Năm 2023, được cấp ủy, chính quyền quan tâm hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề 10 triệu đồng từ dự án, gia đình chị Lý Thị Phol, ngụ ấp Bồ Đề, xã Kế Thành có vốn mua xe nước mía mở quán nước giải khát để có thêm thu nhập cho gia đình. Vừa ép nước mía phục vụ khách, chị Phol phấn khởi cho biết: “Trước đây, gia đình tôi vừa làm bánh lá dứa, vừa gói bánh tét giao cho khách hàng, nhưng thu nhập vẫn còn bấp bênh. Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ mà giờ đây mỗi ngày cũng thu được một trăm đến vài trăm ngàn đồng. Gia đình tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ để có cơ ngơi buôn bán, phát triển kinh tế gia đình”.
Còn gia đình anh Võ Công Thắng và chị Thạch Thị Lệ Thủy, ngụ ấp Cây Sộp, xã Kế Thành trước đây cũng mở cơ sở sản xuất mộc tại gia, nhưng vì thiếu vốn, thiếu thiết bị máy móc phục vụ nên việc làm ăn cũng không được như ý muốn. Năm 2022, được cấp ủy, chính quyền quan tâm hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình để mua dụng cụ làm mộc. Anh Công Thắng vui mừng cho biết: “Gia đình rất vui trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Có điều kiện phục vụ, gia đình tôi sẽ cố gắng phát huy hết công năng và bảo quản thật tốt”.
Được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, chị Thạch Thị Lệ Thủy có vốn mua dụng cụ làm mộc. Ảnh: THI RE
Cơ sở của gia đình anh Thắng chủ yếu là sản xuất các sản phẩm từ gỗ, đồ mộc gia dụng như: bàn, ghế, giường, tủ… Ngoài ra, anh Thắng còn đi làm gia công đồ gỗ khi khách có nhu cầu. Anh Thắng hy vọng, thời gian tới sẽ có nhiều khách hàng biết đến cơ sở sản xuất mộc của gia đình anh và có nhiều đơn hàng để có tăng thêm thu nhập ổn định nuôi con ăn học.
Để thực hiện đồng bộ và hiệu quả các dự án hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn xã, đồng chí Thạch Ngọc Đặng - Phó Chủ tịch UBND xã Kế Thành cho biết: “Chương trình đã và đang triển khai thực sự là động lực quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực. Năm 2022, huyện đã phê duyệt danh sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 100 hộ, chủ yếu là hỗ trợ như: mua xe máy chạy xe ôm, xe máy bán rong, xe máy làm hồ, xe máy bán hàng hóa, xe đạp điện đi bán vé số, bàn ghế bán nước giải khát, xe nước mía, máy phun xịt thuốc, tủ quần áo phục vụ tiệm may, máy hàn, máy cắt sắt, dụng cụ làm mộc… Hiện nay, xã đang tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 499 hộ, tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã đã xây dựng được một số công trình giao thông nông thôn, hỗ trợ đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt phân tán, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị… Nhờ đó, đời sống của bà con được nâng lên, bộ mặt nông thôn vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng đổi thay rõ nét”.
THI RE
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin