Nhớ Bác ngày này, năm xưa: “Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra bệnh quan liêu”

TRỌNG NHÂN 04:59, 15/10/2024

STO - Ngày 15/10/1948, trên Báo Sự thật, số 101, với bút danh X.Y.Z, Bác viết bài “Chủ nghĩa cá nhân”. Bác khẳng định: “Nhờ ngọn lửa kháng chiến hun đúc rèn luyện mà cán bộ quân sự, chính trị, hành chính, chuyên môn đều tiến bộ nhiều và nhanh. Song vẫn còn một vài người, một vài cơ quan hãy chưa tẩy hết cái bệnh chủ nghĩa cá nhân”.

Người chỉ rõ, những người mắc bệnh qua liêu, ngày thường, thì kỷ luật kém. Khi có vấn đề nghiêm trọng, thì hoang mang. Lúc tính toán công việc, thì đặt lợi ích của cá nhân mình, của nhóm mình lên trên lợi ích chung.

Bác chỉ ra rằng, bệnh quan liêu dễ đưa đến chỗ trái kỷ luật, trái lợi ích của dân tộc.

Từ nhận diện nguyên nhân và biểu hiện của bệnh quan liêu, Bác cho rằng, muốn tẩy sạch bệnh ấy, thì cần phải nâng cao trình độ giác ngộ của mình; phải học theo cái tinh thần kiên quyết, dũng cảm, hy sinh, của nhân dân và của chiến sĩ.

Người nhấn mạnh, có những đồng bào hy sinh cả gia tài, điền sản, để giúp kháng chiến. Có những chiến sĩ tưới dầu châm lửa vào mình, để đốt đồn địch. Đó là những người anh hùng, bỏ nhà, bỏ mình vì nước. Cái tinh thần cao cả vẻ vang ấy sẽ soi sáng muôn đời, và luôn luôn làm kiểu mẫu cho mọi người noi theo.

Từ chiếc máy chữ này, Người đã soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng quan hệ đến vận mệnh của Tổ quốc. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bác cho rằng, muốn tẩy sạch bệnh ấy, thì phải: Thực hành tự phê bình và phê bình đồng sự mình. Phê bình một cách thiết thực mà thân ái. Phê bình từ cấp trên xuống và từ cấp dưới lên. Phê bình nhau và giúp nhau sửa chữa. Phải vào sâu dân chúng, vào sâu bộ đội. Hỏi ý kiến và hỏi sáng kiến của quần chúng. Gom góp kinh nghiệm của quần chúng để giải quyết các vấn đề, và trao đổi những kinh nghiệm mới cho cơ quan khác, địa phương khác.

Điều rất đặc biệt mà Người nêu trong bài viết này đó là việc khẳng định: “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Và viết: “Hồ Chủ tịch nói như thế. Quân và dân ta đều tin tưởng chắc như thế”.

Người lý giải lời khẳng định của mình bởi bốn điều kiện: Thứ nhất, đoàn kết chặt chẽ. Và cho rằng, chúng ta đã làm được một phần lớn. Nay cần phải làm cho chặt chẽ thêm sự đoàn kết giữa bộ đội với bộ đội, giữa bộ đội với dân quân, giữa quân đội với nhân dân. Nâng cao cái tinh thần cán bộ giúp đỡ chiến sĩ và nhân dân, quân đội giúp nhân dân, nhân dân giúp bộ đội. Thứ hai, có con đường chính trị đúng. Thứ ba, có con đường quân sự đúng. Giải thích cho hai điều này, Bác khẳng định, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và cương quyết của Chính phủ kháng chiến, chúng ta đã sẵn có con đường chính trị và quân sự đúng. Chúng ta chỉ cần phải sửa chữa bệnh cá nhân, bệnh quan liêu, để theo cho đúng, làm cho kịp thời. Và thứ tư là, có sự chỉ huy khôn khéo mau lẹ, về chính trị cũng như về quân sự. Điều này, Người lý giải, chúng ta có kinh nghiệm ba năm kháng chiến, hai cuộc luyện quân lập công, và phong trào Thi đua ái quốc.

Trước đoạn kết của bài viết, Người nhấn mạnh, các cán bộ chỉ huy cần phải khéo dùng những kinh nghiệm ấy, và cố gắng đẩy mạnh phong trào thi đua lên nữa. Như vậy thì sự chỉ huy càng khôn khéo mau lẹ thêm.

Bác kết thúc bài viết của mình bằng 4 câu ngắn gọn nhưng vô cùng ý nghĩa đó là: Toàn dân đoàn kết. Tướng sĩ dũng cảm. Chính trị vững chắc. Chỉ huy khôn khéo. Bốn điều ấy hợp lại, làm cho kháng chiến nhất định thắng lợi.

TRỌNG NHÂN

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

[1] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 4, trang 199.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011, tập 5, trang 624, 625 và 626.