Theo đồng chí Phú Việt Bền - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó, đồng bào Khmer có trên 16.000 người, chiếm 57,69% dân số toàn xã. Thời gian qua, các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước luôn được cấp ủy, chính quyền xã tập trung thực hiện tốt. Đặc biệt từ năm 2022 đến nay, xã đã tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương (gọi tắt là Chương trình). Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, thay đổi diện mạo nông thôn vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.
Gia đình chị Lâm Thị Khung, ấp Sóc Bưng thuộc diện hộ nghèo của địa phương, thu nhập của gia đình chủ yếu từ việc làm thuê của hai vợ chồng. Từ nguồn vốn của Chương trình, gia đình chị được hỗ trợ xây dựng nhà ở thay thế căn nhà cũ đã xuống cấp. Chị Lâm Thị Khung chia sẻ: “Gia đình không có đất sản xuất, kinh tế gia đình phụ thuộc vào công việc làm thuê nên thu nhập rất bấp bênh. Căn nhà cũ của tôi đã xuống cấp nhưng chưa có điều kiện để sửa chữa. Nay được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng căn nhà mới nên gia đình rất mừng, nhất là trong thời điểm mùa mưa. Có căn nhà mới, tôi và chồng sẽ cố gắng phấn đấu phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.
Đồng bào dân tộc thiểu số địa phương phấn khởi khi được hỗ trợ nhà ở. Ảnh: TẤN PHÁT
Chị Lâm Thị Khung là một trong nhiều hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn Chương trình. Từ năm 2022 đến nay, thực hiện Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, xã Thạnh Phú đã rà soát, lập danh sách và triển khai xây dựng nhà ở đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) cho 11 hộ dân tộc thiểu số. Cũng từ nguồn vốn của Chương trình đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 5 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 6 hộ với tổng kinh phí là 68 triệu đồng. Ngoài ra, xã cũng đã hỗ trợ bò sinh sản cho 42 hộ dân tộc thiểu số tại ấp Sóc Bưng từ nguồn vốn hỗ trợ ấp đặc biệt khó khăn và nguồn vốn giảm nghèo.
Ông Lâm Văn Kía, ấp Sóc Bưng cho biết: “Hai vợ chồng không có đất sản xuất, lại lớn tuổi nên việc làm thuê cũng khó khăn. Nay được chính quyền địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng, chúng tôi sắm xe nước mía. Nhờ căn nhà nằm trên tuyến quốc lộ nên việc buôn bán cũng thuận lợi, cuộc sống đỡ vất vả hơn”.
Bên cạnh đó, xã Thạnh Phú cũng được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ Dự án 4 của Chương trình. Cụ thể, xã Thạnh Phú được đầu tư công trình lộ giao thông tại ấp Sóc Bưng với kinh phí thực hiện trên 940 triệu đồng và đầu tư xây dựng mới chợ Nhu Gia với tổng mức đầu tư trên 1 tỷ đồng. Qua đó đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân địa phương và nhu cầu mua bán của các tiểu thương, tạo vẻ khang trang, thông thoáng, góp phần chỉnh trang đô thị.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc Dự án 4 của Chương trình góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: TẤN PHÁT
Ông Cao Đô Ra, ấp Sóc Bưng cho biết: “Tuyến đường này trước đây là lộ đất nên việc đi lại của người dân, nhất là trẻ em đến trường rất khó khăn. Giờ đây được Đảng, Nhà nước đầu tư cho lộ bêtông rộng rãi, bà con nơi đây đều phấn khởi. Giờ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con trong ấp, đi học của các cháu học sinh đều được dễ dàng, thuận lợi”.
Nhờ được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là được đầu tư các dự án thuộc Chương trình nên diện mạo nông thôn vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số có sự khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương được nâng lên. Tin tưởng rằng thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Thạnh Phú sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc tại địa phương, đồng thời huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện các tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình.
TẤN PHÁT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin