Đồng chí Lý Rotha - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình, đến nay tỉnh Sóc Trăng có 13/24 mục tiêu cụ thể đạt và vượt so với Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và có 16/24 chỉ tiêu, 21/35 chỉ tiêu cụ thể đạt và vượt so với kế hoạch năm 2022, năm 2023. Các chỉ tiêu còn lại đảm bảo đúng lộ trình và dự kiến đến năm 2025 thực hiện đạt các chỉ tiêu nghị quyết và kế hoạch đã đề ra. Phấn đấu đến ngày 31/12/2023, giải ngân đạt tỷ lệ 95% trở lên theo mục tiêu kế hoạch. Đây là Chương trình lớn mới triển khai thực hiện lần đầu, hệ thống văn bản hướng dẫn chậm được ban hành và chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện theo yêu cầu kế hoạch giai đoạn 5 năm. Một số ngành, địa phương chưa phối hợp chặt chẽ, chưa chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để tập trung thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao; đội ngũ trực tiếp tham mưu thực hiện Chương trình còn gặp nhiều lúng túng".
Chương trình tổng hòa tích hợp các chương trình, dự án chính sách dân tộc trước đây gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung thành phần với 180 hoạt động để hỗ trợ đồng bào Khmer. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, tỉnh đã triển khai đồng bộ, thực hiện hiệu quả 9 dự án, chương trình.
Năm 2022, gia đình anh Thạch Thách là một trong số 116 hộ nghèo ngụ ấp Sóc Bưng, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ thùng nhựa trị giá 3 triệu đồng để chứa 2.000 lít nước và hỗ trợ xây nhà ở. Anh Thạch Thách phấn khởi cho biết: “Mùa mưa năm nay, gia đình tôi có căn nhà mới khang trang và có dụng cụ để trữ nước mưa sinh hoạt cho cả gia đình trong một năm mà không phải tốn thêm tiền để mua nước uống như trước nữa”.
Theo đồng chí Phú Việt Bền - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, bằng nguồn vốn Chương trình, địa phương đầu tư đường giao thông nông thôn tại ấp Sóc Bưng, xây mới chợ Nhu Gia, hỗ trợ nhà ở, đất ở, chuyển đổi ngành nghề; kéo nước sạch sinh hoạt; hỗ trợ 42 bò giống cho hộ Khmer nghèo… với tổng số tiền gần 67 tỷ đồng. Qua đó, đồng bào Khmer có điều kiện phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, diện mạo nông thôn ngày càng giàu đẹp.
Tuyến lộ giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp mở rộng thông thoáng. Ảnh: THI RE
Tính đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai hỗ trợ đất ở cho 338 hộ, nhà ở cho 1.899 hộ, chuyển đổi nghề cho 4.560 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 1.223 hộ, xây dựng 4 công trình nước tập trung. Thực hiện trên 40 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng; triển khai xây dựng 113 công trình như: đường, cầu giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, chợ... duy tu bảo dưỡng trên 50 công trình cơ sở hạ tầng. Xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 5 trường phổ thông dân tộc nội trú; tập huấn nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, đào tạo nghề, xóa mù chữ, bồi dưỡng kiến thức dân tộc. Các hoạt động hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào DTTS; tập huấn, tuyên truyền về tảo hôn, về hôn nhân cận huyết thống; về chăm sóc sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trẻ em...
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tiếp tục triển khai chủ trương đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, cùng với sự chủ động, quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và sự đồng thuận chung sức của nhân dân tỉnh Sóc Trăng trong việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp triển khai thực hiện Chương trình, tin rằng tỉnh Sóc Trăng sẽ sớm thực hiện đạt các mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS, thực hiện mục tiêu “Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng vùng DTTS".
THI RE
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin