội dung công tác bảo đảm tiến độ, chất lượng, cụ thể: đã trình Hội nghị Trung ương 9 thông qua Đề cương chi tiết của Báo cáo Kinh tế-xã hội (tháng 5/2024); xây dựng Dự thảo Báo cáo Kinh tế-xã hội dựa trên các căn cứ quan trọng sau: nghiên cứu, đối chiếu, cập nhật nội dung của Dự thảo Báo cáo Chính trị theo nguyên tắc Báo cáo Chính trị là báo cáo trung tâm, Báo cáo Kinh tế-xã hội là báo cáo chuyên đề; hai Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế-Xã hội thường xuyên trao đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất, cập nhật giữa hai báo cáo; đã tổ chức các đoàn công tác của Tiểu ban khảo sát, làm việc với 4 vùng: trung du miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, Tây Nguyên;
Quang cảnh cuộc họp của Thường trực Tiểu ban Kinh tế-Xã hội. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Tiểu ban đã huy động và phân công các thành viên Tổ Biên tập tham gia nghiên cứu, đóng góp xây dựng dự thảo Báo cáo; các chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu của một số bộ, ngành về các lĩnh vực quan trọng, then chốt, bao gồm các Bộ: Tư pháp; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Công thương; Ngoại giao; Nội vụ; đã khẩn trương nghiên cứu các báo cáo, đề xuất, kiến nghị rất có giá trị từ thực tiễn của các địa phương qua các buổi làm việc tại các Vùng.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian để xây dựng, hoàn thiện dự thảo để báo cáo Bộ Chính trị trình Hội nghị Trung ương 10 không còn nhiều; trong khi vẫn còn nhiều công việc Tiểu ban cần hoàn thành như khảo sát, làm việc với 2 vùng là Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức Phiên họp thứ ba của Tiểu ban, tổ chức Hội nghị xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc.
Thủ tướng đề nghị Thường trực Tiểu ban tập trung rà soát các công việc xem còn việc gì phải làm, bổ sung, tập trung chỉ đạo kịp, đúng tiến độ, đúng quy trình. Rà soát nội dung sau khi có góp ý của Trung ương đã đầy đủ, toàn diện, khách quan, nhất là thành tựu chúng ta đạt được trong 5 năm vừa qua trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn: đại dịch Covid-19 không dự báo, hậu quả còn kéo dài, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh, xung đột ảnh hưởng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi hàng hóa, giá cả hàng hóa, nhất là năng lượng lên xuống thất thường… Chúng ta cần phân tích, dự báo, từ đó khẳng định những cái làm được trong bối cảnh thế giới khó khăn: Kinh tế-xã hội đất nước thành công, nhiều chỉ tiêu sẽ đạt và vượt. Những chỉ tiêu nào hoàn thành thì tiếp tục hoàn thành vượt mức; những chỉ tiêu khó hoàn thành thì nỗ lực hoàn thành, những chỉ tiêu khó khăn thì có giải pháp để hoàn thành. Chúng ta phải có những giải pháp thích nghi nhanh, sớm, quyết tâm thực hiện đặc biệt là kích cầu kinh tế.
Các đại biểu tham dự cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng cho rằng, đến nay, thì khả năng tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,5-7% là khả thi. Từ đó chúng ta nhấn mạnh đặc điểm của nhiệm kỳ này, nỗ lực vươn lên của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, giúp đỡ của người dân, doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ đó rút ra những cái làm được, chưa làm được, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tới.
Thủ tướng yêu cầu, trong giai đoạn tới, chúng ta phải thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 10 năm; cần phải rà soát, xem những gì cần đột phá, bổ sung thêm các quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn, các phương châm hành động, nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để hướng đến kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước, phải có đột phá, tạo dấu ấn.
Hiện nay, chúng ta đang làm tốt các khâu đột phá về thể chế, hạ tầng (nhất là hạ tầng giao thông), đột phá về nguồn nhân lực, trong đó, những mục tiêu về phát triển đường cao tốc đến năm 2025 và 2030 thì khả năng sẽ đạt được; Đường dây 500kV Quảng Trạch-Phố Nối cũng là điển hình của thi công thần tốc.
Thủ tướng đặt vấn đề trong nhiệm kỳ tới chúng ta có quyết tâm làm đường sắt tốc độ cao bắc-nam không, nhất là một số tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc hay không? Khi hoàn thành hạ tầng giao thông chiến lược sẽ tạo không gian phát triển mới, khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ mới, tạo ra giá trị mới.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải xác định các đột phá, đó là các động lực tăng trưởng cũ là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, các ngành mới nổi như điện toán đám mây, sản xuất chip, trí tuệ nhân tạo (AI); phải đề ra các cơ chế để huy động nguồn lực để thực hiện những việc này; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước.
Tin: THANH GIANG; Ảnh: TRẦN HẢI/BÁO NHÂN DÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin