Theo đồng chí Lương Quốc Vũ - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận, địa phương này có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm tỷ lệ 47,24% dân số toàn xã. Những năm qua, nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước mà vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, điện, trường học, trạm y tế. Đồng thời, đồng bào Khmer trong xã cũng được hỗ trợ nhà, vốn sản xuất, dạy nghề, giới thiệu việc làm... qua đó giúp các hộ Khmer, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, từ nguồn vốn đầu tư thực hiện các tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 đã giúp diện mạo nông thôn vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số trong xã ngày càng khởi sắc, kinh tế từng bước được nâng lên.
Hệ thống giao thông nông thôn vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số trong xã ngày càng khang trang. Ảnh: TẤN PHÁT
Gia đình chị Triệu Thị Xà Vương, ở ấp Tam Sóc B1 có 6 nhân khẩu, trong đó vợ chồng chị là lao động chính với việc đi làm thuê. Nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn chuyển đổi nghề đã tạo điều kiện cho gia đình chị vươn lên phát triển kinh tế. Chị Vương chia sẻ: “Được chính quyền địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng, gia đình tôi mừng lắm. Vợ chồng tôi dùng số tiền hỗ trợ để sửa sang lại chuồng trại, mua 2 cặp heo về nuôi. Chúng tôi sẽ cố gắng lao động, sản xuất, vừa chăn nuôi, vừa làm thuê nhằm tăng thu nhập cho gia đình, từng bước ổn định cuộc sống”.
Trong năm 2022, có 10 hộ Khmer trong xã được địa phương hỗ trợ chuyển đổi nghề với tổng số tiền 110 triệu đồng và 17 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán với số tiền trên 51 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài việc triển khai thực hiện tốt chương trình, cấp ủy, chính quyền địa phương còn quan tâm hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người dân trong độ tuổi lao động. Bên cạnh đó, xã cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để đồng bào Khmer áp dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trong năm 2022, xã đã tranh thủ nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, hỗ trợ cho 9 hộ Khmer với số vốn phát vay trên 335 triệu đồng. Ngoài ra, hỗ trợ 40 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ bức xúc về nhà ở, trong đó có 31 hộ là đồng bào Khmer. Đến nay, toàn xã chỉ còn 61 hộ Khmer nghèo, chiếm tỷ lệ 5,5% tổng số hộ Khmer trong xã.
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề, đồng bào Khmer có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: TẤN PHÁT
Cùng với việc phấn khởi vì kinh tế gia đình dần ổn định, đồng bào Khmer xã Mỹ Thuận còn vui mừng khi nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trong xã được đầu tư xây dựng khang trang nhờ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm 2022, xã Mỹ Thuận đã được đầu tư xây dựng 3 công trình giao thông nông thôn với tổng số vốn trên 1,6 tỷ đồng và duy tu 1 công trình lộ giao thông với số tiền trên 80 triệu đồng. Các công trình đưa vào sử dụng đã tạo sự thuận lợi trong lưu thông, phục vụ tốt việc sản xuất của người dân địa phương.
Ông Danh Sươl, ấp Tam Sóc B1 cho biết: “Trước kia, tuyến lộ vào nhà sinh hoạt cộng đồng ấp Tam Sóc B1 chỉ được lót đal, theo thời gian đã xuống cấp, trời mưa đi lại rất khó khăn. Nay được Nhà nước đầu tư tuyến lộ mới, hơn 80 hộ dân trong ấp rất vui. Tuyến đường giờ rộng rãi, ôtô có thể vào được nên việc đi lại của người dân rất thuận tiện, nhất là đối với những trường hợp vận chuyển người bệnh”.
Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Mỹ Thuận sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung thực hiện tốt các tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó củng cố niềm tin của đồng bào Khmer vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm lao động, sản xuất, đóng góp chung vào sự phát triển của địa phương.
TẤN PHÁT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin