Chương trình nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh. Đồng thời giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân...
Theo kế hoạch thực hiện, các sở, ban ngành và địa phương tỉnh Sóc Trăng sẽ triển khai thực hiện 10 dự án như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... với tổng vốn đầu tư trên 878 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương trên 223 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 15 tỷ đồng và vốn tín dụng chính sách hơn 639 tỷ đồng.
Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào Khmer luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm đầu tư. Ảnh: TẤN PHÁT
Đồng chí Lý Rotha - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Với vai trò là cơ quan thường trực thực hiện chương trình, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu tổ chức triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, đảm bảo hiệu quả, đạt các mục tiêu chương trình đã đề ra. Đồng thời, chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc theo quy định”.
Cụ thể, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành và địa phương tập trung thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền chương trình bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Kết quả, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 11 cuộc tuyên truyền tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số… với 1.820 đại biểu tham dự, qua đó đã cấp 1.820 tài liệu tuyên truyền với 21.000 tờ bướm pháp luật song ngữ (Việt - Khmer) cho các đại biểu.
Ban Dân tộc và các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã xây dựng và ban hành triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình. Đến nay đã thực hiện được tổng số 66 cuộc kiểm tra, qua công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình, đa số cấp ủy, chính quyền địa phương đều tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình hiệu quả, quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung, văn bản liên quan đến chương trình cho cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc đã tập trung huy động nguồn lực thực hiện chương trình, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án đầu tư hiện có và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung của chương trình. Đến cuối tháng 1/2023, toàn tỉnh đã giải ngân nguồn vốn thực hiện chương trình trên 112 tỷ đồng, qua đó đã triển khai thực hiện xây dựng 63 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, 4 công trình nước tập trung. Đồng thời, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 353 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 361 hộ và đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho các hộ còn lại. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh sẽ tiến hành hỗ trợ đất ở cho 213 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 623 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 230 hộ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức hỗ trợ.
Trong năm 2023, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả chương trình, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành và địa phương tăng cường công tác truyền thông về ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình, triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung, danh mục chương trình, dự án theo phê duyệt của UBND tỉnh. Đồng thời, thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn ngân sách từ các chương trình, dự án, chính sách hiện có và các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
TẤN PHÁT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin