Hiện nay, Sóc Trăng có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, có 5 di sản là của đồng bào Khmer, gồm: Lễ hội đua ghe ngo, Nghệ thuật trình diễn sân khấu dù kê, Nghệ thuật trình diễn dân gian múa rom vong, Nghệ thuật trình diễn nhạc ngũ âm và nghệ thuật sân khấu rô băm. Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng đã và đang tổ chức mở nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật sân khấu rô băm, nhạc ngũ âm và múa rom vong cho những người đam mê loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer.
Đồng chí Lưu Thanh Hùng - Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Được sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng tổ chức mở các lớp truyền dạy nghệ thuật sân khấu rô băm, nhạc ngũ âm và múa rom vong. Đây là lần thứ 2 Đoàn Nghệ thuật Khmer mở các lớp truyền dạy nghệ thuật, thu hút hơn 150 học viên tham gia. Các học viên là diễn viên, học sinh, nhạc công và những người đam mê nghệ thuật múa - nhạc đến từ các đội, tụ điểm sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer và các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh”.
Được theo học lớp nghệ thuật sân khấu rô băm, em Huỳnh Thị Hồng Cúc, nhà ở ấp Tài Công, xã Tài Văn, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) rất phấn khởi: “Em rất thích các điệu múa dân tộc Khmer. Hồi nhỏ em đã có niềm đam mê vì thấy các anh chị trong xóm múa hát vào các dịp lễ hội rất vui. Đến khi lớn lên, bất cứ đi đám tiệc hay dự lễ hội tại chùa Khmer, em đều tham gia giao lưu văn nghệ múa rom vong để góp phần tạo không khí vui tươi hơn. Hiện em cũng đang sinh hoạt văn nghệ chung với nhóm anh chị trong xóm. Khi biết thông tin Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh có mở lớp truyền dạy nghệ thuật sân khấu rô băm, em đăng ký tham gia học ngay. Đến nay, em đã học được một số động tác cơ bản của nghệ thuật múa rô băm, em cảm thấy rất vui”.
Các học viên chăm chỉ tập các động tác múa nghệ thuật sân khấu rô băm, tại Salatel ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: THẠCH PÍCH
Anh Sơn Ngọc Hải, ở ấp Phnô Cam Bốt, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) là học viên theo học lớp nhạc ngũ âm chia sẻ: “Nhóm chúng tôi có 8 thành viên. Nhóm đến đây học được Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh tạo điều kiện về cơ sở vật chất và được các nghệ nhân, nhạc công hướng dẫn tận tình, giúp tiếp thu các bài nhanh để sau này về địa phương phục vụ bà con trong các dịp lễ hội của đồng bào Khmer. Tôi cảm ơn các ngành và Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp cho con em đồng bào Khmer trong cộng đồng nói chung và đội ngũ âm của chùa chúng tôi nói riêng có thêm kiến thức, hiểu biết hơn về loại hình nghệ thuật đặc sắc này”.
Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng Lưu Thanh Hùng nhấn mạnh: “Thông qua công tác đào tạo, truyền dạy này, nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chúng tôi hy vọng, chương trình đào tạo, truyền dạy này sẽ trang bị cho anh chị em học viên đầy đủ hơn những kiến thức về nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh nhà”.
THẠCH PÍCH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin