Hơn 2 tháng nay, chị Sơn Thị Bé, ấp Hòa Khanh, xã Thạnh Quới chưa vơi niềm vui khi gia đình chị đã không còn sống trong cảnh nhà dột trong mùa mưa năm nay. Căn nhà mới kiên cố, khang trang được xây dựng từ nguồn vốn thực hiện Chương trình không chỉ giúp cho gia đình chị an cư mà còn là động lực để chị vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Chị Sơn Thị Bé chia sẻ: “Thu nhập từ việc làm thuê của tôi chỉ đủ trang trải cuộc sống của 2 mẹ con. Căn nhà xuống cấp đã lâu nhưng không có điều kiện sửa chữa. Giờ nhờ được chính quyền hỗ trợ 44 triệu đồng mà tôi có điều kiện xây dựng được căn nhà kiên cố. Đây chính là căn nhà ước mơ của gia đình tôi. Tôi sẽ cố gắng chăm chỉ lao động để có cuộc sống tốt hơn”.
Chị Sơn Thị Bé, ấp Hòa Khanh, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) (bìa phải) vui mừng trong căn nhà kiên cố được hỗ trợ từ nguồn vốn của Chương trình. Ảnh: TẤN PHÁT
Cùng với việc được hỗ trợ nhà ở, đất ở, nhiều hộ Khmer trên địa bàn xã Thạnh Quới còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề thuộc Dự án 1 của Chương trình. Anh Liêu Khỏe, ấp Bưng Thum thuộc đối tượng hộ nghèo, từ việc triển khai thực hiện Chương trình ở địa phương, anh được hỗ trợ nhà ở, đất ở và hỗ trợ chuyển đổi nghề. Anh Liêu Khỏe cho biết: “Công việc của tôi là thợ xây, trước đây tôi phải đi thuê công cụ để phục vụ cho công việc của bản thân. Nên khi được hỗ trợ chuyển đổi nghề từ Chương trình, tôi đã đăng ký được hỗ trợ máy trộn hồ và máy cắt gạch. Nhờ đó, tôi không cần phải đi thuê công cụ nên thu nhập từ công việc cũng tốt hơn. Ngoài ra, niềm vui của tôi còn được nhân lên gấp bội khi được hỗ trợ nhà ở và đất ở từ Chương trình”. Anh Lương Hoàng Khương, ấp Ngọn cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Do không có đất sản xuất, anh Khương chủ yếu đi xịt thuốc thuê cho các hộ dân trong ấp. Trước đây, khi chưa được hỗ trợ máy phun thuốc và máy phun phân bón, tiền công xịt thuê 1 bình thuốc chỉ được 2/3 do sử dụng máy phun thuốc của chủ thuê. Nay được hỗ trợ công cụ nên tiền công xịt thuê cũng tăng lên, từ đó giúp cuộc sống của anh ổn định hơn.
Nhờ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, anh Liêu Khỏe, ấp Bưng Thum, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) có thêm điều kiện để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: TẤN PHÁT
Theo đồng chí Nguyễn Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới, địa phương có đông đồng bào Khmer, chiếm trên 52% dân số toàn xã. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đến cán bộ và nhân dân, nhất là đồng bào Khmer ở địa phương về mục đích, ý nghĩa của Chương trình thông qua các cuộc họp, sinh hoạt chi, tổ, hội và đội ngũ người có uy tín ở địa phương. Qua đó, tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình trên địa bàn xã.
Từ nguồn lực đầu tư của Chương trình, nhất là Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đã giúp nhiều hộ Khmer xã Thạnh Quới có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2022 đến nay, xã Thạnh Quới đã hỗ trợ 16 hộ Khmer chuyển đổi nghề với kinh phí 160 triệu đồng, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 15 hộ Khmer và triển khai xây dựng hoàn thành 19 căn nhà ở cho hộ Khmer nghèo. Đồng thời, xã đang tiếp tục triển khai xây dựng 8 căn nhà ở, hỗ trợ đất ở cho 8 hộ Khmer nghèo tại địa phương.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo điểm tựa để đồng bào Khmer trên địa bàn xã Thạnh Quới vươn lên thoát nghèo. Đến nay, số hộ Khmer nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 44 hộ, chiếm trên 1,5% trong tổng số hộ Khmer địa phương. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Thạnh Quới sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình gắn với tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
TẤN PHÁT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin