Xã Tuân Tức - Chăm lo đời sống cho đồng bào Khmer

05:05, 03/04/2023

STO - Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) đã tập trung triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Khmer tại địa phương. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer trên địa bàn không ngừng được nâng lên, diện mạo phum sóc ngày càng khởi sắc.

Những ngày này, chúng tôi có dịp trở lại vùng nông thôn của xã Tuân Tức, nhìn thấy dọc hai bên đường, nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang. Từ thị trấn Phú Lộc (huyện Thạnh Trị) về đến trung tâm xã đường sá được trải nhựa phẳng phiu và đã được nâng cấp, mở rộng để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con địa phương. Đường đal, đường nhựa nối liền các ấp; ven đường là hàng rào cây xanh, bông hoa… đua nhau khoe sắc nhờ bàn tay vun trồng, chăm sóc của người dân để cùng chính quyền địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là chính sách dân tộc hỗ trợ bà con có thêm nguồn lực đầu tư sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, vươn lên làm giàu chính đáng.

Tuân Tức là một trong những xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn của huyện Thạnh Trị, đồng bào Khmer chiếm tỷ lệ gần 70%. Thời gian qua, xã chú trọng thực hiện các chính sách nâng cao đời sống người dân như: hỗ trợ nhà ở, đất ở, chuyển đổi ngành nghề, vay vốn phát triển sản xuất, sử dụng điện an toàn, nước sạch hợp vệ sinh. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 luôn được cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong xã triển khai thực hiện tốt.

Gia đình chị Sơn Thị Diện, ngụ ấp Trung Bình, xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) có niềm tin kinh tế khá hơn khi được hỗ trợ thực hiện mô hình chăn nuôi bò. Ảnh: THẠCH PÍCH

Là một trong những hộ được hỗ trợ vốn chuyển đổi ngành nghề và hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, chị Sơn Thị Diện, ngụ ấp Trung Bình, xã Tuân Tức phấn khởi cho biết: “Được chính quyền địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạnh Trị cho vay vốn được 30 triệu đồng, gia đình tôi đầu tư xây dựng chuồng trại và mua cặp bò giống về nuôi. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương, gia đình tôi sẽ cố gắng lao động sản xuất, chăn nuôi bò để sau này có cuộc sống ổn định hơn”.

Còn anh Võ Hoàng Đông, ngụ ấp Trung Hòa, xã Tuân Tức, khi được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng và vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạnh Trị, anh quyết định mua máy tiện và mở tiệm sửa chữa cơ khí tại địa phương. Anh Võ Hoàng Đông chia sẻ: “Trước đây, chưa có máy móc, điều kiện sửa chữa phục vụ cho bà con gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi được chính quyền địa phương hỗ trợ và ngân hàng cho vay vốn chuyển đổi ngành nghề, tiệm của tôi đã phát triển dần, có nhiều đơn đặt hàng hơn và có thu nhập cao hơn. Nhờ đó mà cuộc sống ngày càng phát triển hơn trước”.

Anh Võ Hoàng Đông, ngụ ấp Trung Hòa, xã Tuân Tứchuyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) vui mừng khi có máy tiện để phục vụ bà con tại địa phương. Ảnh: THẠCH PÍCH

Để thực hiện đồng bộ và hiệu quả các dự án hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, đồng chí Đồng Vũ Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Tuân Tức cho biết: “Khi có kế hoạch của huyện, xã đã thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý, tổ chức họp ban chỉ đạo triển khai đến các ấp; chỉ đạo các ấp triển khai họp dân, rà soát những người có nhu cầu thụ hưởng chính sách như: nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề; lập danh sách niêm yết công khai tại trụ sở. Còn đối với các mô hình chuyển đổi ngành nghề trên địa bàn xã là theo nhu cầu thực tế của bà con như: mô hình chăn nuôi, buôn bán nhỏ, sửa chữa cơ khí… phù hợp với điều kiện địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế. Trong năm 2023, huyện Thạnh Trị giao chỉ tiêu cho xã đối với đất ở là 3 hộ và nhà ở 32 hộ, với tổng nguồn vốn hơn 1,5 tỷ đồng. Hiện xã đã họp dân và lập danh sách đề nghị để khi có nguồn vốn, sẵn sàng triển khai”.

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, hy vọng đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer trên địa bàn xã ngày càng được nâng lên, diện mạo mới của xã Tuân Tức ngày càng phát triển.

THẠCH PÍCH