Hiện tại huyện Trần Đề có 11 xã, thị trấn với 57 ấp. Số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã có bằng chuyên môn là 128 người (trình độ đại học 63 người, cao đẳng 13 người, trung cấp 52 người). Tổng kinh phí hỗ trợ hằng tháng 488.592.000 đồng/tháng.
Quang cảnh buổi làm việc tại huyện Trần Đề (Sóc Trăng) của đoàn giám sát Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: SONG LÊ |
Đối với các ấp, người hoạt động không chuyên trách ở ấp được bố trí là 171 người (3 người/ấp) gồm các chức danh: bí thư chi bộ, trưởng ban nhân dân, trưởng ban công tác mặt trận. Có 150 người công tác ở địa bàn ấp có từ 350 hộ trở lên, ấp thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tổng kinh phí hỗ trợ 450.000.000 đồng/tháng. Đối với 21 người công tác ở những ấp còn lại tổng mức kinh phí hỗ trợ là 37.800.000 đồng/tháng. Các chức danh người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp 285 người (5 người/ấp) gồm các chức danh: đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân, ấp đội trưởng. Tổng kinh phí hỗ trợ hằng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp là 256.500.000 đồng/tháng.
Lãnh đạo huyện Trần Đề đánh giá, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã từng bước được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, thực sự là lực lượng quan trọng quyết định chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách vẫn còn chưa hợp lý, chẳng hạn như người hoạt động không chuyên trách ở ấp có bằng chuyên môn đại học, cao đẳng, trung cấp lại không được hỗ trợ phụ cấp theo trình độ đào tạo. Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng các vị trí công chức và người hoạt động không chuyên trách gặp khó khăn, do chưa có văn bản hướng dẫn tuyển dụng.
Đồng chí Lâm Thanh Vĩnh ghi nhận kết quả thực hiện bố trí chức danh, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp của huyện Trần Đề. Qua hoạt động giám sát giúp HĐND tỉnh nắm rõ tình hình, kết quả triển khai, những hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện. Từ đó đề xuất những biện pháp kịp thời khắc phục vướng mắc, tồn tại, góp phần thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách.
SONG LÊ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin