Huyện Châu Thành là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm gần 52%, trong đó, dân tộc Khmer có 46.229 người, chiếm hơn 48%, dân tộc Hoa có 3.208 người, chiếm hơn 3,3%. Thời gian qua, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu điều hành phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Bàn giao hỗ trợ dụng cụ chuyển đổi ngành nghề cho đồng bào Khmer tại xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: THẠCH PÍCH
Là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, từ năm 2022 đến nay, xã An Hiệp đã hoàn tất công tác bàn giao hỗ trợ dụng cụ chuyển đổi ngành nghề từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Sơn Luân, ngụ ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp là một trong những hộ được hỗ trợ dụng cụ chuyển đổi ngành nghề cho biết: “Gia đình tôi không có đất sản xuất. Tôi thường hay bệnh nên không làm việc nặng được. Thu nhập chủ yếu từ quán cà phê nhỏ, nhưng không nhiều. Thấy hoàn cảnh gia đình tôi, năm 2023, chính quyền địa phương đã hỗ trợ xe ép nước mía, bàn ghế, chúng tôi rất vui mừng. Chúng tôi hy vọng thời gian tới thu nhập sẽ tăng lên, giảm bớt khó khăn”.
Còn gia đình anh Lưu Minh Ly, ngụ ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa cho biết: “Được chính quyền địa phương hỗ trợ 1 máy phun xịt thuốc và 1 máy cắt cỏ từ chương trình hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, đã giúp tôi có việc làm thường xuyên hơn, thu nhập cũng ổn định hơn. Giờ tôi đi phun xịt thuốc thuê cho bà con trong xóm, với tiền công mỗi thùng từ 20.000 - 25.000 đồng”.
Đến nay, huyện Châu Thành đã có 210/228 hộ được đầu tư chuyển đổi ngành nghề, 78 hộ được hỗ trợ dụng cụ chứa nước sinh hoạt phân tán, 9 hộ được hỗ trợ đất và 117 hộ được hỗ trợ về nhà ở, với tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư trên 8 tỷ đồng. Hiện các địa phương đã bàn giao hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, chủ yếu là hỗ trợ mua xe gắn máy, xe ép nước mía, máy cắt cỏ, máy phun xịt thuốc làm dịch vụ nông nghiệp theo nhu cầu của người dân đăng ký trước đó.
Đồng chí Trương Hán Nghiệp - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Châu Thành cho biết: “Khi triển khai thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở các địa phương khi tiếp nhận hỗ trợ thì rất phấn khởi, có quyết tâm cao vươn lên ổn định cuộc sống. Quá trình thực hiện cũng được các địa phương đảm bảo theo hướng dẫn, quy trình, các bước khảo sát nhu cầu hộ dân, bình nghị, xét chọn, để từ đó phát huy được hiệu quả hỗ trợ của dự án. Phòng Dân tộc huyện tiếp tục phối hợp các địa phương triển khai các dự án trong chương trình, tạo được động lực thúc đẩy phát triển ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống”.
Thời gian tới, Phòng Dân tộc huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án và chính sách dân tộc tại địa phương. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt phân tán cho người dân khi được đầu tư mô hình.
THẠCH PÍCH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin