Chú trọng truyền thông cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số

04:13, 06/04/2023

STO - Thời gian qua, để các hoạt động hội phụ nữ được lan tỏa và ngày càng đi vào chiều sâu chính là nhờ có sự tham gia tích cực của lực lượng cán bộ cơ sở. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng đã và đang đẩy mạnh việc thành lập các tổ truyền thông ở cộng đồng, tạo sự đồng bộ trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng chí Nguyễn Thị Diện - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trong năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ ra mắt 110 tổ truyền thông cộng đồng thuộc 42 cơ sở hội ở 9 huyện, thị xã thực hiện dự án (bao gồm: các huyện Châu Thành, Mỹ Tú, Kế Sách, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Long Phú, Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu và thị xã Ngã Năm), trong đó, tháng 3 và 4 năm nay đã và đang tổ chức ra mắt 50 tổ tại 50 ấp; đến quý II - III/2023 sẽ tổ chức tại 60 ấp còn lại.

Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng đã thành lập các đoàn rà soát, đánh giá, tháo gỡ khó khăn hoạt động hội cơ sở.

Mỗi tổ truyền thông có từ 7 - 10 thành viên, bao gồm: bí thư chi bộ ấp/trưởng ban nhân dân ấp, chi hội trưởng phụ nữ, đại diện ban công tác Mặt trận/các đoàn thể ở địa phương; trưởng các tổ/nhóm/câu lạc bộ hiện có trên địa bàn của ấp như: tổ vay vốn, tổ tín dụng tiết kiệm, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, tổ công nghệ số cộng đồng, tổ/câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, câu lạc bộ bình đẳng giới... Đây là lực lượng truyền thông làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền tại các địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những hủ tục văn hóa có hại và tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trong và ngoài vùng dự án.

Những đối tượng được tuyên truyền là người dân, đặc biệt là hội viên, phụ nữ và trẻ em gái trong cộng đồng thuộc địa bàn của ấp nơi thành lập tổ hoặc trên địa bàn quản lý khi có yêu cầu của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã hoặc của hội liên hiệp phụ nữ xã, phường, thị trấn… Theo đó, ưu tiên phụ nữ và trẻ em tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn, phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn, lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật.

Tổ truyền thông đã tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình hành động thực hiện nghị quyết đảng bộ tỉnh, huyện, thị xã; nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương… Ngoài ra, các thành viên tổ còntuyên truyền phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” và “Xây dựng người phụ nữ Sóc Trăng tình nghĩa, tự tin, sáng tạo”; các chỉ tiêu thi đua, chủ đề năm; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, bảo vệ môi trường”, xây dựng nông thôn mới; các tiêu chí “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”… 

Đặc biệt, chị, em phụ nữ còn được thông tin về các chính sách có liên quan đến hội viên, phụ nữ, trong đó có hội viên, phụ nữ là người dân tộc thiểu số; cập nhật các kiến thức liên quan đến giới, bình đẳng giới; các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em trên địa bàn. Tùy vào điều kiện thực tế, khi tiến hành truyền thông, tổ trưởng cân nhắc để lựa chọn các hình thức truyền thông phù hợp, hiệu quả như: thảo luận nhóm; thăm hộ gia đình; tư vấn nhóm nhỏ/cá nhân; tọa đàm/nói chuyện chuyên đề; thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã và trên mạng xã hội…

Chị Hứa Thị Kiều - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Xa Mau 2, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) chia sẻ: "Việc thành lập tổ truyền thông này rất ý nghĩa. Bởi đây là lực lượng gần gũi, tiếp cận nhanh hơn với người dân, chị em phụ nữ. Từ đó, khi phát hiện tình hình tảo hôn, bạo hành trẻ em, bạo lực gia đình… chúng tôi sẽ nắm và can thiệp kịp thời".

Có thể nói, việc thành lập tổ truyền thông cộng đồng của Dự án 8 sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong việc góp phần xóa bỏ định kiến giới, hướng đến bình đẳng giới, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, nhất là trong phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, giúp bản thân phụ nữ có cái nhìn tích cực hơn đối với mọi vấn đề. Đồng chí Nguyễn Thị Diện thông tin thêm: "Chúng tôi sẽ quan tâm nhiều hơn những thuận lợi, khó khăn đối với lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên. Qua đó, giúp các thành viên tổ truyền thông làm tốt hơn công tác nắm bắt, phản ánh tâm tư tình cảm, nguyện vọng, dư luận xã hội liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cũng như việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số".

Tin rằng, bằng các giải pháp thiết thực nhất, công tác truyền thông trong phụ nữ và trẻ em nói chung và trong phụ nữ người dân tộc thiểu số nói riêng sẽ đi vào thực chất, hiệu quả.

XUÂN HƯƠNG