Chấn chỉnh, đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức

SỚM MAI 17:23, 30/12/2024

STO - Chiều ngày 30/12, đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Sóc Trăng chủ trì phiên họp tổng kết công tác năm 2024 và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Dự họp còn có đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sắc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

Quang cảnh phiên họp. ẢNH: SỚM MAI
Quang cảnh phiên họp tổng kết công tác năm 2024 và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Sóc Trăng. ẢNH: SỚM MAI

Tại phiên họp, đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả hoạt động năm 2024 và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Trong năm, Ban Chỉ đạo đã tập trung triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo chương trình đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật. Đối với công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Ban Chỉ đạo quan tâm thực hiện có hiệu quả, phối hợp với Báo Sóc Trăng, Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng thực hiện 21 chuyên trang, chuyên mục; các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức lồng ghép các nội dung về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 517 lớp, cuộc với 23.854 lượt người tham dự. Công tác triển khai, quán triệt được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ, Ban Chỉ đạo tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 11 văn bản chỉ đạo; Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo ban hành 59 văn bản triển khai thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn.

Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và đúng quy định. Năm 2024, Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch và quyết định thành lập 1 đoàn kiểm tra về công tác kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập; 2 đoàn giám sát về công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tại 31 đơn vị. Qua đó, Ban Chỉ đạo đã kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong thực hiện các nội dung được kiểm tra, giám sát. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo đang theo dõi, chỉ đạo và các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo. Trong năm, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo, định hướng giải quyết và thống nhất đưa ra khỏi diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo theo dõi chỉ đạo 2 vụ việc, 5 vụ án; đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi 3 vụ án.

Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành và trực tiếp ban hành 4 văn bản chỉ đạo thực hiện về công tác giám định, định giá tài sản; chủ trì tổ chức 3 cuộc họp, trao đổi, thống nhất với các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo tập trung nghiên cứu, đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, cụ thể: tổ chức 9 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; tổ chức 3 hội nghị chuyên đề; thành lập đoàn học tập kinh nghiệm về công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiện toàn 5 ủy viên Ban Chỉ đạo; kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh theo quy định…

Đồng chí Lâm Văn Mẫn đánh giá cao những kết quả đạt được, nhất là sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Năm 2025, Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Quy định số 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ chế, kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương. Chỉ đạo chấn chỉnh, đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết đối với người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp…

SỚM MAI