Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia

06:53, 24/03/2023

STO - Giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 3 chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện (chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Là địa phương có tỷ lệ đồng bào Khmer chiếm gần 48% dân số toàn huyện, thời gian qua, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) kịp thời chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình này.

Đời sống người dân nhiều khởi sắc...

Theo đồng chí Nguyễn Văn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, sau thời gian triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, huyện Châu Thành đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cụ thể, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay 7/7 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo kế hoạch năm 2023, huyện sẽ có thêm 1 xã nông thôn mới nâng cao (xã An Hiệp), cơ bản hoàn thành các tiêu chí của huyện nông thôn mới và tiến đến đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2024. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giúp cho tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 8,36% xuống còn 5,28% (năm 2022). Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2022 chương trình này đã giúp cho tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc Khmer từ 10,36% giảm xuống còn 6,9%. Tính riêng năm 2022, huyện huy động nguồn lực để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên 310 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ trên 28 tỷ đồng, chiếm gần 9%, nhiều nhất là vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án gần 210 tỷ đồng, chiếm 70%, còn lại 20% là vốn từ tín dụng, đóng góp của người dân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) vừa được đầu tư con lộ đal rộng 3m từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: CHÍ BẢO

Có thể thấy, sau thời gian triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, diện mạo vùng quê huyện Châu Thành có nhiều khởi sắc, đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên. Đồng chí Đặng Thị Diễm Phương - Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho biết: “Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai trên địa bàn xã thời gian qua nhận được nhiều sự quan tâm, phấn khởi của người dân, góp phần cho xã phát triển bộ mặt nông thôn. Xã được hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn; hộ nghèo dân tộc thiểu số được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, nước sinh hoạt phân tán. Sắp tới, xã Thuận Hòa tiếp tục triển khai việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống”.

Ông Thạch Được - Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa chia sẻ: “Ấp Sa Bâu vừa được đầu tư con lộ đal rộng 3m từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bà con nơi đây rất phấn khởi. Từ nay việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn, tôi cũng vận động bà con trồng hoa kiểng, bảo dưỡng con đường để được sử dụng lâu dài hơn”.

Anh Lưu Minh Ly, ở ấp Sa Bâu bộc bạch: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, tôi đi làm thuê, vợ tôi làm công nhân. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ cho căn nhà trị giá 50 triệu đồng và được hỗ trợ 1 cái bình phun thuốc, 1 máy cắt cỏ từ nguồn vốn chuyển đổi ngành nghề, nên vợ chồng tôi có thu nhập ổn định, để lo cho 3 đứa con đi học, cố gắng năm sau vươn lên thoát nghèo”.

Anh Lưu Minh Ly ở ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) được hỗ trợ 1 cái bình phun thuốc, 1 máy cắt cỏ từ nguồn vốn chuyển đổi ngành nghề, để có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Ảnh: CHÍ BẢO

... từ các chương trình mục tiêu quốc gia

Đồng chí Nguyễn Văn Mỹ cho rằng, các chương trình mục tiêu quốc gia thật sự là một công cụ giúp cho địa phương trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội. Sau thời gian thực hiện đã giúp cho bà con ở khu vực nông thôn rất nhiều, cái lớn nhất là về hạ tầng ở vùng nông thôn ngày càng được khang trang, khởi sắc hơn; về sản xuất, nhờ thông qua các chương trình cũng như từ nguồn lực các chương trình này đã hướng dẫn người dân, hỗ trợ người dân thực hiện theo định hướng sản xuất của huyện, giúp bà con sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất gắn với tiêu thụ và sản xuất theo hướng an toàn hữu cơ để giúp cho bà con dần dần đổi mới hình thức để đáp ứng theo định hướng và nâng cao thu nhập. Đối với vấn đề an sinh xã hội, thông qua các chính sách từ các chương trình giúp cho nhiều hộ dân tiếp cận các nguồn nước sạch, chăm sóc sức khỏe; về văn hóa được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, từ đó đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên; công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệt, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia cũng nâng cao được ý thức tự lực, tự cường của người dân, giúp họ có ý thức tự vươn lên trong cuộc sống, làm giàu cho gia đình và đóng góp cho xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng còn một số khó khăn như: cán bộ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách để thực hiện các chương trình này; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới cần có thời gian từng bước hoàn thiện hướng dẫn cụ thể để dễ dàng triển khai thực hiện hơn; công tác huy động nguồn lực từng lúc, từng nơi chưa đảm bảo yêu cầu…

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Văn Mỹ cho biết thêm: “Để thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian tới, UBND huyện tập trung chỉ đạo, kiện toàn các ban chỉ đạo từ huyện đến xã, từng cấp xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về các chính sách thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn, làm cơ sở để tổ chức thực hiện chương trình gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số của huyện. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển các làng nghề truyền thống, đa dạng hóa các ngành nghề, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; khuyến khích và nhân rộng các mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi những người con xa quê trên mọi miền đất nước cùng chung tay xây dựng quê hương Châu Thành ngày thêm phát triển...

Với quyết tâm chính trị cao, cùng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của UBND huyện Châu Thành, tin rằng việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở huyện Châu Thành sẽ đảm bảo tiến độ, kế hoạch và hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

CHÍ BẢO